Bài này của bạn Trương Chinh nói rõ thêm quan điểm của nhóm Lê quý Đôn về cuộc tranh luận giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh chung quanh Truyện Kiều. Nó sẽ giúp cho chúng ta có thêm một số tài liệu để tiến tới một nhận định đúng đắn và nhất trí hơn về thực chất cuộc đấu tranh mà trong một số trước (12 — 1960) bạn Nguyễn Đình Chú đã có nêu lên.


Trong Nghiên cứu văn học số 12, anh Nguyễn đình Chú có viết một bài nói về thực chất cuộc tranh luận về Truyện Kiều xảy ra cách đây gần bốn mươi năm. Ý kiến của anh rất xác đáng. Không có gì cần phải bàn thêm. Từ lâu cũng đã có nhiều người hiểu như thế. Phạm Quỳnh là một tên bồi bút. Nam phong, cơ quan ngôn luận của y, chỉ là một công cụ thực hiện âm mưu chính trị của chính phủ thực dân. Những bài y viết đều nhằm mục đích tìm cách hướng tinh thần dân tộc của thanh niên thời bấy giờ vào con đường văn chương học thuật suông, lãng quên nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống Pháp. Và việc đề cao Truyện Kiều, đề cao Nguyễn Du, đề cao ngôn ngữ Việt- nam là một khía cạnh hết sức tinh vi của âm mưu nói trên. Anh Huỳnh Lý, người chấp bút viết Chương V. — Báo chí, dịch thuật, khảo cứu trong tập Sơ thảo lịch sử văn học Việt-nam, tập III của nhóm Lê quý Đôn đã dành rắt nhiều trang để nói những điều tôi vừa tóm tắt trên. Riêng về Phạm Quỳnh và phong trào bài Kiều, anh viết rành mạch như sau : đoạn tiểu sử dù rất sơ lược trên đây cũng đủ chứng tỏ Phạm Quỳnh là một người có khát vọng địa vị cao độ và là một tay sai cao cấp được tín nhiệm của đế quốc Pháp. Đã có nhiều lần những người yêu nước vạch mặt chỉ tên Phạm Quỳnh. Như sau vụ Đông kinh nghĩa thục bị khủng bố, người ta khám  phá ra Phạm Quỳnh là một tay sai bí mật của đế quốc chui vào nghĩa thục do thám ; trong việc Nam phong đề xướng phong trào sùng bái Kiều, người ta thấy đó là một mưu mô của Phạm Quỳnh để đánh lạc hướng thanh niên, tiêu ma chí khí và sinh lực của họ ... ».

Khi so sánh « thành tích văn học » của Phạm Quỳnh với những  bài văn của các nhà ái quốc chân chính như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, anh cũng viết:

" Phạm Quỳnh chỉ có tội chứ không có công, và nếu người ta vừa nghiên cứu vừa có ý thức yêu nước thi công trình nghiên cứu, phê bình sẽ chính xác, khách quan và vô cùng có tác dụng hơn. Những nhà ái quốc của ta thời bấy giờ, dù ít bàn về đạo đức, triết lý, văn học, nhưng những bài luận thuyết của Ngô Đức Kế, những câu chuyện về văn học của Huỳnh thúc Kháng ( Thơ văn với thời đại, Thi từ tùng thoại) đã khai thông cho người ta chừng nào, người sống đương thời đều biết».

Có thể trích dẫn thêm nữa, nhưng hẵng thôi. Bởi vì vấn đề " thực  chất" này, ông Trường  Chinh trong cuốn Chủ nghĩa Mác và vần đề văn hóa Việt-nam đã chỉ cho chúng ta phương hướng nghiên cứu rồi. Riêng về phong trào sùng bái Truyện Kiều, ông nhắc đến hai lần. Ở đây chỉ xin trích một đoạn :

«Cụ Ngô đức Kế vừa ở Đảo về, dõng dạc chửi phong trào suy tôn Truyện Kiều mà cụ phê bình rất đúng là một thủ đoạn mê hoặc tri thức, thanh niên. ».

Chính nhóm Lê quý Đôn, khi viết Lược thảo, cũng nhờ những  nhận định căn bản đó mà sáng tỏ vấn đề.

Nhóm Lê quý Đôn đã biết rõ âm mưu của Phạm Quỳnh như vậy, nhưng đến khi bàn về nội dung cuộc tranh luận chung quanh Truyện Kiều vẫn viết như sau:

« Phe chống Kiều gồm các nhà ái quốc Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng và một số nhà nho bảo thủ. Họ nhận xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý. Tuy vậy, họ đã nắm chân lý khi họ vạch dã tâm của bọn cầm đầu phong trào sùng bái Kiều và tai hại của một phong trào như thế đối với thanh niên. Phe tán dương Kiều, đông hơn, do Phạm Quỳnh cầm đầu thì nặng về tầm chương trích cú. Họ thái độ đối với cuộc sống mới hơn, nghĩa là khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn, do thông cảm với yêu cầu tình cảm của con người, họ tán thành nội dung Truyện Kiều từ đầu chí cuối nhưng tán thành theo cảm tính chứ không có lý luận gì. Và họ để công sức vào sự tìm hiểu về kỹ thuật. Về phương diện này, họ đã phát giác được nhiều điều đáng kể ».

Anh Nguyễn đình Chú trích dẫn câu này và cho đây là một mớ mâu thuẫn. Tại sao những nhà ái quốc như Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng có những tư tưởng tiến bộ, mà nhóm Lê quý Đôn lại nói họ « bảo thủ »  trong việc họ đánh giá truyện Kiều, lại nói họ «nhận xét Truyện Kiều như một cuốn sách luân lý»? Tại sao những người như Phạm Quỳnh bán nước, buôn dân, đầu cơ văn hóa mà nhóm Lê quý Đôn lại  nói là, trong cuộc tranh luận về Truyện Kiều, họ « có thái độ với cuộc sống mới hơn »v. v... Anh không hiểu,  và anh quy kết cho rằng nhóm Lê quý Đôn chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không nắm được «thực chất» vấn đề, mặc dù chắc anh có nhìn qua những đoạn văn trong cuốn Lược thảo mà tôi đã chép lại trên kia.

Như vậy là thề nào? Chúng ta hãy đi thẳng vào tài liệu, tức là ( đi thẳng vào nội dung cuộc tranh luận. Chúng ta hãy đối chiếu lập luận của hai phe về Truyện Kiều. Thái độ thực sự cầu thị đòi hỏi phải như vậy.

Trước hết nói về phe chống Kiều. Chúng tôi sẽ dùng ba bài tiêu biểu của phe này : bài Chánh học cùng tà thuyết của Ngô đức Kế, đăng báo Hữu Thanh, số 21, ngày 1-9-1924; bài Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? (Chiêu tuyết những lời bài báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời), đăng báo Tiếng Dân, số 317, ngày 17-9-1930 ; và bài Thuyết chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều của ông Lưu Trọng Lư với anh học trò mê kép hát đóng vai Tần cối, đăng ở Tiếng Dân, số 661, ngày 24-1-1934, của Huỳnh thúc Kháng.

Chắc chắn khi viết bài Chánh học cùng tà thuyết, Ngô đức Kế tất rõ âm mưu của Phạm Quỳnh và báo Nam phong, mặc dù, trong hoàn cảnh bấy giờ, với chế độ kiểm duyệt của Pháp, ông không nói được đường hoàng như chúng ta ngày nay. .Những đoạn ông bàn về chánh học và tà thuyết, chảnh học Ịàm cho thế đạo nhân tâm phải tốt. vận nước cường thịnh, tà thuyết làm cho thế đạo nhân tâm phải xấu và vận nước suy đồi, những đoạn ấy chỉ trích Phạm Quỳnh là "học mướn viết thuê ", « đứa văn sĩ giả dối »,"  anh giả dối lóp lép ", những đoạn ấy nói :

«... bậc hiền nhân quân tử thì kín tiếng giấu tăm, nằm co ở nơi thảo dã, mà bọn bỉ phu tặc tử thì khua chuông gõ mõ, nhảy nhót ở trên vũ đài... »

hoặc là :

«... những người học thức kiến văn chưa được một nắm, nhân cách giá trị chẳng đáng là bao .. thi đã nghiễm nhiên tự lập làm một đấng văn hào, tự xưng khai hỏa quốc dân, mà không ngó lại mình đã khai hóa hay chưa ; thôi thì bài diễn văn chất đống, sách du ký đầy thùng, thôi thì tán xằng, tán nhảm, nói bậy nói càn, không còn có nghĩa lý chính đáng gì nữa... »

Những đoạn văn đó đều chứng tỏ rằng ông đã nhìn thấy bộ mặt thực của Phạm Quỳnh, cho nên ông đã đập mạnh về mặt tư cách, đạo đức của y.

Ngay đến âm mưu đen tối của y là đánh lạc hướng lòng yêu nước của thanh niên, ông cũng thấy. Cho nên, về việc kỷ niệm Nguyễn Du, ông mới chất  vấn :

«Thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huân nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho giống nòi, không ai đáng kỷ niệm cả, mà chỉ ông văn sĩ « trăm năm trong cõi » là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi ? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào ? »

Về việc sùng bái Truyện Kiều cho là « quốc hoa », « quốc túy », « quốc hồn », để đi đến kết luận lừa người ta thả mồi bắt bóng :

« nếu không có Truyện Kiều  thì tình trạng dân tộc Việt-nam sẽ ra thế nào » ông nhận định rất đúng :

«... thiệt là «con oanh, học nói» xằng xiên, bậy bạ, rồ dại, điên cuồng  là tà thuyết vu dân đến thế là cùng » .v.v...

Nói tóm lại, ông đã nhìn thấu tâm địa Phạm Quỳnh và tìm cách này cách khác vạch trần ra không nể. Chẳng những người đương thời đọc bài văn của ông thấy sướng, mà chúng ta ngày nay, sau bao nhiêu năm, vẫn cảm phục tính cương trực, lòng yêu nước của nhà chí sĩ. Trong bức thư của Phạm Quỳnh đăng báo Phụ nữ tân văn số 67, ngày 28-8-1930, chính y đã phải nói rằng: ông Ngô thấy người ta hoan nghênh Kiều  mà có ý căm tức nên viết bài phản đối, chứ ông Ngô cùng y không có hiềm khích gì cả. Đúng. Có như thế. Đây là một người ái quốc căm tức một người phản quốc, và cũng căm tức thiên hạ mắc mưu y, hoan nghênh Kiều hùa theo y mà quên nhiệm vụ khẩn trương trước mắt.

Nhưng, nếu trong bài Chánh học cùng tà thuyết, Ngô đức Kế chỉ nói có thế mà thôi thì đã đi một chuyện, và chúng ta chẳng còn gì mà phải thảo luận. Đằng này, ông còn đánh vào cả bản thân Truyện Kiều, và những lập luận của ông quả thật còn đậm màu sắc phong kiến. Thành ra khi đứng trên quan điểm chính trị mà ông chửi phong trào sùng bái Truyện Kiều thì đúng, nhưng khi đứng trên quan điểm " luân lý" mà chửi Truyện Kiều thì lại là bảo thủ.

Ngay những đoạn ông khen Thầy Mạnh... «lo cự họ Dương, họ Mặc, giảng minh cái học Chu, Khổng, để chữa đổi lòng người», Thầy Mạnh... "tịch tà thuyết, chính nhân tâm, không thua gì công vua Vũ tháo nước lụt, đuổi muông dữ, để cho thiên hạ được an cư lạc nghiệp » đã làm cho chúng ta hơi nghi rằng cái « chánh học » mà ông nói trên kia, là cái học của Chu công, Khổng tử, hai ông tổ đạo nho rồi! Quả nhiên dần dần, ông đề cao việc học chữ Hán, đề cao đạo Khổng.

Ông viết:

« Nước Việt-nam ta vài nghìn năm nay, học chữ Hán, theo đạo Khổng; Hán văn tức là quốc văn, Khổng học tức là quốc học. Tuy rằng, giang sơn biến cải, triều đại đổi thay có mấy mươi lần, cơn hiểm nguy biến loạn đã nhiều mà chính học một dòng vẫn không sa sút; nhân tâm, phong tục, đạo đức, chính trị đều bởi đó mà ra, nước nhà, giống nòi cũng nhờ đó mà thịnh. »

Ông tiếc cho « những người chân nho chính sĩ Hán học thì đã quá nửa mòn mỏi điêu linh.»

Rồi đứng trên cái lập trường " chánh học " đó, thấy đối phương khen Kiều, thì ông chê Kiều, chê từ cái tên sách chê đi. ông nói phủ đầu một câu như sau:

... « Một đôi nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo đức đã là việc bất chính; mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đi nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời.»

ông tán thưởng cái phép gia đình giáo dục của các cụ tiền bối cấm con xem Truyện Kiều, bởi vì xem Truyện Kiều thì " sinh ra cái tư tưởng trộm ngọc cắp hương, khêu hoa, ghẹo nguyệt, say đắm trong trời tình bể ái".

Ông đánh giá Truyện Kiều:

"Văn chương tuy hay mà truyện là truyện phong tình, thì cái vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không đằng nào tránh khỏi... "  

«... Truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển...»

Bấy nhiêu nhận định, chúng ta ngày nay, dù có cảm phục nhà chí sĩ thế nào đi nữa, cũng không thể vớt vát được câu nào. Thường thường, khi nhắc đến bài «Chánh học cùng tà thuyết» này, người ta chỉ đề cập đến mặt chính trị của nó, rồi bỏ qua những luận điểm sai lầm trên kia, và như thế là đúng. Nhóm Lê quý Đôn, vì viết một cuốn lịch sử văn học, nên không thể không đưa ra môt vài lời nhận xét nho nhỏ, rồi cũng định cho qua. Không ngờ bây giờ bất đắc dĩ phải trích từng chữ, từng câu ra như thế này, thấy mình không phải với người xưa quá. Nhưng nghĩ lại cũng không sao. Một người thành phần xuất thân, cũng như cách giáo dưỡng hấp thu từ bé, như Ngô đức Kế, mà chưa thoát khỏi hẳn thế giới quan phong kiến và nho học thì cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vả đó cũng là nhược điểm chung và tất yếu của lớp người như ông mà thôi ! Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là anh Nguyễn đình Chú cũng thấy như thế, cũng trích dẫn một số câu chúng tôi trích dẫn ở trên, nhưng đến khi thấy các tác giả nhóm Lê quý Đôn nói, trong vấn đề Truyện Kiều., Ngô đức Kế là "một nhà nho bảo thủ " nhận  xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý "thì anh không đồng ý. Chẳng hiểu ra làm sao cả!

Sang Huỳnh thúc Kháng. Bài Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không ? ông viết sáu năm sau cuộc tranh luận xẩy ra, nhân dịp Phạm Quỳnh tự bào chữa cho mình và phỉ báng nhà chí sĩ. Còn bài Thuyết chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều..., ông viết trả lời Lưu trọng Lư khi nhà thơ của chúng ta chê ông tàn nhẫn với nàng Kiều, bất công với Nguyễn Du, đúng vào năm 1934, nghĩa là mười năm sau.

Huỳnh thúc Kháng không nói đến âm mưu của Phạm Quỳnh. Chắc không phải là không biết, chỉ vì không tiện nói. Đoạn ông so sánh Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh về mặt nhân cách, đạo đức, hoài bão, nhất định có bao hàm nhiều ý nghĩa khác. Ông viết :

« Ông Ngô đức Kế là một người tài học trổ từ lúc thiếu niên ; nếu như có ý thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia, mượn lối văn  chương để tiện đường mua giàu chác tiếng như ai, thì trong đám người đời lên mặt sang trọng thông thái ấy, ông làm đến đâu cũng thừa. Thế mà hy sinh cả thảy, chỉ ôm một lòng lo việc chung cho đất nước, trọn đời đầy đọa mà cứ khăng khăng một mực, cho đến ngày đậy nắp hòm...»

Nhưng khi giải thích lòng căm tức của Ngô đức Kế đối với Phạm Quỳnh gây phong trào sùng Kiều ông không nói như tôi nói trên kia. Ông viết :

« Phải, căm tức là chính phải. Con đĩ Kiều kia có giá trị gì? Người tô vẽ Kiều (chỉ Nguyễn Du) có công đức gì mà hoan nghênh... ông đã đề xướng chánh học thì đối với sự bất chính đáng ấy mà phản đối là vì nhân tâm thế đạo mà sinh lòng công phẫn chớ có cái gì gọi là thù riêng...»

Như vậy, ông hạn chế phạm vi ý nghĩa bài Chánh học cùng tà thuyết ở chỗ bác Kiều. Ông tán thành Ngô đức Kế ở chỗ cho Truyện Kiều là:

"...một truyện phong tình, không đường nào tránh khỏi cái án tám chữ : ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi (thương dâm sầu oán, mở đường tà dục mà tăng nỗi buồn rầu), dầu văn có hay cũng là một thứ văn mua vui".

Và cuối bài, ông phát triển ý kiến của ông rõ hơn : " Sau này tôi xin chánh cáo cho anh em tri thức trong nước biết rằng :

« Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn chương mua vui mà thôi, chớ không phải là một thứ sách học; mà nói cho đúng Truyện Kiều là một thứ dâm thư, rõ không có ích mà có hại. Ở xã hội ta, từ khi có kẻ tán dương Truyện Kiều, truyền bá học Kiều đến nay, đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi bể tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà theo lối ham mê của mình. Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương vong bại tục, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít. Vậy ngày nay mà được trăm ngàn người học Kiều, thấy khắp trong xã hội ta, không thấy cái ích gì mà chỉ thấy cái hại, mà nếu được một người « đạo đức hẹp hòi» như ông Ngô đức Kế thì không khác gì cột đá giữ dòng sông lở, ngọn đuốc giữa khoảng đêm trường, có công với thế đạo nhân tâm không phải là ít, vì cái mãnh lực của ông đủ kéo được biết bao nhiêu kẻ sa hầm sụp hố kia ».

Về đức hạnh của nàng Kiều, các nhà nho phong kiến tất nhiên đều chê cả, nhưng họ còn dùng những câu văn bay bướm làm nhẹ lời kết án của họ. Chỉ riêng trước kia Nguyễn công Trứ hạ chữ "đáng kiếp tà dâm ", và bây giờ Huỳnh thúc Kháng hạ chữ « con đĩ Kiều », « cái giống độc đĩ Kiều ». Nghe mà đau xót quá !

Trong bài trả lời Lưu trọng Lư,  Huỳnh thúc Kháng chỉ nhắc lại những luận điểm ông đưa ra bốn năm trước. Không có gì mới. Nhưng cũng trích lại đây cho rõ:

"Tôi hay là ông Ngô bác Kiều là bác cái truyện tiểu thuyết "phong tình hối dâm " kia, không đáng làm sách gieo nọc độc gió giăng hoa liễu trong não thiếu niên nam nữ ta. Gió giăng hoa liễu là điều bất chính, bất chính tức có hại ».

Ông vẫn cho Truyện Kiều là một liều thuốc độc:

« Một cái hộp sơn son thiếp vàng trổ rồng chạm phượng, về mặt mỹ thuật rõ là cực tốt mà ở trong đựng những vật có chất độc, ai khen cái hộp tốt mặc ai, chớ những người chỉ đó mà nói với công chúng rằng trong có chất độc, chất độc ấy có hại... thật không có chút gì là tàn nhẫn mà khi nào cũng là chánh đáng cả ».

Trong những luận điểm trên, có một điều cũng cần phải nói là, không những khi đánh giá nhân vật Thúy Kiều, Huỳnh thúc Kháng cũng như Ngô đức Kế, đều đứng trên lập trường phong kiến, mà khi đánh giá một tác phẩm văn học, hai ông cũng theo quan điểm  văn học của nhà nho mà anh Huỳnh Lý gọi là quan điểm "luân lý ". Nghĩa là hai ông đòi hỏi tác phẩm văn học phải luôn luôn nêu lên những nhân vật đạo đức hoàn bị, những bài học luân lý thật rõ ràng, như hai năm là mười — mà đạo đức, luân lỷ hai ông đòi hỏi lại phải là đạo đức luân lý phong kiến. Chứ hai ông không hề chú ý đến giá trị của nó về mặt phản ảnh hiện thực, phê phán hiện thực, giá trị của nó về mặt nhân đạo chủ nghĩa, v.v... Vì thế mà hai ông mới nghiệt ngã với Truyện Kiều như vậy, rồi nghiệt ngã cả với Nguyễn Du chê là văn sĩ «trăm năm trong cõi », cho là "không có công đức gì ", v.v... Rõ ràng đó là quan điểm " văn học luân lý" của các nhà nho phong kiến. Chống hình thức chủ nghĩa là đúng, nhưng đứng trên quan điểm của hai ông mà lập luận thi sai.

Trên kia có nói hai ông Ngô Đức Kế và Huỳnh thúc Kháng đã nhìn thấy âm mưu đen tối của Phạm Qùynh, nhưng bởi vì ý thức phong kiến của hai ông còn quá nặng, quan niệm văn học của hai ông còn sai lầm, cho nên hai ông đã đánh gía chưa đúng mức tác hại của phong trào sùng bái Truyện Kiều. Tác hại của phong trào đó quyết không phải về mặt luân lý, đạo đức, mà là về mặt chính trị, như ngày nay ai cũng rõ. Nếu như trong xã hội ta trước đây, lớp thanh niên như Tố Tâm, Đạm Thủy đòi hỏi được tự do yêu đương, tự do hôn nhân, bất chấp những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, bất chấp những nguyên tắc phong kiến «phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn », thì một người có tư tưởng mới, hay dùng chữ của anh Huỳnh Lý, thì một người có thái độ với cuộc sống mới hơn, nghĩa là khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn, không thể nhận định đó là tuồng thương phong bại tục, là dứt nền nếp gia đình, trật tự xã hội được. Đó là cuộc đấu tranh giữa tư tưởng tư sản, tiểu tư sản chớm  nở và tư tưởng phong kiến, giữa tư tưởng tiến bộ và tư tưởng lạc hậu, giữa cái mới và cái cũ về mặt giải phóng cá tính. Nhất định tôi không phải ở giống độc con đĩ Kiều. Nhất định không thể khép Truyện Kiều là một cuốn " dâm thư ". Ở điểm này, hai ông còn nặng ý thức phong kiến hơn cả Thánh Thán sống trước hai ông gần ba trăm năm. Thánh Thán dám so sánh Tây sương ký của Vương Thực-phủ với thơ Quốc Phong, và ông nguyền rủa :

" Ai bảo vở Tây sương ký là dâm thư, người ấy ngày sau nhất định phải sa xuống địa ngục nhổ lưỡi... "

Tác hại của phong trào sùng bái Kiều đối với thanh niên ở chỗ khác kia ! Tác hại lớn nhất của phong trào sùng bái Kiều, cũng như tác hại lớn nhất của Nam phong là ở chỗ « hướng dẫn các tầng lớp trên trong xã hội đi vào con đường sùng thượng văn học và rèn luyện tri thức suông để xa rời mọi hoạt động chính trị », là « muốn trổ cho tinh thần dân tộc một lối chệch để khỏi đi vào con đường đấu tranh chống đế quốc: đó là con đường văn chương học thuật suông ». Âm mưu của Phạm Quỳnh rất xảo quyệt, nên tác hại rất sâu sắc, khó gỡ, và như Huỳnh Lý nói, và nói một cách có ý vị : « Phạm Quỳnh vẫn có một uy tín to trong giới tư sản và tiểu tư sản tân học mãi cho đến khi ông vào Huế thật sự đội mũ cánh chuồn ».

Năm 1924, đứng trước bàn thờ Nguyễn Du, trầm hương tỏa lên nghi ngút, và hết sức trịnh trọng, đạo mạo,  thành khẩn — tất nhiên là trịnh trọng, đạo mạo, thành khẩn một cách giả dối như Ngô đức Kế đã nói — y " thề " rằng :

« Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc gia ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối vào còn thơm lây ».

Lời  thề nghe huyễn hoặc lạ ! Chả trách nhiều người mắc mưu y, quên nhiệm vụ trước mắt mà đâm đầu vào văn chương, lấy việc viết văn làm lý tưởng, làm lẽ sống  làm đại nghĩa, tự cho mình là bọn phá đường mở  lối, là quân tiên phong của đội binh những nhà văn sau này, như chính Phạm Quỳnh đã nêu lên ở chỗ khác.

Trở lại với phe chống Kiều. Như vậy là trong việc nhận xét Truyện Kiều, các ông Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng đều đứng trên lập  trường phong kiến, quan niệm văn học luân lý mà bài bác. Các ông là những nhà ái quốc, những nhà chí sĩ rất đáng tôn trọng, nhưng về mặt này, các ông là những nhà nho bảo thủ các ông đã nhận xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý. Và anh Huỳnh Lý đã tìm hiểu bản tâm của hai ông, đi sâu vào " thực chất" của vấn đề nên mới hạ câu :

«Tuy vậy họ đã nắm chân lý khi họ vạch dã tâm của bọn cầm đầu phong trào sùng Kiều và tai hại của một phong trào như thế đối vời thanh niên ».

Bài của anh Nguyễn đình Chú có dùng nhiều trang để chứng minh rằng Ngô đức Kế là một người tiến bộ, sao lại có thể nói là nhà nho bảo thủ được. Đúng, ấy là một người có tư tưởng tiến bộ vì những điểm anh Nguyễn đình Chú nêu ra, nhưng ông vẫn là một nhà nho, vẫn là một người nặng ý thức phong kiến, trong việc nhận xét Truyện Kiều, ông là một người bảo thủ. Con người ta phức tạp như thế đấy! Sợ bài này dài quá, nên không dám nói nhiều, ở đây chỉ xin nói thề này: Chúng ta ngày nay rất tiến bộ, học tập thường xuyên chủ nghĩa Mác— Lê-nin, nhưng trong ý thức chúng ta còn rớt lại bao  nhiêu cách nhìn, cách nghĩ về con người, về cuộc đời của giai cấp tư sản, thậm chí của giai cấp phong kiến nữa. Chẳng hạn như việc sùng bái cá nhân một cách mù quáng ! Có thể mới đặt vấn đề cải tạo tư tưởng.

Bây giờ nói về phe tán dương Kiều. Cứ dở Nam phong mà xem thiì biết,  Quả như anh Huỳnh Lý nói, phe này đông hơn. Chỉ kể những người có viết bài năm 1924, trước và sau cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du, thì ngoài Phạm Quỳnh ra, còn nhiều người khác nữa, nhưng Phạm Quỳnh là người cầm đầu. Âm mưu của Phạm Quỳnh như thế nào trên kia đã nói nhiều rồi. Có thể là những người kia  khi tán dương Truyện Kiều chưa hẳn đã biết mưu Quỳnh. Có thể họ là những người mắc mưu Quỳnh, phụ họa theo mà thôi. Ngô đức Kế cũng phân biệt như thế nên ông mới nói:

"Một anh giả dối lóp lép đứng đầu sùng bái Kiều mà  một bọn u mê hờ hững gào hơi rán sửc để họa theo; còn một lớp người chỉ nghe lỏm nhìn mồm thì vỗ tay tán thưởng, khiến người bịt tai bưng mũi phải nhức đầu long óc vì những tiếng to : « Quốc văn ! Kim Vân Kiều ! Nguyễn Du ! »

Họ là những nhà tri thức, những nhà giáo, những sinh viên, tây học, tân học, hay dùng một danh từ thời bấy giờ, những «tân nhân vật». Về thành phần cũng như về ý thức ta tưởng, họ là những người thuộc tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, và cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi ý thức phong kiến cổ truyền. Nhưng họ là lớp người mới, hiểu theo nghĩa tương đối so với lớp người trước họ còn mang nặng ý thức phong kiến hơn. Ngay cả Phạm Quỳnh cũng thế. Chỉ có một điều Phạm Quỳnh là một « tân nhân vật », một người "mới " làm tay sai cho đế quốc Pháp mà thôi.

Ở đây sẽ không bàn đến phần hình thức chủ nghĩa, hay là phần ý thức duy tâm mà tất nhiên họ đều mắc cả. Trọng tâm bài này không phải ở chỗ đó. Ở đây chỉ bàn đến thái độ của họ đối với cuộc đời tôi nhục cua Kiều, để xem họ có "thái độ với cuộc sống mới" hơn hai chí sĩ Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng, như các tác giả nhóm Lê quý Đôn nhận định không. Đọc bài của họ, ta thấy họ thiên về tầm chương trích cú. Nhưng họ đều thương xót cho số phận của Kiều cả.

Họ còn  khen Kiều là một người hiếu nghĩa, tiết nghĩa, trinh bạch.

« Cô Thúy Kiều là người con gái tài sắc tuyệt vời không may gặp cơn gia biến thành gái phong tình, nhưng tấm gương trong lồng lộng, cô vẫn là người " tiết nghĩa ", đủ làm gương cho nữ lưu. » (Vũ đình Long)

«Kiều rất là một người thông minh và hiếu nghĩa, song tài sắc quá, anh hoa phát tiết ra ngoài, nên con tạo ghen mà bắt phải bạc mệnh, thừa trừ cho bõ ghét cái đời tài hoa đó thôi. » (Vũ đoan Trang)

«Giở đến tập phong tình cồ lục
Khóc cho ai mà lại khóc cho ai,
Thương ôi sắc nước hương trời
Thân trinh bạch cũng mai mà cũng tuyết. »


(Nguyễn đôn Phục)

Về những điểm mà các người theo lễ giáo phong kiến thường không tha thứ được cho Kiều, tức là cuộc tình duyên giữa nàng và Kim Trọng, và cuộc đời tủi nhục của nàng, rồi khép cho tội " trèo tường trổ ngõ, quạt ước trăng thề, ép liễu nài hoa, cắp hương trộm ngọc, tà dâm, đĩ thõa, giống nọc độc, v.v... " thì phe này không ai chê trách lấy một lời. Họ thương xót, che chở, tìm cách này cách khác an ủi, nào là tài mệnh tương đố, ông tạo ghét ghen, số đoạn trường phải thế, v.v...

Tư tưởng phong kiến lùi dần thì vụ án tà dâm của Kiều dần dần không đặt ra nữa. Họa chăng chỉ có một mình Trương Tửu. Anh Nguyễn văn Hoàn đã tổng kết cuộc thảo luận về Truyện Kiều, về khía cạnh này.

« Mặc dù bị lên án kịch liệt  vụ án tà dâm, với thời gian, dần dần không thành vấn đề nữa. Tuy vậy cũng phải đợi sau Cách mạng tháng Tám, vụ án đó mới được giải quyết một cách triệt để. Các nhà nghiên cứu Truyện Kiều sau cách mạng đã nhìn Kiều bằng con mắt khác. Nguyễn Sơn xem Kiều là « một nạn nhân quằn quại trong xã hội cũ». Hoài Thanh cho Kiều là «hiện thân cho sự đau khổ vô biên của không biết bao nhiêu người,trong xã hội phong kiến xưa ». Cách mạng đã minh oan cho nàng Kiều ».

Đúng. Đứng trên lập trường mác-xít, chúng ta minh oan cho nàng Kiều. Và trước  chúng ta, những  người đứng trên lập trường tư sản và tiểu tư sản cũng đã bước đầu minh oan cho nàng Kiều rồi. Lý lẽ của họ chưa vững, nhưng thái độ của họ đúng. Bây giờ, đọc lại đoạn văn anh Huỳnh Lý viết về phe tán dương Kiều, tôi thấy anh cân nhắc từng chữ từng lời. Hình như anh đã đoán trước sẽ có những  người đứng ra bắt bẻ, cho nên sau khi hạ câu.

Do thái độ đối với cuộc sống mới hơn, thì anh dừng bút lại giải thích ngay nghĩa là khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn, do thông cảm với yêu cầu tình cảm của con người. Mới là mới ở khía cạnh đó. Rồi khi hạ câu: Họ tán thành nội dung Truyện Kiều thì anh thêm ngay chữ từ đầu đến cuối và bổ sung: Nhưng tán thành theo cảm tính chứ không có lý luận gì. Kể ra thì họ cũng có đưa ra một số lý luận, nhưng đó là lý luận duy tâm, nên cũng cho như là không có. Vẫn không quên xu hướng hình thức chủ nghĩa của họ, anh viết tiếp: Và họ. để công sức vào sự tìm hiểu về kỹ thuật. Viết văn như đánh cờ. Đi một nước mà tính đến ba bốn nước. Cái thú làm văn một phần cũng ở chỗ đó!

Khi biên soạn cuốn Lược thảo  chúng tôi luôn luôn nhắc như nhau không nên tách rời văn học và chính trị nhưng cũng không nên lẫn lộn văn học và chính trị. Làm việc nghiên cứu văn học, chúng tôi thấy, đối với một nhà  văn, đối với một tác phẩm văn học, hay một vấn đề văn học, không thể chỉ nhận xét về mặt chính trị mà bỏ không nhận xét về mặt văn học được. Cụ thể trong cuộc tranh luận về Truyện Kiều năm 1924, chúng tôi nghĩ rằng có việc gây phong trào sùng bái Truyện Kiều và việc đánh giá Truyện Kiều. Đó là hai mặt  của một vấn đề, tuy có liên quan khăng khít với nhau, nhưng không thể nhập nhằng cho là một. Phản đối phong trào sùng bái Truỵện Kiều, đúng thì nói đúng, nhưng đánh giá Truyện Kiều mà sai thì cứ nói là sai, chứ không tìm cách che giấu, bào chữa. Anh Huỳnh Lý, đã cân nhắc mọi mặt như thế, đã nói rõ âm mưu của Phạm Quỳnh, và dụng tâm của Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng, rồi đánh giá một cách khách quan và co lập trường những nhận định về Truyện Kiều của hai phe. Anh không hề vì thấy âm mưu kia mà quên nội dung cuộc tranh luận. Theo tinh thần chung của những người biên soạn cuốn Lược thảo, anh Huỳnh  Lý, khi viết đoạn văn trên, đã nghĩ rằng, nếu đối với những nhà ái quốc như Ngô đức Kế, Huỳnh thúc Kháng mà có hạ chữ "nhà nho bảo thủ " trong vấn đề phê phán Truyện Kiều thì cũng không thể vì thế mà giảm bớt lòng tôn kính của chúng ta, và nếu đối với những người tư sản, tiểu tư sản, trong đó có tên bồi bút Phạm Quỳnh, mà có hạ chữ: «có thái độ mới với cuộc sống hơn » thì cũng không vì thế mà giảm lòng khinh bỉ của chúng ta. Và, chính có nhận ra điều đó, mới thấy được âm mưu của thực dân Pháp là qủy quyệt, như anh đã trình bày rất dài trong đoạn nói về Nam phong. Phạm Quỳnh là một «tân nhân vật» mà chúng thấy hợp với cái lớp người trí thức tư sản và tiểu tư sản, lớp người "tiên tiến " đương thời! Có thế y mới được chính phủ thực dân chỉ định cho làm chủ bút Nam phong, một công thức mới hơn, hợp thời hơn, tinh vi hơn tờ Đông-dương tạp  chí cũ, để tiếp tục âm mưu chính trị của chúng. Và là một tay sai đắc lực, Phạm Quỳnh đã thành công một phần nào, nghĩa là đã gây được ảnh hưởng tai hại trong một thời gian khá dài, đối với nhiều lớp người khác nhau, như trên kia đã nói.

    Trong bài này chỉ bàn về vấn đề Truyện Kiều, còn những nhận định " thành tích văn học"của Phạm Quỳnh nói chung, bây giờ đọc lại , chúng tôi nhận thấy có nhiều  chỗ chưa thật đáng mức. Nhưng đó là đầu đề một bài khác.Thật ra, anh Huỳnh Lý, vì tôn kính hai cụ đã không muốn nói thẳng hai cụ là bảo thủ, mà nói " các nhà ái quốc Ngô đức Kế và Huỳnh thúc Kháng và một số nhà nho bảo thủ khác".

    Ông Ngô đức Kế có thể chống lại cái học hư văn, cái học cử nghiệp, nhưng vẫn có thể đề cao nho giáo. Hai điều đó không mâu thuẫn nhau. Trong Văn tuyển lớp mười, tập I, sách giáo khoa trường phổ thông, Hà-nội, 1957, hướng dẫn giảng giải bài này, chúng tôi có viết như sau :

« Nhớ rằng mục đích của tác giả — và đó là giá trị lớn của bài này— là đả kích một chủ trương, một trào lưu sai lầm, chủ yếu là lối thưởng thức văn chương của giai cấp tư sản, rất nguy hiểm cho sự giáo dục của thanh niên, cho phong trào yêu nước, đặc biệt là đả kích vào tên đầu sỏ thủ xướng, tay sai của thực dân. Vì thế những ý kiến không xác đáng của tác giả do thế giới quan phong kiến và nho học gây ra, chỉ nên lưu ý phê phán sơ lược ».

« Uy tín » nói ở đây là nói về mặt văn chương, chứ không phải về mặt chính trị. Chúng ta đang bàn về khía cạnh văn học của vấn đề.
Muốn có một thí dụ cụ thể về một con người mới lớp đó mà chưa thoát khỏi ý thức phong kiến cổ truyền thì cứ phân tích nhân vật Đạm Thủy trong Tố Tâm của Hoàng ngọc Phách là rõ.

Về sau, trong những người mới chúng tôi nhắc đến trên kia có kẻ cũng có tội với quốc dân, nhưng đó là chuyện về sau này. Trong bài này, chúng tôi không muốn,trích dẫn những đoạn văn của những tên bán nước, phản bội nhân dân, phản bội dân tộc, nên lược đi.