Khảo luận về truyện Thúy Kiều của Đào duy Anh là  một quyển  sách nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du, soạn giả viết từ năm 1943 và cho tái bản đầu năm 1958 . Khi cho in lại, trong "lời tái bản " in ở đầu sách, ông Đào duy Anh viết:

"Sách Khảo luận về Kim Vân Kiều chúng tôi viết từ 1943... Đáng lẽ sách này phải đem viết lại toàn bộ thì mới nên cho in lại. Thế mà tôi vẫn để nguyên cho tái bản là nghĩa làm sao ? Gần đây tôi thấy một số giáo sư Việt văn các trường phổ thông vẫn thường đi tìm kiếm sách ấy để tham khảo mà không có, và nhiều người nói với tôi rằng nó  vẫn có thể giúp ích cho việc học và dạy Việt văn ở trường phổ thông được. Tôi bèn tìm để đọc lại thì thấy về phần tài liệu và cách nghiên cứu nó vẫn có thể dùng  được, nhưng về phần nhận định về văn chương và tư tưởng Nguyễn Du thì có nhiều chỗ cần phải bổ sung, nếu để y nguyên mà tái bản thì sợ nó không đáp ứng được yêu cầu hiện tại của  độc giả. Cân đi nhắc lại, tôi thấy rằng để bổ sung phần nào cho những nhược điểm về phần văn chương và tư tưởng, có thể thêm vào đây một bài tôi mới viết sau kháng chiến để mở đầu cho cuộc thảo luận về Kiều đã đăng trong tập san Đại học sư phạm số 1 năm 1955. Tôi xin đặt bài ấy làm một chương cuối cùng để bổ sung cho những ý kiến của tôi ở trên, tuy thiếu sót nhưng không mâu thuẫn." (trang 5 và 6).

Trong bài này, tôi chỉ phát biểu về hai vấn đề chính :

1.Cách nghiên cứu của ông Đào duy Anh có còn dùng được nữa không ?

2.Sách Khảo luận về truyện Thúy Kiều của ông Đào day Anh có cần viết lại toàn bộ hay chỉ cần bổ sung thôi?

Trong sách Khảo luận về truyện Thúy Kiều, ông Đào duy Anh chỉ chú trọng về phần văn chương tác phẩm, mà rất coi nhẹ phần tư tưởg tác phẩm, nếu không nói là bỏ qua hoàn toàn. Đó là cách nhìn tác phẩm theo phương pháp hình   thức chủ nghĩa, xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ học  duy tâm. Chứng cớ là ông đã dành hẳn 46 trang (từ tr. 82 đến tr. 127) để nghiên cứu về nghệ thuật tác phẩm, trong khi chương phân tích nhân vật tác phẩm có 15 trang và chương tìm hiểu tư tưởng tác giả chỉ vẻn vẹn có 8 trang, còn vấn đề tư tưởng tác phẩm thì ông Đào duy Anh bỏ hẳn không đề cập đến. Do cách nghiên cứu sai lệch đó, ông đã đi vào con đường "tầm chương trích cú", " cao đàm khoát luận ". Ông hết sức  chú trọng vào những phép làm văn, như phép "tá khách hình chủ " (tr. 85), phép ngắt câu (tr. 122, 123), phép đối ngẫu (tr. 122), phép bắc cầu (tr. 125), v.v... ông lại đặc điệt tìm tòi những bí ẩn trong từng chữ từng cầu : Ví dụ khi nhận xét về cách miêu tả hai nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân, ông cho rằng tả Thúy Vân, Nguyễn Du « dùng chữ «thua» (mây «thua » nước tóc) và chữ «nhường» (tuyết «nhường » màu da) là cốt đề ám thị cho ta rằng cái sắc và cái đức của Thúy Vân để dành cho nàng một số phận đầy đủ hạnh phúc», và tả Thúy Kiều đẹp một cách tươi thắm lộng lẫy «khiến cho hoa cũng phải «ghen », liễu cũng phải "hờn", nghĩa là tạo vật cũng phải ghen ghét mà sẽ bắt Thúy Kiều chịu một phận mệnh khổ sở cho bõ ghét».

Đối với các nhân vật trong Truyện Kiều, khi phân tích, ông Đào duy Anh lại tách rời từng hình tượng nhân vật mà không thấy rằng trong tác phẩm mọi nhân vật đều liên quan mật thiết với nhau và trước hết phải chú trọng cuộc sống của họ và xã hội đã tạo nên tư tưởng, tình cảm của họ.

Về nhân vật Thúy Kiều, sau khi dẫn hai thái độ khen chê của hai phái nhà nho «nghiêm khắc» và « tân học», ông Đào duy Anh cho rằng: Thúy Kiều «là một nhân vật đặc sắc », «một người con gái sắc tài đức hoàn toàn »; nàng là người « tiết nghĩa », « đa tình», « đa sầu đa cảm » và thông minh, ông nhận định : «Theo công lệ " bỉ sắc tư phong" thì một người sắc tài như thế tất phải có một số phận mỏng manh, phải gặp những nỗi gian truân và bị đầy đọa đến nước... Ở đời người ta thường vì có tình mà thấy khổ, chứ những người vai u thịt bắp, ít xúc cảm, không biết tình là gì, thì dẫu lâm vào cảnh khổ có khi họ cũng không tự biết. Bởi thế phải tả Thúy Kiều là người đa tình cho nên lại đa sầu đa cảm. » (tr. 68, chương 4).

Rõ ràng đó là một lối nhìn hoàn toàn duy tâm không xuất phát từ cơ sở khoa học nào cả. Trong thực tế xã hội, không chỉ những người có tài sắc mới  bị gian truân đầy đọa. Nhân vật A. Q. của Lỗ Tấn là một nông dân nghèo khổ có «tài sắc » gì đâu mà cũng bị «gian truân đầy đọa ?» Nguyễn Du mô tả Thúy Kiều là người "tuyệt thế sắc tài " không phải vì nhà thơ «muốn tả một đời gian truân đầy đọa» của nàng, như ông Đào duy Anh đã nhận định, mà chỉ là để khiến cho độc giả thêm yêu mến, thương cảm nàng, thêm căm ghét xã hội đương thời. Còn «đa tình» và «đa sầu đa cảm » là cá tính của nhân vật Thúy Kiều. Nhờ có cá tính này mà Thúy Kiều trở nên nhân vật sinh động, hiện thực. Tôi không hiểu ông Đào duy Anh nói ai là " những người vai u thịt bắp, ít xúc cảm, không biết tình là gì» và dẫu họ «lâm phải cảnh khổ, có khi họ cũng không tự biết ? » Nếu đó chưa phải là một sự tập luận xuất phát từ một quan điểm phản động thì đó cũng không phải là tư tưởng nhân dân.

Khi nhận định về «tính tình » của các nhân vật, ông Đào duy Anh viết : « Những người trong Truyện Kiều vốn là những người gần vời sự thực, những người ta có thể tin rằng đã từng sống ở Trung-quốc đồng thời  với Kim, Vân, Kiều. Nguyễn Du tuy không tả thực nhưng lại là một tay tâm lý học sành, nên đã biến hóa những người ấy thành những người không riêng gì của Trung-quốc bấy giờ mà là chung cho cả mọi đời, mọi xứ» (tr. 66, chương 3).

Đây cũng là một lối nhìn cũ, lối nhìn tĩnh. Nếu nhân vật Truyện  Kiều là nhân vật " chung cả mọi đời mọi xứ "  thì chả hóa ra xã hội  vĩnh viễn bất di dịch hay sao ?

Lịch sử không bao giờ lặp lại y như cũ. Trong xã hội có giai cấp,  văn học cũng phải có tính giai cấp : Văn học là một trong những hình  thái ý thức xã hội và là sự phản ánh sinh hoạt hiện thực của xã hội.  Do đó, Truyện Kiều cũng chỉ là một tác phẩm phản ảnh những quan hệ xã hội đầu thế kỷ 19 ở Việt-nam. Ngoài xã hội thế kỷ 19, người ta  cũng có thể tìm thấy hình bóng một số nhân vật Truyện Kiều với những  nét tương tự — tương tự chứ không phải như in  ở những thời kỳ  còn chế độ thực dân  phong kiến mà thôi. Cho nên không thề có một tác phẩm văn học phản ảnh nhiều giai  đoạn lịch sử khác nhau như nhận định kể trên của ông Đào duy Anh được.

Quan điểm duy tâm của ông Đào duy Anh còn thể hiện khá rõ ở chương nói về « tư tưởng Nguyễn Du ». Bắt đầu vào chương này, ông viết ngay : «Tư tưởng chủ yếu của Nguyễn Du trong sách này là «tài mệnh tương đố », tư tưởng ấy là cái nòng cốt tinh thần cho toàn truyện, mà mỗi một chương, mỗi một tiết, mỗi một đoạn chỉ là để chứng minh cho nó thôi (tr. 128, chương 7).

Nói rằng tư tưởng chủ yếu của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là «tài mệnh tương đố», điều đó đúng. Nhưng nói rằng : «tư tưởng ấy  làm nòng cốt tinh thần cho toàn truyện và mỗi một chương, mỗi một tiết, mỗi một đoạn chỉ là để chứng minh cho nó thôi » là sại. Bất cứ một tác phẩm văn học ưu tú nào đều phát sinh từ thực tế xã hội bản chất của nó phải rút ra từ cuộc sống. Trong quá trình xây dựng tác phẩm, bao giờ thực tế cũng có trước, quan niệm chỉ có thể hình thành sau và quan niệm, tư tưởng bao giờ cũng thay đổi theo những điều kiện xã hội. « Lịch sử tư tưởng chứng minh gì, nếu không phải là chứng minh rằng sự sản xuất tinh thần biến chuyển theo sự sản xuất vật chất?» (C. Mác — Ph. Ăng-ghen). Cho nên tư tưởng «tài mệnh tương đối không thể làm "cái nòng cốt tinh thần cho toàn truyện". Cái «nòng cốt tinh thần» của Truyện Kiều là sự đau thương trước quyền sống của con người bị chà đạp bởi cả một xã hội phong kiến nhơ nhép, tàn bạo. Đó là tinh thần nhân đạo chủ nghĩa tiềm tàng khắp trong Truyện Kiều. Nếu ta có đọc những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du  như : sở kiến hành, Thái bình mãi ca giả, Điếu La thành ca giả, Long thành cầm giả ca …ta mới thấy rõ tấm lòng thương xót những người bị xã hội đầy đọa, của thi hào họ Nguyễn. Như vậy, cơ sở sáng tác Truyện Kiều là thực tế xã hội, tư tưởng «tài mệnh

Bài Sở kiến hành, Nguyễn Du làm trên đường đi Bắc sứ : ông tỏ lòng đau xót khi thấy bốn mẹ con mụ ăn mày sắp chết đói. Bài Thát bình mãi ca giả, ông tả những cơ cực của một người  mù hát rong và tự trách mình ăn uống quá sung túc (trong lúc đi sứ). Bài Điếu La thành ca giả, ông tỏ lòng thương tiếc một kỹ nữ nổi danh tài sắc mà phải chết non, vùi thân dưới nấm mồ vô chủ. Bài Long thành cầm giả ca, ông tỏ lòng thương cảm một kỹ nữ tài sắc khi về già, không ai đoái tới. “tương đố” chỉ là tư tưởng trừu tượng xây dựng trên cơ sở thực tế bế tắc của xã hội cũ đó mà thôi. Do đó,Nguyễn Du dùng  tư tưởng " tài mệnh tương đố" đễ giải thích một số hiện tượng tàn bạo, thối nát, bất công của xã hội tác phẩm cũng như xã hội thực tại, là vì ý thức hệ giai cấp và điều kiện lịch sử hạn  chế, ông không thấy được nguyên nhân chính là chế độ phong kiến. Trước khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, ông đã được chứng kiến biết bao làn khóc đau thương trong xã hội Việt-nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, và ngay bản thân ông cũng từng phải nếm nhiều tàn khổ. Do sự từng trải cuộc sống và hiểu biết cuộc sống sâu sắc mà nhà văn hào sinh mối đồng tình khi đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh-tâm tài nhân. Vì vậy  trong quá trình xây dựng Truyện Kiều, thực tế xã hội có trước, tư tưởng của Nguyễn Du nghĩa là cách ông giải thích thực tế xã hội đó bằng thuyết "tài mệnh tương đố" phát sinh sau. Cho nên «mỗi một chương, mỗi một tiết, mỗi một đoạn » không thể là để «chứng minh » cho tư tưởng đó, như ông Đào duy Anh đã nhận định.

Nói chung, trong toàn chương «Tư tưởng Nguyễn Du », ông Đào duy Anh chỉ giải thích thuyết «thiên mệnh » của nho giáo, chữ " nghiệp ", chữ « tâm » của Phật giáo, qua nhân vật Thúy Kiều, mà không có lấy nửa lời phê phán những tư tưởng đó của tác giả. Làm như vậy, vô hình trung, ông đem reo rắc cái phần lạc hậu trong tư tưởng của Nguyễn Du, chứ không phải nghiên cứu cái hay cái dở của tư tưởng đó và phê phán những tư tưởng đó để góp phần vào việc tìm hiểu và đánh giá Truyện Kiều một cách đúng đắn. Hơn nữa, chỉ tìm hiểụ Nguyễn Du qua mỗi dòng; mỗi chữ ở Truyện Kiều thì chưa đủ. Đối với những tác giả cổ điển không còn chút tài liệu nào hoặc còn rất ít tài  liệu về thân thế và thời đại họ, thì bất đắc dĩ nhà nghiên cứu mới chỉ tìm tư tưởng họ qua tác phẩm của họ. Trường hợp Nguyễn Du đâu đến nỗi như vậy. Thời đại Nguyễn Du đã chi phối sâu sắc tư tương ông. Vì vậy muốn nghiên cứu tư tưởng Nguyễn Du, cần hiểu sâu sắc thời đại ông. Tìm hiểu được tư tưởng Nguyễn Du rồi, ta lại đánh giá xem ông là người có khuynh hướng tiến bộ hay phản động? Những tư tưởng lạc hậu của ông đã ảnh hưởng vào tác phẩm đến mức nào? Việc này đòi hỏi người nghiên cứu phải có quan điểm lịch sử để qua công trình khảo luận, thấy được điều kiện lịch sử cụ thệ úc bấy giờ, tư tưởng của họ biểu hiện khuynh hướng gì.

Quan điểm duy tâm, không chỉ khiến ông Đào duy Anh nghiên cứu tư tưởng Nguyễn Du một cách lệch lạc, phiến diện, mà còn đưa ông đến một nhận định sai lầm lớn là «quan niệm vận mệnh trùm hết cả truyện» (tr. 72, chương .4), Trong khi phân tích tâm lý nhân vật cũng như khi tìm hiểu,tư tưởng tác giả, ông Đào duy Anh chỉ xoay quanh vấn đề " vận mệnh". Ông không thấy được chính cái xã hội tàn bạo bất công ở thời đại Nguyễn Du phản ánh trong truyện đã gây nên cuộc đời thống khổ, nổi chìm của nhân vật Thúy Kiều, nhưng do ý thức hệ giai cấp, và điều kiện lịch sử hạn chế, Nguyễn Du không thể có tư tựởng nào khác ngoài tư tưởnng «tài mệnh tương đố» được bổ sung bằng những triết lý nhà phật để giải thích hiện tượng xã hội.

Ông Đào duy Anh cho rằng tư tưởng Nguyễn Du hoàn toàn biểu hiện ở Truyện Kiều, nên ông chỉ nghiên cứa tư tưởng nhà thơ qua tác phẩm, và ngoài ra, ông không đề cập đến vấn đề tư tưởng tác phẩm nữạ. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác thì những tác phẩm mô tả xã hội về nhiều mặt như Truyện Kiều, Thạch Sanh, Nhị độ mai v.v .. tính tư tưởng của tác phẩm không hoàn toàn là tư tưởng của tác giả. Ví dụ : « Văn học hiện thực phê binh thế kỷ 19 ở Pháp bao hàm một bài học và một kết luận cách mạng, mặc dầu tác giả không định tìm tòi hoặc không công nhận những kết luận đó như Ban-dắc chẳng hạn » (Giăng Phờ-rê-vin). Với ý thức hệ giai cấp phong kiến, tất nhiên khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du không hề có ý nghĩ là để đánh vào chế độ phong kiến, nhưng tác phẩm của ông vẫn cứ bao hàm ý nghĩa phản phong sâu sắc. Bất cứ trường hợp nào cũng vậy, khi những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm được xây dựng để phản ánh cuộc sống xã hội, thì tính tư tưởng của tác phẩm thường thường rộng lớn hởn tư tưởng của tác giả, và có thể bao hàm ý nghĩa khách quan rất phong phú. Theo tư tưởng chủ quan của Nguyễn Du thì Truyện Kiều chỉ là « tiếng kêu đứt ruột mới» về cuộc đời của một người con gái tài sắc bị chà đạp, dày vò. Nhưng theo tính tư tưởng của tác phẩm thì Truyện Kiều không những là « tiếng kêu đứt ruột mới» mà còn là một bản cáo trạng đanh thép lên án cả một xã hội, tàn bạo, bất công. Do đó ý nghĩa khách quan Truyện Kiều rất phong phú và phức tạp về hai mặt: chủ nghĩa nhân đạo và phê phán hiện thực. Vì vậy khi nghiên  cứu Truyện Kiều, ta không thể chỉ nghiên cứu qua tư tưởng chủ quan của tác giả mà bỏ mất phần phân tích toàn bộ tư tưởng tác phẩm, nhất là không thể làm như ông Đào duy Anh, chỉ lấy một cái quan niệm "vận mệnh" trong tư tưởng chủ quan của Nguyễn Du mà cho đó là ý nghĩa khách quan của Truyện Kiều.

Cũng theo lý luận chủ nghĩa Mác, khi nghiên cứu một tác phẩm văn học, nhà nghiên cứu trước hết phải chú trọng thời đại và tối cảnh xã hội trong đó tác phẩm đã xuất hiện. Trong sách Khảo luận truyện Thúy Kiều , ông Đào duy Anh có kể qua «thời thế» và «hành trạng» Nguyễn Du, nhưng nội dung chỉ là một bản tóm tắt, thống kê những sự kiện lịch sử- từ khi Nguyễn Du ra đời đến khi Nguyễn Du nhắm mắt. Muốn nghiên cứu thời đại của Truyện Kiều, ta phải cố gắng hiểu sâu sắc điều kiện kinh tế, tình hình giai cấp   v.v... của thời đại Nguyễn Du. Có hiểu được sâu sắc bối cảnh xã hội của Truyện Kiều, mới có thể nhận thức được tác phẩm đã phản ánh tinh hình chinh trị, xã hội của thời đại âý như thế nào.

Ông Đào duy Anh đã đơn giản hóa quan hệ không thể tách rời giữa văn học với xã hội, với tình hình đấu tranh giai cấp, nên khi nói về lý đo Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều ông viết :

«Ông (Nguyễn   Du) được đọc một quyển tiểu thuyết của Trung-quốc đề là Kim Vân Kiều truyện, thuật đời lựu lạc của một cô gái tài sắc tột mực mà bị «số mệnh» dày vò. Ông cảm vì thân thế và tâm sự  Thúy Kiều có nhiều nỗi giống mình, ông bèn đem sự tích trong sách ấy viết thành thơ Việt-nam.» (trang 23, chương I). Hoặc viết: " Vì cảm xúc quá mãnh liệt mà Nguyễn Du phải đem sách ấy (Kim Vân Kiều truyện) diễn ra quốc âm, để hả hê mối cảm đồng tình vời một người mà ông tưởng như là tiền thân   của ông vậy. " (tr. 34, chương II). .

Như vậy, theo ông Đào duy Anh, Nguyễn Du sáng tác. Truyện Kiều chỉ là dựa trên cơ sở quá cảm xúc trước thân thế và tâm sự Thúy Kiều (trong Kim Vân Kiều truyện) có nhiều nỗi giống mình, ngoài ra không có một yếu tố, một cơ sở nào nữa hết. Tại sao Truyện Kiều rút cốt chuyện từ Kim Vân Kiều truyện mà Truyện Kiều là một kiệt tác, còn Kim Vân Kiều  truyện chỉ là một tác phẩm tầm thường? Đó chẳng phải chỉ vì nghệ thuật Truyện Kiều hoàn hảo hơn Kim Vân Kiều truyện, mà phần chủ yếu chính là vì Nguyễn Du hiểu biết thực tế xã hội mình sâu sắc hơn Thanh-Tâm tài nhân hiểu biết xã hội Trung-quốc thời ông đó hay sao ? Còn  nói về « xúc cảm » thì chắc gì Thanh-tâm tài nhân không « xúc cảm » bằng Nguyễn Du?

Đến chương VIII là chương cuối của quyển Khảo luận về truyện Thúy Kiều (không kể chương mới thêm) ông Đào duy Anh có bàn về « Địa vị sách Đoạn trường tân thanh trong tư tưởng và văn học Việt-nam ». Sau khi dẫn lời phê phán Truyện Kiều của các nhà nho, của các nhà nghiên cứu Truyện Kiều và lòng ham thích Truyện Kiều của nhân dân, ông Đào duy Anh kết luận:

«Chúng  ta sở dĩ yêu chuộng Truyện Thúy Kiều không phải vì nó có thể làm quyển sách luân lý cho đời, mà chỉ vì trong sách ấy Nguyễn Du đã dùng những lời văn thần diệu  để rung động tâm hồn ta...; chỉ vì Nguyễn Du đen những câu văn « vừa lâm ly, vừa ủy mị, vừa đốn tỏa, vừa giải thư. vẽ hệt một người tài mệnh trong mười mấy năm trời», trải qua biết bao nhiêu những nỗi đau đớn ê chề, mà vẫn giữ trọn tấm lòng thanh bạch ». (tr. 144).

Nói về văn chương Truyện Kiều ai cũng phải công nhận là hay, là tuyệt. Nhưng nếu chuộng một tác phẩm văn học trước hết là vi «lời văn thần diệu», vì  những câu vừa lâm ly, vừa ủy  mị.. của

tác phẩm đó thi không đúng. Ông Đào duy Anh có nói đến mối «tình cảm nhân đạo thương người», nhưng tiếc rằng nó chỉ là lý do thứ ba, nhất là mối «tình cảm » đó ông Đào duy Anh chỉ nêu ra một một cách mơ hồ, không có sự phân tích rõ ràng. Ngày nay chúng ta cũng  thương xót nàng Kiều, nhưng không phải như kiểu Chu Mạnh Trinh thương nàng Kiều rồi viết văn khóc nàng Kiều. Cho nên cái mối «tình cảm nhân đạo thương người» đó, ông Đào duy Anh cần phải phân tích kỹ nguồn gốc và tính chất.

Cần nói thêm, ở cuối sách, ông Đào duy Anh có cho in thêm một «chương mới thêm » nhan đề là Truyện Thúy Kiều, tác phẩm cổ điển tiêu biểu của văn học Việt-nam, theo ông là đề «bổ sung» cho những « nhược điểm » của sách.

So với  tám chương trên, quan điểm nghiên cứu văn học trong chương này của ông Đào duy Anh quả là có tiến bộ, bởi vì từ quan điểm duy tâm, hình thức  chủ nghĩa, ông bước sang quan điểm duy vật lịch sử. Trước hết ông chú trọng tìm hiểu bối cảnh lịch sử và bối cảnh xã hội của Truyện Kiểu (tr. 147-148). Rồi ông bàn đến xã hội Việt-nam trong Truyện Kiều và vấn đề Nguyễn Du đặc biệt đề cao hai hạng người bị khinh rẻ nhất trong xã hội phong kiến (tr. 149-157). Sau hết, ông nghiên cứu thêm văn chương Truyện Kiều (tr. 158-161) và  kết thúc vấn đề.

Trong mấy tiểu mục kể trên ông Đào duy Anh đã phát hiện được một số điều mới. Tuy nhiên, ông Đào duy Anh, khi sử dụng quan điểm mới, cũng không tránh khỏi ít nhiều sai sót.

Như đã nói, ở mục II trong chương này, ông Đào duy Anh có nêu và bàn vấn đề «xã hội Việt-nam trong truyện Thúy Kiều». Văn học phản ánh tình hình xã hội, nhưng phải thông qua hình tượng nghệ thuật nên văn học không phải là tấm ảnh chụp. Nhà nghiên cứu chỉ có thể tìm hiểu vấn đề Truyện Kiều đã phản ánh tình hình xã hội Việt-nam ở đầu thế kỷ 19 như thế nào. Nếu tìm hiểu « nguyên xi» xã hội Việt-nam trong Truyện Kiều thì không thể tránh khỏi những nhận thức gán ghép, gò bó, sai lầm.

Nếu ở chương VII bàn về vấn đề tư tưởng Nguyễn Du, ông Đào duy Anh đã bàn một cách sai lệch, phiến diện thì ở chương mới thêm này, ông cũng chưa nghiên cứu cẩn thận để «bổ sung». Ngoài ra, vấn đề tính tư tưởng của tác phẩm cũng vẫn chưa được nhận thức chu đáo. Ông Đào duy Anh chỉ mới thấy được cái ý nghĩa  phản phong khách quan và cái bút pháp hiện thực chủ nghĩa liên quan khăng khít trong truyện Thúy Kiều (tr. 163) nhưng ông chưa thấy được cái tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa trùm tỏa toàn bộ tác phẩm.

Tóm lại, bởi những sai lầm, thiếu sót xuất phát từ những quan điểm cũ như đã kể trên, quyển Khảo luận về truyện Thúy Kiều nói chung chỉ có giá trị về mặt tài liệu. Theo tôi, nếu ông Đào duy Anh « viết lại toàn bộ » sách bằng cách sửa đổi « cách nghiên cứu » sai lệch của ông, duyệt lại tất cả ý kiến lớn nhỏ của ông và cố gắng vận dụng đúng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác vào việc nghiên cứu tác phẩm, thì tác phẩm của ông mới có thể « đáp ứng được yêu cầu hiện tại của độc giả».