Với sự thống nhất của đa số thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003, dân ca Ví, Giặm của Việt nam đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003.

 

Ngày 27/11 - ngày thứ 4 của kỳ hợp lần thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003, sau khi nghe đại diện Ban thẩm định hồ sơ đánh giá cao các giá trị của di sản Ví, Giặm của Việt nam, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ của Công ước về di sản văn hóa phi vật thể 2003 của Unesco đã chính thức gõ búa và tuyên bố sự công nhận của tổ chức Unesco đối với hồ sơ khoa học dân ca Ví, Giặm.

 

Trình bày tại kỳ họp ngày 27/11, đại diện Ban thẩm định hồ sơ nhận xét về hồ sơ dân ca Ví, Giặm của Việt Nam: Di sản đáp ứng các yêu cầu Unesco đặt ra; di sản có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị phổ biến trong cộng đồng Việt, được thực hiện trong nhiều hoạt động của đời sống như trồng lúa, dệt vải, hát ru con... Do đó, ban thẩm định hồ sơ thống nhất kiến nghị Ủy ban Liên chính phủ công nhận Dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 

Ngay sau khi có tuyên bố công nhận dân ca Ví,Giặm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL – Đặng Thị Bích Liên trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước đã nhấn mạnh: Quyết định tại Kỳ họp thứ 9 của Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của Unesco công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt nam về một loại hình dân ca được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi việc của con người trong đời sống thường ngày. Có thể nói, đây là một quyết định quan trong với hai tỉnh có di sản nói riêng và Việt nam nói chung. Nhận thức được Dân ca Ví Giặm là di sản đại diện của nhân loại, là tài sản của nhân loại, Việt nam cam kết thực hiện tốt các quy định công ước để bảo tồn di sản.

 

Bà Đinh Thị Lệ Thanh – UVBTV tỉnh ủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng là thành viên của đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần này chia sẻ trong niềm xúc động: Việc ghi danh Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa Đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

 

Hồ sơ khoa học Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được thực hiện từ năm 2012 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên cả nước. Việc Unesco vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ góp phần không nhỏ trong việc đưa loại hình nghệ thuật này đến với công chúng trong cũng như ngoài nước. Đồng thời khẳng định sức sống mạnh mẽ và sự độc đáo của các loại hình truyền thống của Việt Nam đối với thế giới.

 

NLH