Năm nay nhân dịp nhân dân thế giới kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Nguyễn Du, điều mà chúng ta mong muốn là giúp cho bạn đọc ở các nước hiểu biết thêm về thơ ca của nhà thơ vĩ đại. Chính nhằm mục đích đó, nhà xuất bản Ngoại văn vừa cho phát hành bản dịch Kiều bằng tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện.

Tôi rất hứng thú khi đọc xong một mạch trong mấy tiếng đống hồ bản dịch hấp dẫn này. Đọc liền một mạch từ đầu đến cuối một bản dịch là một việc hiếm có đối với tôi. Nhớ lại những năm xưa, tôi đã phải vất vả lắm mới « thanh toán » xong các bản dịch Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh, của Cờ-ray-ít-xắc (Crayssac) và của nhiều người khác. Và mỗi lần đọc xong, nếu nói là không bõ công thì hơi quá đáng, nhưng rõ là tôi không hài lòng vì lẽ rằng những dịch giả đó đã bỏ rơi mất cái mà tôi thiết tha nhất, tức là cái chất thơ của nguyên tác. Cách đây vài năm, tôi lại được xem bản dịch của Xuân Việt — Xuân Phúc. Ở đây, chất thơ có phần khá cô đọng nhưng vì dịch ra văn xuôi, bản dịch mang tính chất của tiểu thuyết. Ta cũng biết rằng Nguyễn Du đã chuyển tiểu thuyết ra thơ. Xuân Việt — Xuân Phúc lại chuyển thơ thành tiểu thuyết. Lối « hoàn nguyên » này tự nó đã làm giảm khá nhiều cái bản sắc của tập thơ.

Nguyễn Khắc Viện đã dịch thơ ra thơ, giữ cho tập thơ cái sắc thái của nó như trước kia Cờ-ray-ít-xắc đã làm. Nhưng khác hẳn Cờ-ray-it-xắc, anh không tự bỏ mình trong khuôn khổ của câu thơ có vần, lắm lúc cứng nhắc. Để câu thơ dịch được uyển chuyển hơn, anh không sử dụng vần, mà chỉ chú trọng đặc biệt về tiết tấu của câu thơ. Anh lại nâng câu thơ Pháp lên về mặt thanh âm để nó lột được nội dung tình cảm của thơ trữ tình và thơ tự sự.

Ngoài việc giữ được cho tác phẩm của Nguyễn Du cái sắc thái của tập thơ, sự thành công lớn nhất của Nguyễn Khắc Viện là đã nhằm đúng đối tượng độc giả để truyền lại cho họ, với cái mức tối đa   những cảm hứng mà Nguyễn Du đã truyền lại cho ta. Độc giả đó là ai ? — Là những người chưa hiểu biết gì về sử Việt-nam, về con người Việt-nam. Thế thì làm sao họ hiểu được cách diễn đạt của chúng ta, nhất là của các bậc thâm nho ở những thế kỷ trước? Ở đây tự đặt ra vấn đề sáng tạo của người dịch.

Thử cử ra bai câu ở trang đầu Truyện Kiều :

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nếu dịch đúng từng chữ hai câu này thì độc giả nước ngoài có thể thắc mắc và tự hỏi : « Sao lại như thế này nhỉ ? Sao lại bể dâu ? Sao lại đau đớn lòng ? Thấy bể cả hóa thành ruộng dâu mà đau đớn ư ? Ồ, con người ở cái xứ nông nghiệp nghe nói là lạc hậu này có những ý nghĩ kỳ lạ thật !». Thật ra. ở đây cần phải hiểu thấu đáo ý định của tác giả. Bể dâu trong câu thơ không diễn đạt cái ý mặt biển hóa  thành ruộng  dâu, lại càng không có cái nghĩa tích cực là biến mặt bể thành ruộng dâu.Bể dâu  trong câu thơ Kiều nói  lên cái  ý nghĩa   đau xót của hai chữ tang thương.

Nếu không chịu hiểu như  vậy mà cứ dịch theo sát nguyên  văn  rồi dù có chú thích bằng câu văn cổ Thương hải biến vi tang điền chăng nữa thì cái thắc mắc của người đọc  cũng vẫn tồn  tại. Đằng này  anh Viện đã  tinh ý dịch câu thơ  đầu ra câu :

L'ocean gronde là ou verdoyaient les muriers
(Bể gầm trên đám dâu xưa)

Dịch như thế vừa đúng tinh thần của câu thơ vừa thêm được một hình tượng nghệ thuật. Tiếng thét gầm của bể cả trên một nương dâu xanh tốt xưa kia gợi lên đây đủ nỗi đau xót chứa đựng trong câu thơ sau. Tôi nghĩ rằng đó là một lối sáng tạo đáng kể trong nghệ thuật dịch thơ.

Nhà nho ngày xưa quen dùng những câu bóng bẩy đã thành nếp để nói lên những sự việc thông thường. Ví dụ như khi nói: « Trai bao thỏ lặn ác tà» chính là để nói lên cái ý đơn  giản : đã bao ngày tháng trôi qua. Thỏ lặn, ác tà là những chữ đã mòn. Thế nhưng biết bao người dịch, hoặc vì câu nệ cái «tín » trong việc dịch, hoặc vì sinh điển tích, đã dịch sát đúng từng chữ rồi quay lại chú thích đầy đủ, nào là con ngọc thỏ đứng cạnh Hằng Nga trên cung Quảng-hàn, nào là con kim ô trên mặt trời bị Hậu Nghệ bắn rơi mất xác, v.v... và v.v... làm cho người đọc đang tìm ý thơ lại lạc vào cái rừng sâu thẳm của việc nghiên cứu điền tích không dính dáng gì với tài nghệ của Nguyễn Du. Trái lại, anh Viện đã dịch bằng hai câu bình dị như sau:

. ..les lunes et les soleils
En vain répandent chaleur et clarté

Lối dịch bình dị trong trường hợp này và trong những trường hợp tương tự là cần thiết. Bạn đọc nước ngoài không còn phải tự hỏi vì sao lối nói của người Việt-nam lại kiểu cách không khác các bà làm đỏm trong bản kịch nào đó của Molière !

Thế còn cái phong cách Á Đông? Vứt cái phong cách Á Đông đi à ?

Vứt những cái cần vứt, bất luận nó thuộc về phong cách nào. và lại phong cách Á Đông không phải ở trong những sáo ngữ có xác không hồn mà chính là ở trong những cảm nghĩ tinh vi diễn tả bằng lời thơ tế nhị, mới mẻ, giàu hình tượng, như những câu sau đây :

Lo gì việc úy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu.

Hay là :

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

v.v... và v.v.. Con kiến bò mãi trong miệng chén mà không tìm ra lối thoát, tiếng sóng kêu ầm ầm quanh chiếc ghế, v.v.—, đó là những sự việc mà mọi người hằng thấy hằng nghe. Nhưng chỉ có Nguyễn Du mới nói lên được. Hơn nữa, tuy lầu Ngưng Bích không ở trên một hòn đảo nhưng theo tác giả tiếng sóng vẫn kêu quanh ghế ngồi. Phong cách Á Đông — hay nói đúng hơn — phong cách Việt-nam là thế đó. Aị lại nỡ vứt bỏ con kiến này như đã vứt bỏ con thỏ và con quạ kia ! Ai lại nỡ bỏ qua tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi của nàng Kiều, vây kín nàng trong một « thảnh sầu » trùng điệp ! Anh Viện đã không bỏ sót những ý trên. Thế là tốt.

Một vài nhận xét tinh vi của anh Viện cũng cần được nêu lên đề chứng tỏ rằng nếu ta đọc mà không suy nghĩ kỹ như anh thì ta không thể tiếp thu được đầy đủ những cái hay trong Truyện Kiều. Vì như bốn câu này :

Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Trước nay, nhiều người dịch cho rằng bốn câu thơ đó nói riêng về Thúy Kiều. Anh Viện đã nhận thấy rằng đoạn thơ bao hàm cả Thúy Vân. Anh đã dịch :

Belles parmi les belles...

Có như thế mới tiếp được ý của những câu thơ ở phần trên mô tả Thúy Vân.

Thêm một ví dụ nữa. Như hai câu thơ sau đây :

Gieo thoi, trước chẳng giữ giàng
Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai ?

Trước nay nhiều người dịch cho rằng đây là lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng, cho nên họ cảm thấy có cái gì chưa ổn : " Tại sao Thúy Kiều lại sỗ sàng như vậy? Bỗng dưng lại nghĩ đến việc gieo thoi vào giữa mặt người yêu?". Anh Viện đã khéo léo chuyển cái ý của hai câu thơ thành lời của Thúy Kiều trách Thôi Oanh Oanh đã không biết giữ gìn vội chàng Trương Quân Thụy. Tứ thơ trở nên nhẹ nhàng :

Belle Thoi, vous auriez du lancer votre navetle
Pour n'avoir point, plus tard, à roagir de votre amour

Qua bản dịch của anh Nguyễn Khắc Viện, tôi đã thấy rõ quan điểm đúng đắn của anh trong việc dịch thơ nhằm phục vụ một đối tượng độc giả nhất định. Nắm vững ngôn ngữ thơ ca của hai dân tộc — Việt và Pháp — anh cố tìm mọi cách truyền lại đầy đủ cái tinh hoa trong thơ Nguyễn Du. Giữa lúc toàn dân ta đang đem toàn lực ra để chống Mỹ cứu nước, giữa lúc chính bản thân anh cũng bận về bao nhiêu công việc khác, hoàn thành trong một thời gian ngắn ngủi sáu bảy tháng một công trình dịch thuật như vậy chứng tỏ ở nơi anh một tấm lòng yêu văn học và yêu Nguyễn Du rất nồng nàn. Nâng quyển Kiều lên tay, chúng ta biết ơn anh đã thay thế chúng ta nói lại lời nói thân yêu của Nguyễn Du với hàng vạn, hàng triệu nhân dân thế giới.