Có lẽ không hoặc chưa có một tác gia văn học nào ở Việt Nam được bàn nhiều và viết nhiều như Nguyễn Du. Kể cả người trước ông và sau ông. Trước ông có Nguyễn Trãi thế kỷ XV và sau ông thì nhiều tên tuổi  hơn, nhưng vẫn không ai sánh bằng. Nhìn vào các bộ tuyển: Về tác gia, tác phẩm do Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức làm trong mấy năm gần đây thì bộ tuyển về Nguyễn Du là dày dặn nhất, nhiều trang nhất (1034 trang cỡ lớn, dẫu chưa phải đã tuyển được hết). Bởi lẽ, ông luôn luôn được đón nhận, trong suốt không gian mọi tầng lớp dân cư, và trong suốt thời gian của lịch sử, bất kể mọi đổi thay của thời cuộc.

Vì lẽ đó nên việc chọn cho được một ý tưởng gì mới và độc đáo về sự nghiệp Nguyễn Du, con người Nguyễn Du trong biển cả những lời bàn, lời bình suốt hơn 200 năm qua, đối với tôi, quả là một việc khó làm, thậm chí không thể làm. Nhưng chính vì sự hiện diện thường trực của Nguyễn Du trong đời sống tinh thần của dân tộc, chính vì tính thời sự và thời đại của Nguyễn Du lại đã có thể cho tôi một lối thoát. Những gì mà các bậc thức giả suốt hơn 200 năm qua đã viết, đã bàn tôi xin được đọc, được học; nhưng vẫn còn có chỗ cho tôi thực hiện được nguyện vọng viết - đó là tư cách một người đọc bình thường trong muôn ngàn công chúng của Nguyễn Du suốt nửa sau thế kỷ XX và gối sang đầu thế kỷ XXI này. Hãy cứ viết với tư cách đó. Hãy cứ viết, với niềm say mê Nguyễn Du qua những trải nghiệm của mình; dẫu biết chắc trong đó có nhiều điều không tránh được bóng rợp của những người đi trước.

Dấu ấn đặc trưng của một tác gia lớn

Dấu ấn gì làm nên đặc trưng cho một tác gia lớn như Nguyễn Du? Ấy là bất cứ lúc nào, bất chấp mọi thay đổi của thời cuộc, của thể chế chính trị, của sinh hoạt văn hóa, tinh thần con người... ông đều được đọc.

Nhưng không phải là một trạng thái đọc yên tĩnh, và một chiều.

Mà là một sự đọc trong tranh cãi, bàn luận, khẳng định, điều chỉnh, bác bỏ... giữa người đọc với nhau, trong cùng một thế hệ, hoặc từ thế hộ này sang thế hệ khác, không lúc nào ngừng nghỉ.

Khen, khẳng định và ca ngợi những giá trị được tiếp cận theo nhiều cách khác nhau, trong những người đương thời và hậu thế, đương nhiên đó phải là hiện tượng được tính đến trước tiên, mà đại diện là Mộng Liên Đường, Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Thắng, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ... cho đến cả một lớp người, trong tên gọi chung là công chúng:

Mê gì mê đánh tổ tôm
Mê ngựa hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều

Nhưng rồi sự thể sẽ càng trở nên phức tạp trong sự tiếp nhận, với một thế giới người đọc, người kể, người nghe bỗng trở nên quá rộng, từ một ông vua cao chót vót là Tự Đức đến thế giới bình dân, đủ mọi tầng lớp, số đông là mù chữ.

Rõ ràng là chỉ Truyện Kiều (có lúc xin gọi tắt là Kiều) mới quyến được một ông vua có tiếng hay chữ như Tự Đức. Tự Đức mê Kiều, nhưng lại có lúc đe đòi nọc Nguyễn Du ra mà đánh cho vài chục trượng giá như Nguyễn Du còn sống. Ở đây mê là mê giá trị văn chương; nhưng dẫu sự mê hoặc của văn chương, là ông vua, Tự Đức vẫn không thể mất cảnh giác mà bỏ qua những khía cạnh vi phạm luân lý (trong một phần đời Kiều), và không chỉ là luân lý mà còn là chính trị (qua hành trạng của Từ Hải).

Nhưng thời thế đã chuyển đổi - ngay từ triều Tự Đức. Thời trung đại và thể chế phong kiến đến hồi tan rã đã làm xuất hiện một lớp nhà Nho - kẻ sỹ chỉ muốn tìm đến văn chương như một thú chơi, trong sự “mê Nôm Thúy Kiều”. Vậy là Truyện Kiều, với sức quyến rũ của nó đã mở ra được một kênh dẫn mới, cho con người tìm đến văn chương-nghệ thuật như một nhu cầu tự thân, khác với các nhu cầu chính thống.

Đầu thế kỷ XX, có một học giả chủ trương: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Lập tức ngay sau đó, một nhà Nho - chí sĩ đập cho tơi bời cái quan niệm đó, nên đã gán cho Truyện Kiều cái nội dung : ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi - tám chữ ấy không tránh đường nào cho khỏi. Và, từ điểm nhìn và định hướng đó, Truyện Kiều bị liệt vào dâm thư, và nhân vật Thúy Kiểu bỗng trở thành con đĩ.

Nửa sau thế kỷ XX - sự thể lại diễn ra theo một hướng khác, hoặc có khía cạnh ngược lại. Truyện Kiều lại được huy động vào một cuộc chiến chống giai cấp phong kiến, nơi Quyền sống của con người trong ‘Truyện Kiều' của Hoài Thanh, năm 1951. Mười năm sau, vào mùa Xuân 1961, Nguyễn Du lại được Tố Hữu huy động làm đối ứng cho một bài ca xuân thắm thiết tình yêu chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc trong buổi đầu xuất hiện:

Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều

(Bài ca mùa xuân 1961)

Rồi, vào chống Mỹ, đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, năm 1965, Truyện Kiều lại đến với người đọc như một nhịp trống hào hùng,  giục giã người “ra trận”:

Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân

(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Càng về sau, Truyện Kiều càng có một giá trị được nhân lên nhiều lần, nên đã cuốn theo biết bao nhiêu học giả vào một cuộc tìm kiếm, khảo sát không ngừng nghỉ về ngôn ngữ, về giá trị văn chương. Mục tiêu đi tìm một bản Kiều đúng với nguyên tác là sự nghiệp của nhiều người, trong đó học giả Hoàng Xuân Hãn gần như dành cả một đời cho việc đó, và cho đến lúc qua đời ông vẫn chưa xong. Một cuộc tìm đem lại vinh quang cho bao công trình, bao luận án khoa học mà chỉ riêng việc xác định đúng một chữ, một câu, cũng đủ được xem là một phát hiện quý giá. Như “gươm đàn” hay “gươm cung’; như “đàng” hoặc “đường” và' câu thơ số 2699: “Thuê năm ngư phủ hai người''.,vân vân. Và đương nhiên là trong cuộc tìm kiếm bất tận đó cũng đã xẩy ra không ít cãi vã, xô xát, do sự khác nhau trong cách khai thác và xử lý văn bản, tư liệu...

Hẳn chưa có một tác phẩm nào của văn học cổ điển và văn học hiện đại có thể đưa đến một hiệu ứng đọc rộng rãi với mọi hình thái và cung bực thưởng thức đa dạng đến thế trong các cách lấy Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều... Nếu vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều là dành cho người trí thức, dành cho đám tao nhân mặc khách, dành cho những người tìm thấy ở Kiều sự đam mê của một thú chơi thì bói Kiều là một sản phẩm của dân dã, của công chúng ít học hoặc thất học, của những người chân lấm tay bùn. Họ, số đông là người thuộc và truyền tụng Truyện Kiều, qua Quốc ngữ, và đến với Kiều như một nơi giãi bày, chia sẻ với cảnh ngộ và tâm trạng; cũng lại là nơi gửi gắm những ao ước trước các bí ẩn của đời.

Bói Kiều, bởi ở Kiều là cả một thế giới, gồm đủ các phương diện sống, đủ mọi hỷ, nộ, ái, ố, lạc mà trong đường đời và cõi người, ai ai cũng đều được (hoặc phải) nếm trải.

Bói Kiều, bởi ở Kiều có đủ mọi cung bậc cho mọi cảnh ngộ, từ đáy sâu của sự bần cùng, nhục nhã, ố bẩn đến đỉnh điểm của sự trong trắng, thanh cao, thắm thiết, hào sảng của thế giới tinh thần.

Bởi ở Kiều có một cái hậu sau Tiền Đường/cái hậu luôn luôn và hẳn còn lâu mới hết được sự bàn luận và tranh cãi, nằm ở hai cực của khen-chê.

Có ai hơn hoặc thay được Nguyễn Du?

Không ai vượt được Nguyễn Du - đó là điều có thể khẳng định cho đến thời điểm hôm nay. Kể cả trong ý nghĩ - có lẽ chưa một văn nhân thi sĩ nào là người đương thời hoặc hậu sinh lại dám nghĩ rằng mình có thể hơn được Nguyễn Du, hoặc thay được Nguyễn Du. Hiện tượng này không thể xem là bình thường trong sự phát triển của các nền văn học dân tộc, trong đó văn học Việt Nam đã đi qua hai giai đoạn trung đại và hiện đại. Ở một bước ngoặt quyết định như thế - từ trung đại sang hiện đại, khi thay đổi đặc trưng, phẩm chất và mô hình văn học, rất dễ có một gấp khúc hoặc cắt rời triệt để, khiến cho các giá trị cũ nhanh chóng chỉ còn lại giá trị lịch sử, khó có được một sự sống tiếp, một sức lay động mới, trong các thế hêj người đọc đến sau.

Thế nhưng Nguyễn Du - dẫu là tinh hoa của văn học cổ điển, với sự tuân thủ các quy phạm chật chội của nó, vẫn không mất đi ý nghĩa tiêu biểu và mẫu mực đối với văn học hiện đại.

Hãy từ Phong trào Thơ mới 1932-1945, mở ra một thời đại mới một cuộc cách mạng triệt để trong lịch sử thơ ca; một phong trào, trong cùng lúc chỉ trên dưới 10 năm, làm sản sinh hàng chục tên tuổi sáng giá, với đặc sắc mỗi người một vẻ: cái rộng mở của Thế Lữ, cái hùng tráng của Huy Thông, cái trong trẻo của Nguyễn Nhược Pháp, cái quê mùa của Nguyễn Bính, cái kỳ dị của Chế Lan Viên, cái rạo rực, băn khoăn của Xuân Diệu... Thế nhưng, tất cả họ, là các nhà thơ cùng với người chọn và bình là Hoài Thanh, tất cả đều đặt mình dưới thần tượng Nguyễn Du. Lưu Trọng Lư viết: “Thơ mới dẫu có sản xuất ra được một bậc thiên tài lỗi lạc nào, tôi cũng không vì bậc thiên tài ấy mà rẻ rúng ông Nguyễn Du thân yêu của tôi, ông Nguyễn Du bất diệt,  nhà thi sĩ cùa muôn đời".

Còn Hoài Thanh, khi đã làm xong việc khẳng định một thời đại trong thi  ca, lại không thể không trở về với lịch sử: “Tôi không so sánh các nhà Thơ  mới với Nguyễn Du để xem ai hơn ai kém. Đời xưa có thể có những bậc kỳ tài đời nay không ai sánh kịp. Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy sánh thời đại cùng thời đại”(5).

Vậy là Hoài Thanh trong khi khẳng định Thơ mới, ở tư cách người đầu tiên tôn vinh Thơ mới, đã chọn được một cách so sánh khôn ngoan là so thời với thời. Những ngót 400 năm để từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, với bước tiến vượt bậc của thơ Nôm, nhưng vẫn trong cùng một khuôn hình cổ điển. Rồi ngót 200 năm, từ Nguyẻn Du đến Phong trào Thơ mới, với đặc trưng hiện đại thay cho trung đại và khác với trung đại là sự xuất hiện các phong cách nghệ thuật riêng. Thời của sự hình thành cái Tôi cá nhân trong đời sống lẽ dĩ nhiên đem đến sự chấp nhận, sự đòi hỏi cái Tôi riêng trong nghệ thuật. Thời là khác, là mới. Nhưng so riêng người với người thì Hoài Thanh đủ thân trọng để không đưa ai vào cùng bình diện so sánh với Nguyễn Du. Cái mà ông gọi là “bậc kỳ tài đời nay không ai sánh kịp”, tôi nghĩ đó chính là Nguyễn Du.

Trong phần Nhỏ to... đặt ở cuối sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh còn viết thêm: “Một quyển sách nói về thơ Việt mà mở ra không nhắc đến Nguyễn Du tôi thấy như một sự bội bạc. Nghĩ thế tôi muốn tìm một câu gì trong Truyện Kiều để in lên đầu sách. Sự tình cờ xui tôi nhớ lại câu: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Đọc đi đọc lại riêng lấy làm đắc ý lắm!".

Vậy là Nguyễn Du vẫn sừng sững trong bầu trời thi ca hiện đại, để cho Xuân Diệu viết Ba thi hào dân tộc (1959). Để cho Tố Hữu nghiền ngẫm sâu hơn nỗi đau nhân tình ở Nguyễn Du trong Bài ca mùa xuân 1961. Và đón nhận một tiếng thơ “động đất trời”, trong bối cảnh bão lửa của chiến tranh theo bước chân người “ra trận”:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu

Tôi chọn hai người, một là người mới nhất trong các nhà Thơ mới, đỉnh cao của trào lưu lãng mạn trước 1945; và một là người tiêu biểu nhất của trào lưu thơ cách mạng và là con chim đầu đàn cùa nền thơ Việt Nam sau 1945. Để thấy, thế kỷ XX trong chuyển động gấp rút của nó trên cả hai phướng diện cách mạng hóa và hiện đại hóa, không những không ai “quên” Nguyễn Du, mà còn khẳng định tiếp sự sống Nguyễn Du, một sự sống hẳn rồi sẽ là vĩnh viễn.

Truyện Kiều và “những điều trông thấy”

Nói Nguyễn Du trước hết là nói Truyện Kiều. “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”... “Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều” (Tố Hữu). Có một nhân vật nào cho đến thời hiện đại được biết, được nhớ, được nghĩ, được bình, được bàn, được kể... nhiều đến như nàng Kiều.

Vậy là, dẫu tất cả những ràng buộc, hạn chế của tư duy và phương thức miêu tả của văn học trung đại, Nguyễn Du vẫn xây được những hình tượng sống động và bất hủ, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều mà không có bất cứ tác phẩm nào trong văn học trung đại, kể cả hiện đại có được.

Dẫu với thể truyện thơ gồm con số hàng trăm truyện, trong đó có cả những truyện nổi danh như Phan Trần, Hoa tiên, Sơ kính tân trang..., Truyện Kiều vẫn có thể thoát ra khỏi mặt bằng chung, để trở thành một hiện tượng thơ nổi bật, không bị khuất lấp bởi một bộ đồng phục cơ bản là giống nhau, ở khuôn hình văn chương và ý thức hệ. Sao một truyện thơ, chứ không phải văn xuôi và tiểu thuyết lại thực hiện được một sự sống bền vững đến thế cho nhân vật?

Bao nhiêu nhân vật trong Truyện Kiều là bấy nhiêu nhân vật đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của biết bao là thế hộ công chúng suốt hơn 200 năm đã qua. Không kể Thuý Kiều, Thuý Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan... Không kể Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ... Mà còn là Chung Công, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, Mã Kiều, bóng ma Đạm Tiên... Rồi còn là các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện — “trông lên mặt sắt đen sỉ" gã thổ quan...

Những nhân vật sống đến thế qua ngôn ngữ Nguyễn Du:

       Ghế trên ngồi tót sỗ sàng (Mã Giám Sinh)
  Thoắt trông nhờn nhợt màu da (Tú Bà)
Râu hùm, hàm én, mày ngài (Từ Hải)
      Sương in mặt, tuyết pha thân (Đạm Tiên)

Những cảnh xiết bao mỹ lệ như sơn mài:

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
... Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
... Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đâu tường lửa lựu lập loè đâm bông

Những cảnh sống động như trong điện ảnh:

Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay...
Nam đình nghe động trống chầu đại doanh
Kéo cờ lũy, phát súng thành

Không một truyện thơ Nôm nào từ thế kỷ XVII cho đến Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX đạt được một hiệu quả nghệ thuật hiện đại đến thế.

Đã đành không khó nhận ra Nguyễn Du trong vai người can thiệp, với lời bình không cần kín đáo, trước mọi tình huống và cảnh ngộ của nhân vật:

Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dầụ lòng đổi trắng thay đen khó gì
... Tiếc thay một đóa trà my
Con ong dã tỏ đường đi lối về
... Thương ôi tài sắc bậc này
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.

Nhưng không có ở bất cứ nơi nào, một ý hướng giáo dục, khuyên nhủ, bảo ban, răn dạy người đọc như một nhà luân lý. Gần như tất cả, Nguyễn Du đều nhường phần đất rộng rãi nhất cho nhân vật - để cho nhân vật sống sự sống của bản thân nó, và đến trực tiếp với người đọc.

-Với Thuý Kiều, trong tình yêu Kim Trọng:

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
... Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai

-Với Mã Giám Sinh, trong vai “chồng” của Kiều:

Vả đây đường sá xa xôi
Mà ta bất động nữa người sinh nghi

- Với Tú Bà trong cơn giận Kiều đã mất tân:

Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe

Và trong tức tối gã chồng hờ Mã Giám Sinh:

Tuồng vô nghĩa ở bất nhân
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn tiếng đi đời nhà ma.

- Với Từ Hải:

Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

- Với Hồ Tôn Hiến:

Nghe càng đắm, ngắm càng say
Làm cho mặt sắt cũng ngây vì tình.

Và đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du - để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy”. Phải qua “những điều trông thấy” để đến với giá trị nhân đạo “mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn.

Thật rất tinh đời, và sâu sắc, một nhận xét của Cao Bá Quát: “Kim Vân Kiều là tiếng nói hiểu đời. Hoa tiên là tiếng nói răn đời vậy”.

Với hiệu quả “hiểu đời”, Truyện Kiều đã vượt ra khỏi những rào cản của thơ nói chí, văn chở đạo. Tránh sao khỏi một lịch sử phẩm bình dài đến thế chung quanh Kiều, bởi Nguyễn Du có lẽ là người đầu tiên báo hiệu sự dứt bỏ những rào cản lớn nhất trong phương thức tư duy và ý hướng đạo đức của văn chương trung đại. Ý này đã được trình bày trong một bài viết của Lưu Khánh Thơ.; ở đây tôi xin chia sẻ sự đồng tình.

Đứng ở góc độ tư duy văn học hiện đại nói chung và chủ nghĩa hiện thực nói riêng, nhân vật tự nó có sự sống rất riêng, độc lập với tác giả, khiến cho người đọc có thể quên tác giả mà không sao quên nhân vật được. Trong bài Kỷ niệm Nguyễn Du (1986), Chế Lan Viên đã một lần xác nhận sự sống ấy, trong bốn câu thơ, vừa là chia sẻ một bùi ngùi với tác giả, vừa tìm được sự bù đắp trong vinh quang của tác phẩm:

Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn
Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng
Ông đã hóa mây trắng ngang trời hoài niệm
Hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông.

Kho chữ Truyện Kiều và những bến bờ thời sự

Cuối cùng, tôi muốn dừng lại một ít ở cái kho chữ chứa đựng mênh mông bao trải nghiệm, có dễ chưa ai đạt được cả hai chiều rộng và dài đến thế như Nguyễn Du. Rộng trong sự lung linh, nhiều nghĩa; và dài cho đến tận đời sống đương đại .

Một chữ trinh trong đời phụ nữ, qua cảnh ngộ của Kiều.

Một chữ trinh trong lịch sử một tình yêu với tất cả mọi sắc màu và cung bậc muôn thuở của nó; một khát vọng muốn yêu và được yêu, trong cái nghĩa hiện đại nhất của nó, vừa trần tục vừa thanh cao, vừa vật chất vừa tinh thần, không những là mới mẻ, mà còn vượt thời gian để đến được cái giới hạn lý tưởng của nó.

Kiều, người con gái đa cảm và đa tình đã “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, cũng lại là người rất biết cái giới hạn cần phải giữ, để không thể vượt, khi Kim Trọng đang “xiêu xiêu” trong “sóng tình’':

Thưa rằng đừng lấy làm chơi!
... Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu
Thì con người ấy ai cầu làm chi.

Thế nhưng, cũng Kiều, rồi có lúc phải xót xa, ân hận vì sự gìn giữ ấy:

Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai.

Để rồi, đến cái hậu sau Tiền Đường, Kiều lại cương quyết từ chối Kim Trọng, cũng bởi chính một chữ trinh:

Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.

Thế nhưng, với Kim Trọng, chàng không để tâm đến chuyện ấy. Để yên lòng Kiều, chàng cũng biết cách đi đến cùng các lý lẽ chung quanh chữ trinh:

Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
... Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay.

Phải thấy không dễ một chàng trai hiện đại nào cũng cương quyết và dứt khoát được như Kim, khiến Kiều cũng phải xiêu lòng. Nhưng trong xiêu lòng, Kiều vẫn quyết giữ cho được cái giới hạn không thể vượt của nó:

Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.

Để với lý do này thì Kim Trọng mới hết đường cầu xin.
Như vậy là chính vì chữ trinh mà Kiều đã không thể chiều lòng Kim Trọng khi hai người lần đầu gặp nhau; và bây giờ cũng chính vì chữ trinh mà Kiều vẫn không thể chiều lòng Kim Trọng để trở lại với tình yêu cũ. Một chữ trinh trong khoảng cách 15 năm chỉ để giữ cho Kim Trọng. Đó là tình yêu Kiều chỉ dành riêng cho Kim Trọng, và đó là tố chất chính, là đường dây xuyên suốt làm nên bản tình ca Kim-Kiều

Kiều của Nguyễn Du, sau 15 năm lưu lạc, “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần" bỗng trở lại sự trinh trắng như khi ta mới gặp nàng ở tuổi cập kê.

Một tình yêu đằm thắm, say đắm, bền bỉ, thuỷ chung, trọn vẹn và tuyệt vời biết bao nhiêu, qua ngôn từ Nguyễn Du, một ngôn từ áp sát được vào thì hiện tại dẫu vẫn trong khí quyển của văn học trung đại.

Sau chữ trinh, tôi muốn nói đến chữ thân (và phận). Một chữ thân, qua số phận của Kiều.

Thân là thân thể trong đối ứng và tâm hồn. Thân gắn với phận - để nói về số phận và cảnh ngộ. Thân còn là thân xác, với cái nghĩa thuần vật chất, hoặc vật dục của nó. Như cách nói của Kiều, và cách Nguyễn Du muốn cho  ta hiểu, thân còn là cái vốn tự có, của người con gái; cái vốn không phải tiền  của, tư trang mà chính là bản thân, là thân xác để gọi theo cách hiện đại cái  hiện tượng “bán... nuôi miệng” bỗng tràn lan khắp nơi ở thời hôm nay.

Chỉ một chữ thân đủ nói lên sự hiện diện của Kiều trong các trạng thái  tế vi nhất của tâm lý. Cũng đồng thời là sự tái hiện cả một xã hội với các  gương mặt quây chung quanh Kiều.

Từ cách tránh khéo Kim Trọng:

Vội chỉ liễu ép hoa nài
Còn thân còn một đền bồi có khi

 

đến lúc xót tiếc cho Kim Trọng:

Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.

Giá như biết trước nông nỗi này thì thà dành thân cho Kim Trọng. Bởi không ai khác ngoài Kim Trọng là người đáng được hưởng hạnh phúc ấy. Thế nhưng đã muộn rồi. Và người phải gánh chịu mọi khổ đau bây giờ lại  chính là Kiều: thiệt khi ở, và đau khi đi. Thiệt và đau xoay quanh một chữ  thân, cũng có nghĩa là chữ trinh, nó là cái quý giá nhất của đời môt người  con gái.

Cách dằn dỗi trước cảnh ngộ:

Dẫu sao bình đã vỡ rồi
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!
Cái nhún nhường, khép nép trước Từ Hải:
Thưa rằng: người dạy quá lời
Thân này còn dám coi ai là thường.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.

Bởi trước đó, trong lần rơi vào lầu xanh lần thứ nhất, với Tú Bà, sau một trận đòn thừa sống, thiếu chết, Kiều đã phải nài nỉ, van xin:

Bây giờ sống thác ở tay
Thân này đã đến thế này thì thôi
Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!

Biết rõ thân và phận của mình đã trở thành cái vốn của Tú Bà, ngẫm mình đến như thân lươn rúc vào chỗ dơ dáy nào mà chẳng quản; đến cả sự trinh bạch cũng phải xin chừa, mới thấy cảnh ngộ và tâm trạng Kiều đến thế là cùng tận!...

Trở lại hiện tượng bói Kiều. Để hiểu thế giới Truyện Kiều là sự chưng cất mọi trải nghiêm của Nguyễn Du, là một sự dốc kiệt bản thân để viết ở Nguyễn Du. Thế giới nhân vật Truyện Kiều là thế giới để mà yêu, mà ghét, mà thương, mà giận, mà trọng, mà khinh... Nhưng cũng có những nhân vật không thể ứng xử đơn giản, rạch ròi như thế - như Hoạn Thư - “Ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”; như Thúc Sinh — anh nhà buôn lấy vợ nhà quan, quen thói bốc giời và sợ vợ, thế mà đã được hưởng ở Kiều một nỗi nhớ tuyệt vời đến thành cổ điển:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

Có như thế mới là thế giới người, là hiện thực đời người - “trăm năm trong cõi”...

Đọc Truyện Kiều đường như ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó. Rất  niên đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển; rất cổ điển mà vẫn  vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với người hôm nay, người bây giờ , đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc sau 200 năm, rồi 240 năm ở thời điểm hôm naỵ...

Phải bao gồm, phải kết hợp, phải xuyên thấm cả hai phương diện đó mới đúng là Nguyễn Du, mới làm nên sự sống bền vững của tác phẩm Nguyễn Du.
Còn 60 năm nữa để ứng nghiệm cái giới hạn mà Nguyễn Du từng nghĩ đến: “Bất tri tam bách dư niên hậu?”. Đến lúc ấy không biết có ai còn khóc Tố Như nữa không? Câu trả lời xin mượn ở Tố Hữu:

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.