Một cột trụ đá đứng lặng lẽ, trầm mặc, được quan niệm với ý nghĩa đơn thuần là một trụ đá trên có lư hương để du khách thắp hương khi đến thăm đàn tế Lĩnh Nam phong công - Nguyễn Quỳnh - một trong những điểm tham quan tại di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Ít ai nghĩ rằng cột trụ đá đó là một biểu tượng của "trục vũ trụ", cột nối giữa "trời - đất" giữa " cõi âm - dương" và cao hơn là ý nghĩa nhân văn - là đồ thờ có tính truyền thống của dân tộc Việt.

 

Cây hương đá tại đàn tế Lĩnh Nam phong công

 


Thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Quỳnh, trong bản gia phả (bản dịch) ghi rõ: Cụ Nguyễn Quỳnh, thuộc của đời thứ 5 dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, tự là Phụ Dực, hiệu là Lĩnh Nam, con trưởng của Phù Quận công Nguyễn Thể. Sinh năm Ất Mão (1675) dưới đời vua Lê Hy Tông. Năm 19 tuổi đậu Tam trường và làm nho sinh ở Cục Tú lâm. Là người chăm chỉ đèn sách, đọc nhiều sách về thiên văn, địa lý, lịch số, sách thuốc. Một dịp ra bắc, gặp người họ Ngô tên là Cảnh Phượng, dòng dõi Ngô Cảnh Loan, một nhà địa lý nổi tiếng đời Tống, cụ được truyền dạy các bí quyết về thiên văn, địa lý, lịch số...  Sau khi Ngô Cảnh Phượng về nước, cụ trở về quê dời phần mộ tổ tiên táng tại xứ Võ Vi, Văn Sự, Đồng Cùng là nơi có mạch đất tốt và cũng là nơi sẽ phát tích.


Cụ Nguyễn Quỳnh là người không ham phú quý, thích đọc sách thánh hiền, tìm hiểu kinh dịch, phân tích những chỗ huyền bí dạy con cháu thành tài. Năm Ất Dậu (1705), trấn tướng Nghệ An mời làm mạc tân (khách quý) trong nhà. Khi có việc ở biên thuỳ cần trao đổi, biện luận thì cụ được uỷ nhiệm thực thi, do có công nên được bổ nhiệm làm chỉ huy đội quân Thắng Hữu. Về sau một trấn tướng khác ép ra làm quan, cụ cáo từ, về quê sống một cuộc sống với cảnh điền viên, sớm tối làm thơ, mở trường dạy họ và cụ hoàn thiện cuốn "Dịch kinh quyết nghi" gồm 15 quyển (nay còn lưu giữ 2 quyển Từ ấu chân truyện, Đại hiếu chân kinh). Trước khi về sống cảnh điền viên, cụ làm bài thơ nói rõ chí của mình như sau:


Thế lộ hiểm bi thâm
Nhân sinh hữu bách niên
Nhật sung tam hương phạn
Dạ túc ngũ canh niên.
Phú quý kinh thành bích
Thanh nhàn địa giới tiên
Tĩnh suy tiểu trường lý
Quy khứ lạc lâm truyền.


Nghĩa là:


Đường đời rất hiểm nghèo,
Người đời chỉ sống trăm năm.
Ngày đủ cơm ba bữa,
Đêm ngủ trọn năm canh.
Phú quý là khách kinh thành,
Thanh nhàn là tiên trần gian.
Lặng suy lẽ thịnh suy,
Tuổi già nên về nơi rừng suối.


Ngày 28 tháng 5 năm Ất Mão (1735), cụ qua đời, thọ 61 tuổi.


Cụ Nguyễn Quỳnh có 6 con trai, 5 con gái; ba người con trai đầu Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng là những nhà khoa bảng nổi tiếng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử nước nhà. Gia phả ghi như sau: " Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng (1742) con là Nghị hiên (Nguyễn Nghiễm) làm quan  nên cụ được phong Kim tử vinh lược đại phu- Hàn lâm viện thừa chỉ- Nhuận trạch hầu; cụ bà đựoc phong Tự phu nhân. Năm Canh Thìn (1760) gia tặng Lễ bộ thượng thư; Năm Quý Mão (1783), cháu là Thuật hiên (Nguyễn Khản), Địch hiên (Nguyễn Điều) làm quan nên cụ được gia tặng Bao phong khai tiên dụ hậu - Thượng đẳng phúc thần. Các triều đại về sau như Chiêu Thống năm đầu (1787), Thành Thái năm thứ 6 (1894); Duy Tân năm thứ 3 (1909); Khải Định năm thứ 9 (1924) đều có gia phong".


Đàn tế Lĩnh Nam phong công - Nguyễn Quỳnh do Nghị hiên công Nguyễn Nghiễm và em trai là Nguyễn Trọng cùng con cháu trong dòng tộc lập năm Nhâm Ngọ (1762). Hiện nay vẫn còn nguyên nền gạch cổ (KT: 25 cm x 06 cm x 20cm), cốt cao hơn mặt đất 70 cm, trung tâm là một bia đá thanh xanh (KT: 105 cm x 70 cm x 23 cm); đế bia hình chữ nhật (KT: 20 cm x 107 cm x 59 cm), giật 3 cấp; trán bia kiểu " mái long đình", chạm nổi mặt hổ phù, văn xoắn, có chữ "Thọ" khắc theo kiểu chữ triện. Trên hai mặt bia được ghi:


+ Mặt trước có 5 hàng chữ:
- Đồng xã phụng tự (cả xã cùng thờ);


-Tặng phong lễ bộ Thượng thư Thái bảo Nhuận quận công nguyễn Tiên sinh (Tặng phong Nguyễn Tiên sinh làm lễ bộ Thượng thư, tước Thái bảo Nhuận quận công).

- Phong tặng nhất phẩm Tự phu nhân gia phong Quận phu nhân Phan thị  (Tặng phong tự phu nhân Phan thị làm Nhất phẩm, phong thêm làm quận phu nhân).

- Nhị vị (hai vị).

- Nhâm Ngọ thu lập (bia lập vào mùa thu năm Nhâm Ngọ).

+ Mặt sau, phía trên khắc chìm chữ: " Hồng nguyên tuấn lưu" (dòng lớn chảy mạnh); ở dưới có chữ "Phúc" (Phúc lớn của dòng họ) và dòng chữ  "Cảnh hưng vạn bia" (Bia lập năm Cảnh Hưng). Bao quanh là biểu tượng mây, sóng.

+ Gáy bia có hai vế của một câu đối:


Niệm thời truy nhật nguyệt
Truyền ngữ tại giang sơn


(Nỗi nhớ dõi theo vừng nhật nguyệt,/ Lời truyền giữ mãi với non sông).

Về ý nghĩa cột hương đá, trước hết cần biết tới nguồn gốc, phong cách, vai trò, ý nghĩa của các trụ đá đã xuất hiện trong lịch sử. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, sự xuất hiện trụ đá ở nước ta có khá sớm, đến nay đã phát hiện nhiều trụ đá mang ý nghĩa đồ thờ ở một số vùng, miền trên toàn quốc. Tiêu biểu cho loại hình này là cột đá Chùa Giạm (Bắc Ninh), được làm vào năm Bính Dần (1086), cao gần 5m, cầu trúc gồm 2 thớt khối với hình tượng trời tròn đất vuông. Thân trụ tròn có chạm nổi đôi rồng thời Lý đang vươn cao chầu vào viên ngọc toả sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau, mào rồng bốc lửa, bờm thành búi, thân tròn uốn khúc hình chữ S. Đây được xem là một trong những điển hình về trụ đá lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay... Bước sang thế kỷ XVIII, trụ đá dần được chuyển sang hình thức mới là cây hương đá. Một số cây hương đá phát hiện ở các tỉnh phía bắc (Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội...) phần trên được tạo dáng bốn mái hoặc kiểu hộp đèn  (nơi để đèn, nến khi tiến hành tế lễ) - ý nghĩa của cây đèn được nhìn dưới góc độ là nơi truyền tải mối quan hệ giữa con người với thần linh, hoặc là sự biểu hiện của ánh sáng đạo pháp đang toả chiếu xuống chúng sinh... Giai đoạn này, các trụ đá mang tư cách là một cây hương thường gặp được tạo theo hình vuông, thu nhỏ dần từ dưới lên, trên đỉnh cột gắn bát hương, có khi là đài sen cách điệu. Thân cột có các hoạ tiết chạm trổ khá tinh xảo các đề tài về linh vật, các biểu tượng mang ý nghĩa thiêng liêng, hoa cỏ cách điệu; hoặc bốn mặt đóng trong  khung viền (lạc khoản) bao quanh và trong  khung vièn đó khắc các dòng chữ ghi ý nghĩa về sự tích liên quan, tên người công đức, niên đại tạo dựng.v.v... Một số nhà nghiên cứu còn liên tưởng, nghĩ tới các trụ đá -  cây hương đá của người Việt ít nhiều có tính tương đồng về tính chất Linga - văn hoá Chàm (Linga - yoni), nó có tính thiêng liêng, mang một uy lực to lớn, luôn đem lại hạnh phúc cho muôn người. Do chịu ảnh hưỏng của Phật giáo, đồng thời có tác động của Nho giáo và văn hoá Trung Hoa nên những trụ đá của người Việt được nghệ thuật hoá, biểu hiện dưới một dạng khác, nó không còn giữ vị trí trung tâm như bàn thờ Chăm, nhưng vẫn đầy tính linh thiêng và mang đủ ý nghĩa của trục vũ trụ.. Và khi đánh giá vai trò của cột đá - cây hương đá trong văn hoá tín ngưỡng của dân tộc, một số nhà nghiên cứu nhất trí với nhau trong ý nghĩa chung là " Nó đóng vai trò là một trục vũ trụ - chiếc cột nối giữa tầng dưới và tầng trên - cũng có nghĩa nó có sức linh để chuyển sinh khí qua các tầng thế giới".                                  


Cây hương đá tại đàn tế Lĩnh Nam phong công - Nguyễn Quỳnh được đặt phía trước cách chân nền móng đàn tế khoảng 1m; hình vuông, có cạnh 23cm x 30cm; mặt chính chạm nổi 2 chữ "Phụng sự"; phía sau một dòng kiểu chữ triện, khắc chìm trong lòng một lạc khoản; bệ cột đá tạo 2 cấp; cao 1,40m; đỉnh cột kiểu bệ đỡ trên có lư hương. Theo niên đại ra đời của đàn tế thì nó có cách ngày nay trên 200 năm, cũng có thể muộn hơn khi mà đàn tế đã được đưa vào sử dụng. Cây hương đá này không lớn, dáng đươc tạo đơn giản, hoạ tiết không cầu kỳ, các đường viền của lạc khoản cùng các dòng chữ được chạm khắc rõ, bố cục cân đối và vị trí đặt hợp lý trong góc nhìn tâm linh và cũng như tổng mặt bằng chung của khu vực đàn tế.


Cũng như nhiều cây hương đá được phát hiện trên một số địa điểm khác, vượt qua ý nghĩa giản đơn là một trụ đá gắn lư hương để du khách thắp hương khi đến tham quan, cây hương đá tại đàn tế Lĩnh Nam phong công - Nguyễn Quỳnh luôn mang ý nghĩa và vai trò là một trong những đồ thờ cổ truyền của người dân Việt. Như vậy, nhìn chung có thể hiểu rằng đồ thờ là sự kết tụ tinh hoa từ bàn tay, khối óc của tổ tiên, được hình thành từ tư duy dân giã nhằm phản ánh một ý niệm thuộc về ước vọng, một trong những chứng cứ cụ thể nói lên diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình của dân tộc Việt. Nó được ví như giấy "thông hành" để tầng dưới tiếp cận với tầng trên,  hướng tâm con người đi tới điều chân - thiện - mỹ ....góp phần giúp con người vượt qua được những suy nghĩ yếu hèn; ngoài ra bản thân nó còn ẩn chứa lượng thông tin, những quan niệm, phong tục tín ngưỡng, các thời kỳ lịch sử của địa phương, của dân tộc. Mặc dù loại hình đồ thờ dưới dạng là cây hương đá ở Hà Tĩnh phát hiện chưa nhiều nhưng Cây hương đá tại đàn tế Lĩnh Nam phong công - Nguyễn Quỳnh  ở  di tích Đại thi hào Nguyễn Du được xếp vào một  trong các loại hình đồ thờ tiêu biểu ở Hà Tĩnh bởi nó đóng vai trò quan trọng trong  tín ngưỡng - sự linh thiêng, ý nghĩa thánh thiện, tính nhân văn cao cả của truyền thống văn hoá dân tộcViệt.