Truyện Kiều là một truyện thơ, một văn bản tự sự - trữ tình, trong đó  tự sự như là cốt lõi của tác phẩm, trữ tình khiến cho việc nghe/kể, tức thực hiện một trong những chức năng quan trọng của các truyện thơ nôm, được dễ dàng. Với tư cách một văn bản tự sự, cũng như cốt truyện và người kể, nhân vật,... điểm nhìn nghệ thuật là một trong những thành phần quan trọng nhất, nó hiện diện khắp nơi, chi phối hầu hết các yếu tố, trên các cấp độ của văn bản. Trong bài viết này, chúng tôi đi vào tìm hiểu vai trò của điểm nhìn trong việc xây dựng nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Truyện Kiều là một tác phẩm vay mượn, các nhân vật trong Truyện Kiểu đều đã có trong Kim Vân Kiều truyện, nên thực chất ở đây là Nguyễn Du đã tái tạo nhân vật, cải biến các nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân vốn mang tinh thần và màu sắc của nền văn hóa Trung Hoa thành những nhân vật thật quen thuộc với suy nghĩ, tình cảm, hành động của con người bình thường Việt Nam. Chính vì thế mà chúng được biết bao thế hệ người Việt Nam lưu giữ và chia sẻ. ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra sự khác nhau về điểm nhìn trong việc thể hiện nhân vật giữa hai tác phẩm, chủ yếu là với nhân vật trung tâm: Thúy Kiều.

Điểm nhìn (point of view) là khái niệm được đề xướng bởi H. James trong công trình "Nghệ thuật tiểu thuyết" (The art of the novel N.Y, 1934) về sau thành một phạm trù đặc biệt quan trọng của Phê bình mới và được áp dụng rộng rãi trong Tự sự học. Đấy là “vị trí từ đó người kể nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm”, là “Vị trí của người kể chuyện trong mối quan hệ với câu chuyện của ông ta"  và tác giả, “theo đó có được cái nhìn toàn diện về mối quan hệ của các sự kiện.Đó cũng là khởi điểm mà việc trần thuật trải ra trong không gian và thời gian của văn bản. "Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn .Điểm nhìn nghệ thuật chi phối tất cả các cấp độ của tổ chức tác phẩm, “ngôi kể, các xưng gọi sự vật, cách dùng từ ngữ, kiểu câu" ,hành vi, tâm lí, động cơ hành động của nhân vật và cả điểm nhìn hệ tư tưởng - tức là điểm nhìn tổng quát nhất mà vị trí, tư thế của người quan sát - tác giả thuộc vào một chỗ nào đó của hệ thống văn hóa (một trào lưu triết học, một trào lưu mĩ học nhất định nào đó). Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, khi chúng ta kể về những sự kiện, con người nào đó thì sẽ có hai khả năng xảy ra: hoặc ta kể lại những sự việc mà ta nhìn thấy được từ bên ngoài, hoặc chúng ta phải tưởng tượng, tái tạo trạng thái tình cảm, suy nghĩ, động cơ bên trong của nhân vật, điều ta không thể quan sát trực tiếp. Sự mô tả quan sát từ bên ngoài là điểm nhìn bên ngoài; sự hình dung tái tạo nội dung thế giới tình cảm, suy nghĩ của nhân vật là điểm nhìn bên trong. Trong trường hợp ta được nghe ai đó kể lại về những sự kiện, con người nào đó thì tình hình cũng xảy ra giống hệt như vậy. Còn trong sáng tạo nghệ thuật, nếu như có những tác phẩm, nhân vật chủ yếu được tác giả sử dụng phần nhiều là điểm nhìn bên ngoài, thì cũng có nhiều tác phẩm, nhân vật khác lại chủ yếu được miêu tả từ điểm nhìn bên trong. Mặc dù vậy, ít có tác phẩm nào sử dụng đơn nhất một điểm nhìn mà thông thường, hai điểm nhìn thường được sử dụng phối hợp, luân phiên nhau.

Về điểm nhìn bên ngoài: Việc mô tả hành vi, dáng vẻ, diện mạo của nhân vật - theo lí luận văn học - có thể có ba trường hợp: 1) Người quan sát mô tả chính là cá nhân của người kể chuyện trực tiếp; 2) Có thể qua sự mô tả của một/những nhân vật khác; 3) Có thể theo một mô thức sẵn có của truyền thống như: “râu hùm, hàm én, mày ngài" (tả Từ Hải), “một hai nghiêng nước nghiêng thành” (tả Thúy Kiều), “hoa cười ngọc thốt” (tả Thúy Vân).. Trong ‘Thi pháp Truyện Kiều”, một khía cạnh trong đặc tính của điểm nhìn này đã được GS. Trần Đình Sử đề cập đến trong phần “Cái nhìn nghệ thuật về con người".

Về điểm nhìn bên trong: Việc mô tả thế giới tình cảm, suy nghĩ, động cơ bên trong của nhân vật có thể được thực hiện trong hai trường hợp: 1) Hoặc là từ cái nhìn của chính nhân vật, nhân vật tự bộc lộ. Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du hay sử dụng các từ “rằng”, “nghĩ mình"..; 2) Hoặc là từ “người kể chuyện toàn thông” - người biết hết mọi sự, thấy hết mọi vật. Nhà văn có thể dùng những động từ phổ biến như “Hắn nghĩ" “Nàng cảm thấy" đó chính là các dấu hiệu hình thức của cái nhìn “người kể chuyện toàn thông” trong tác phẩm văn học. Trong việc tự sự của tác phẩm cũng như ở nhiều tác phẩm lớn khác, chúng ta rất dễ dàng nhận ra điểm nhìn có sự di chuyển từ bên trong ra bên ngoài và ngược lại. Đồng thời, tác phẩm cũng thường có sự phối hợp các kiểu nhìn khác nhau trong việc miêu tả nhân vật như: kiểu nhìn theo mô thức truyền thống, kiểu nhìn cá nhân nhà văn, kiểu nhìn của nhân vật khác, kiểu nhìn của người kể chuyện toàn thông, v.v... Nhân vật sẽ được soi rọi từ nhiều góc nhìn, trở nên phong phú và không chỉ thế, tiềm ẩn sự đa nghĩa khiến nhu cầu khám phá của người đọc thêm mạnh. Diễn đạt theo một cách khác, tính tích cực trong sự lí giải, cảm thụ của người đọc được phát huy. Nhân vật - vì vậy - sẽ có sức sống lâu bền.

Cũng cần lưu ý rằng các khái niệm điểm nhìn bên trong - bên ngoài chỉ có ý nghĩa tương đối, trong hệ thống này thì một cái nhìn nào đó là từ bên ngoài, song nếu đặt chính nó trong hệ thống khác thì có thể nó đã trở thành cái nhìn từ bên trong. Chẳng hạn, với hệ thống nhân vật được mô tả thì những lời bình luận phụ đề của Nguyễn Du trong Truyện Kiều xuất phát từ điểm nhìn bên ngoài, nhưng nếu đặt tác phẩm vào hộ thống văn hóa của thế kỉ XVIII-XIX và xem hệ thống này như một văn bản thì những lời bình luận ấy, trong bối cảnh văn hóa ấy, lại xuất phát từ điểm nhìn bên trong.

Trong tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc sự miêu tả thường theo lối “bạch miêu”, thật chi tiết và cụ thể - tả thực. Điểm nhìn trần thuật, vì vậy thường là điểm nhìn từ bên ngoài nhân vật/ sự kiện. “Khi miêu tả con người, sự vật người ta vứt bỏ hết các hình dung từ trang sức được coi là trống rỗng... tước bỏ mọi chi tiết tĩnh tại, rườm rà, bề ngoài của sự vật... bù lại, miêu tả đường nét thật chi riết cụ thể. Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu sử dụng lối trần thuật này trong Kim Vân Kiều truyện làm lối trần thuật chính nên tác phẩm rất mạnh về khả năng tả thực, đến mức nhà nghiên cứu văn học người Trung Quốc Đổng Văn Thành đã coi đây là một thế mạnh cùa Kim Vân Kiều truyện, lấy đó làm chuẩn mực để đánh giá rằng Truyện Kiều chỉ là một dịch phẩm tồi. Viết Kim Vân Kiều truyện theo xu hướng một tiểu thuyết đạo lí - truyện kể tài tử giai nhân, Thanh Tâm Tài Nhân khắc họa nhân vật như những tấm gương biểu trưng cho từng mẫu hình đạo đức xã hội nhất định và tác giả - người kể chuyện trong tác phẩm, thường và chủ yếu đứng bên ngoài nhìn nhân vật đi, đứng, hành động. Tính cách của các nhân vật, vì vậy, là tính cách có sẵn và không phải là không có những hấp dẫn đáng kể trong truyền thống truyện kể phương Đồng thời trung đại: Đó là mẫu tính cách tuyệt đối - tiết liệt, ham muốn, yêu đương, hiếu nghĩa, ân oán đều đến tột cùng.

Ngược lại, Nguyễn Du, trong tác phẩm của mình, đã có sự di chuyển điểm nhìn khi trần thuật. Chúng tôi sử dụng cụm từ “di chuyển điểm nhìn” bởi có khi Nguyễn Du đứng ngoài nhân vật mà miêu tả rất khách quan (Người quốc sắc, kẻ thiên tài; Tình trong như đã, mặt ngoài còn e... Bóng tà như giục cơn buồn; Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo), có khi tác giả là người bình luận về sự đời từ cái nhìn của một con người “ anh minh”:

                                                                                               Ngẫm hay muôn sự tại trời,
                                                                                              Trời kia đã bắt làm người có thân.
                                                                                              Bắt phong trần phải phong trần,
                                                                                              Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
                                                                                              Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Nhưng trong phần lớn các trường đoạn phân tích nội tâm - những đoạn thơ tạo nên ấn tượng thẩm mĩ rất mạnh với người đọc, Nguyễn Du đã di chuyển điểm nhìn trần thuật vào bên trong nhân vật, ta thấy như nhân vật đang tự bộc lộ: Nhân vật tự quan sát thế giới xung quanh, tự chiêm nghiệm và tự nói lên cảm quan của mình. Nói khác đi, Nguyễn Du đã trao quyền cho nhân vật tự quyết định hình ảnh của mình trong lòng độc giả, còn ông - người trần thuật - lặng lẽ giấu mình đi. Đi vào phân tích cụ thể ta thấy:

Về ngoại hình, Thanh Tâm Tài Nhân tả theo lối bạch miêu: “Vẻ người tha thướt, phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm”, qua cái nhìn của Kim Trọng thì đây là một trang tuyệt sắc đa tình: “mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào" (hồi 1), qua đôi mắt si mê của chàng họ Thúc thì “dung mạo nàng mơn mởn như hoa, thân hình nàng nõn nà tựa ngọc” (hồi 11). Tất cả đều là sự miêu tả đơn thuần từ phía bên ngoài nhìn vào nhân vật. Nguyễn Du thì đã dùng bút pháp ước lệ, tượng trưng (rất phổ biến trong văn học cổ phương Đông) để tạo nên một nàng Kiều với những dự cảm số phận hiển hiện ngay từ dung mạo:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Trong cách miêu tả ngoại hình như thế, điểm nhìn trần thuật về cơ bản vẫn ở bên ngoài, nhưng riêng những từ  sắc sảo mặn mà  “ghen” và “hờn" lại không phải là sự miêu tả tự bên ngoài nữa, Nguyễn Du đã di chuyển tiêu điểm miêu tả nhân vật/sự vật vào bên trong: cốt cách và "tình cảm (hoa, liễu ở đây được nhân cách hóa). Đáng chú ý là Thúy Vân chỉ được nhìn từ bên ngoài:

Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Về hành vi: Khi miêu tả hành động của nhân vật Thúy Kiều, Thanh Tâm Tài Nhân cũng vẫn dùng thủ pháp quen thuộc: tả thực để khắc hoạ. Khi Kiều đến với Kim Trọng, bước chân nàng “vội vã" lúc dạo đàn thì “ngón tay thon nhỏ khua động dây tơ" khi Kiều bán mình chuộc cha thì hành động “khẳng khái kịch liệt " Kiều tự vẫn ở lầu xanh thì vẫn là động tác “quyết liệt không đắn đo”... Cách miêu tả nhân vật như thế thống nhất với dự định xây dựng một nhân vật luôn ở mức độ tuyệt đối của Thanh Tâm Tài Nhân như chúng tôi vừa nói ở trên. Còn Nguyễn Du, trong những tình huống ấy, sự miêu tả của ông không chỉ đơn thuần là biểu đạt kết quả quan sát mà quan trọng hơn là qúa trình quan sát.

Ngay từ chi tiết Kim - Kiều gặp gỡ trong tiết thanh minh, về hình thức, rõ ràng việc mô tả ở đây chủ yếu là điểm nhìn từ phía ngoài, nhưng hoá ra Nguyễn Du vẫn sử dụng điểm nhìn từ bên trong để khắc họa khoảnh khắc tâm trạng của nhân vật đang rung động thật tinh tế và nhạy cảm:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài,

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt vẽ chỉn khôn.
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đã lên ngựa, người còn ghé theo.

Câu đầu của đoạn rõ ràng là thông báo khách quan của người kể chuyện nhưng từ câu hai thì sự khách quan ấy đã biến mất, nhường chỗ cho sự rung động đến “choáng váng” của hai trái tim đang bị mũi tên của thần Tình yêu bắn trúng. Trạng thái “dùng dằng” khó nói của đôi trai gái đã không thể lọt qua tầm quan sát của tác giả, ông đã trao cho họ quyền tự phát ngôn và thế là điểm nhìn trần thuật đã chuyển vào bên trong nhân vật một cách tự nhiên. Khi miêu tả tâm trạng Thúy Kiều, ngòi bút của Nguyễn Du luôn kết hợp nhiều điểm nhìn trần thuật. Trước hết, Nguyễn Du như là hóa thân vào nhân vật, để nhân vật tự nói lẽn nỗi lòng của mình với các tổ hợp từ: “Nàng rằng“Kiều rằng"... Đoạn trao duyên nổi tiếng là trường hợp như vậy:

Rằng lòng đương thổn thức đầy
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong...
Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân...

Ở Kim Vân Kiều truyện, nhân vật Thúy Kiều thường bộc lộ tâm trạng bằng cách nói hoặc nghĩ thầm, lần nào cũng là những cụm từ chuyển tiếp: “thầm nghĩ”, “bụng nghĩ”,"""" oản thầm” "bụng bảo dạ" và đó cũng là điểm nhìn bên trong. Khi hạnh phúc đến một cách tình cờ, Thúy Kiều nghĩ trong lòng: “Vương Thúy Kiều này, một bấu máu nóng đến nay mới gặp được tri âm” (hồi 2). Khi gặp sự cố, Thanh Tâm Tài Nhân để cho Kiều tiên liệu hoặc dự liệu: ‘Tiếc thay tính mệnh Vương Thúy Kiều sẽ chết trong tay người này đây” (hồi 7), “Chi bằng kiếp này kết liễu cái nợ cũ ấy cho xong đi (hồi 8)... Những câu độc thoại dạng này chúng ta gặp rất nhiều trên các tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc chứ không chỉ riêng có trong Kim Vân Kiều truyện và nếu lắp vào nhân vật nào cũng có thể dùng được. Nếu sử dụng có mức độ, những cụm từ chuyển tiếp này có thể tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật nhất định. Nhưng nếu sử dụng như một phương pháp thể hiện nội tâm duy nhất thì rõ ràng những cụm từ ấy không thể đáp ứng được nhu cầu biểu đạt những biến thái tinh vi trong tâm trạng con người, nhất là một người phụ nữ nhạy cảm và thông minh như Kiều. Nguyễn Du để cho Thúy Kiều độc thoại nội tâm trước sau 13 lần:

Lần 1: Sau buổi chiều đi chơi thanh minh (C177- 182).

Lần 2: Sau khi bán mình, trước lúc trao duyên (C695- 710).

Lần 3: Sau khi về đến trú phường cùng Mã Giám Sinh (C787- 802).

Lần 4: Sau khi thất thân với họ Mã (C851- 864).

Lần 5: Sau khi quyên sinh không chết ở lầu xanh của Tú Bà (C1017-1020).

Lần 6: Sau khi nghe mấy câu “hoạ vần” của Sở Khanh và quyết định nhờ cậy hắn “ra tay tế độ” (C1075- 1078).

Lần 7: Sau khi mắc mưu họ Sở, bị đòn của Tú Bà (C1189- 1198).

Lần 8: Sau khi nghe Tú Bà giảng giải “kĩ năng nghề nghiệp” (C1219-1226).

Lần 9: Sau những đêm tiếp khách (C1233- 1250).

Lần 10: Sau khi nhận ra chước ghen quỷ quái cùa Hoạn Thư (C1873-1884).

Lần 11: Sau khi bị Hoạn Thư rình nghe cuộc nói chuyện với Thúc Sinh và trước khi quyết định trốn khỏi nhà Hoạn Thư (C2003- 2022).

Lần 12: Suy tính trước khi khuyên Từ Hải ra hàng (C2475- 2486).

Lần 13: Suy tính trước khi tự vẫn trên sông Tiền Đường (C2605- 2616).

Theo thống kê trên, chúng ta nhận thấy Kiều thường độc thoại nội tâm sau khi xảy ra một sự kiện có tác động mạnh đến tâm lí cũng như tình cảm của nàng. Viếng mộ Đạm Tiên, gặp gỡ Kim Trọng, bán mình, trao duyên... tất cả đều là những chặng sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Thúy Kiều. Ngoại trừ 3 nhân vật Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Kim Trọng - mỗi nhân vật có 1 lần độc thoại nội tâm, còn lại các nhân vật khác trong Đoạn trường tân thanh đều không có những đoạn độc thoại nội tâm. Trong khi đó, tác giả để cho Thúy Kiều độc thoại nội tâm đến 13 lần (tổng cộng 152 câu thơ). Con số này cho thấy mức độ quan tâm của Nguyễn Du đến đời sống bên trong của nhân vật Kiều: Ông không chỉ miêu tả, không chỉ dẫn dắt độc giả đến với cuộc đời nhân vật, ông còn sử dụng lối trần thuật gián tiếp - thông qua điểm nhìn bên trong để nhân vật tự bộc lộ và tự đến với người đọc. 13 lần Thúy Kiều độc thoại nội tâm là 13 lần độc giả rung động sâu sắc với tâm trạng của nàng. Mỗi một lần, người đọc có thể thấy xót xa, cảm thương, đau đớn, căm phẫn hoặc thậm chí - chê trách nhân vật như nàng đang hiển hiện trước mắt. Những tình cảm trái ngược với Kiều cũng đã từng diễn ra trong lòng những người đọc Truyện Kiều. Hiệu ứng nghệ thuật đa dạng ấy có được khả năng sáng tạo nghệ thuật, hay đúng hơn, nhờ linh cảm thấu hiểu về nội tâm con người tuyệt diệu của Nguyễn Du. Một cách nhìn nữa "từ bên trong" để thể hiện đời sống nội tâm nhân vật là nhân vật thường được "phơi mở tâm hồn" bởi cái nhìn của người kể chuyện toàn thông, tức là người kể chuyện có khả năng thấu hiểu mọi chuyện, có thể “đọc được” nội tâm nhân vật "đi guốc vào bụng người khác". Lời kể ở đây vẫn là lời kể của người trần thuật - tỉ dụ như đoạn nói về tình cảm của Kiều ở lầu Ngưng Bích là như vậy:

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.

Những trường hợp như thế rất nhiều. Cũng cần nhận thấy thêm rằng đối với các nhân vật khác, việc miêu tả đời sống bên trong cũng được thực hiện bởi người kể chuyên toàn thông như vậy. Chẳng hạn với nhân vật Hồ Tôn Hiến:

Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra,
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên trông xuống, người ta trông vào.

Khi kể về một nhân vật nào đấy, nhà văn có thể dùng lời của nhân vật khác để kể: một nhân vật hay nhiều nhân vật đồng thời cùng kể về một sự kiện, một con người. Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã không ít lần để cho những nhân vật khác nói về Kiều, Kiều được nhìn từ nhiều phía Hoạn Thư nói về Kiều ba lán: Lần thứ nhất trong nhà họ Hoạn, khi Kiều “dâng qua” tờ trình , Hoạn Thư đã nói với Thúc Sinh:

Rằng: "Tài nên trọng mà tình nên thương
Ví chăng có số giàu sang,
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.
Bể trần chìm nổi thuyền quyên ”...

Lần thứ hai tại Quan âm các, Hoạn Thư cũng nói về Kiều với Thúc Sinh:

Khen rằng bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp lan đình nào thua.
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.

Nguyễn Du còn để cho kẻ tình địch của Kiều đánh giá nàng thêm một lần thứ ba nữa: Màn báo ân báo oán. Lần này, Hoạn Thư lâm vào thế yếu, nhưng những câu thơ sau đây của Hoạn Thư nói về Kiều trước mặt nàng, theo logic chắc không hoàn toàn là giả dối:

Rằng: ‘Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng, riêng những kính yêu”.

Hoạn Thư tự nói rằng thực lòng có “kính yêu” Kiều thì đúng là có thể hơi quá, song trong dó cũng có một phần sự thật: sự coi trọng phẩm chất Thúy Kiều, tâm thế “biết mình biết người”... nhưng “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai".

Thúy Kiều cũng không chỉ được nhìn từ một nhân vật, mà từ nhiều nhân vật. Có lúc, Nguyễn Du để cho mấy nhân vật cùng kể và đánh giá về Kiều với Kim Trọng:
                                                                       
-Nhân vật thứ nhất - người họ Đô:

Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
“Thúy Kiều tài sắc ai bì,
Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ.
Kiên trinh chẳng phải gan vừa
Liều mình thế ấy, phái lừa thế kia.
Phong trần chịu đã ê chề”

-Nhân vật thứ hai - Thúc Sinh:

Thúc rằng: “Gặp lúc loạn li
Trong quân tồi hỏi thiếu gì tóc tơ.
... Gặp nàng khỉ ở Châu Thai,
Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên

-Nhân vật thứ ba - Người Hàng Châu:

Rằng: “Ngày hôm nọ giao binh,
Thất cơ chàng đã thu linh trận tiền.
Nàng Kiều công cả chẳng đền"

-Nhân vật thứ tư - Vãi Giác Duyên:

Sư rằng: “Nhân quả với nàng,
Lâm Truy buổi trước, Tiền Đường buổi sau.
... Phật tiền ngày bạc lân la,
Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây

Tất cả các nhân vật đều đồng thanh kể về Kiều với những lời ngợi khen, lời ca ngợi hoặc những lời bày tỏ lòng trân trọng về sắc, về tài, về đức, về tâm của nàng. Không chỉ thế, những lời kể ấy còn luôn được lồng trong những lời của người nghe chuyện - nhân vật Kim Trọng:

Thương ôi! Không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng.
... Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
... Xót thay chiếc lá bơ vơ,
Kiếp trần biết rũ bao giờ cho xong.

Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân cũng sử dụng nhiều điểm nhìn của nhân vật khác trong miêu tả nhân vật Kiều, nhưng không xen lẫn những đoạn trữ tình lồng ghép như thế.

Thủ pháp miêu tả nhân vật từ những điểm nhìn khác nhau được Nguyễn Du sử dụng không chỉ với Kiều mà cả với một số nhân vật khác nữa. Chẳng hạn với nhân vật Từ Hải:

-Kiều nhìn nhận về Từ Hải:

Khóc rằng: 'Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này"
... Rằng: ‘Từ là đấng anh hùng,
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi

- Hồ Tôn Hiến thì:

Biết Từ là đấng anh hùng,
Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

- Người họ Đô thì ngợi ca:

Bỗng đâu lại gặp một người,
Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh.
Trong tay mười vạn tinh binh,
Kéo về đóng chặt một thành Lâm Truy.
Tóc tơ các tích mọi khi,
Oán thi trả oán, ân thì trả ân.
Đã nên có nghĩa có nhân...

- Còn người ở Hàng Châu thì thuật lại về cái chết của nhân vật:

Rằng ngày hôm nọ giao binh,
Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền.

Nói chung, mô tả, đánh giá về một sự kiện, một nhân vật xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau là một thủ pháp thường dùng trong Truyện Kiều. Nó khiến cho văn bản dường như "sâu" hơn, "dày" hơn, nhiều chiều và nhiều âm vang hơn. Riêng về phương diện xây dựng nhân vật, thủ pháp nghệ thuật này đã khiến cho một số nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân vốn chủ yếu là đơn nghĩa (Thúy Kiều - một nữ tử nghĩa hiệp), khi đi vào Truyện Kiều đã thành những nhân vật đa nghĩa, mà điển hình là nhân vật Thúy Kiều. Không phải là đa nghĩa sao được khi có những đánh giá khác hẳn nhau về nghĩa và ý nghĩa của nhân vật này (cuộc tranh luận nảy lửa giữa Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng chẳng hạn)? Cho đến hiện nay đã có thể nói về một lịch sử tiếp nhận nhân vật Thuý Kiều. Phần khác, nếu nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu được mô tả từ điểm nhìn bên ngoài, thì trong Truyện Kiều, người kể chuyện luôn thay đổi điểm nhìn: từ bên ngoài vào bên trong nhân vật và ngược lại. Thêm nữa, ở mỗi vị trí ấy lại có những biến thái khác nhau. Chính vì thế, nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân cơ bản là các nhân vật hành động- như các nhân vật kịch, nhân vật của Nguyên Du là loại nhân vật tâm lí, Truyện Kiều nói như Phan Ngọc là "cuốn sách của một ngàn tâm trạng" .