www.nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đừng để sự “dễ dãi” trong niềm tin tín ngưỡng là nguồn sống của mê tín dị đoan


Khi mà cả thế giới đã và đang trong tâm thế cuộc cách mạng 4.0, mong mỗi người trong chúng ta hãy luôn tỉnh táo, biết đặt niềm tin đúng chỗ. Xin đừng để sự “dễ dãi” trong niềm tin tín ngưỡng là nguồn sống của mê tín dị đoan.
 
Người dân đến xem và khấn vái "rắn thần" tại Quảng Bình (Ảnh: Lê Chung)
 
Những ngày qua, câu chuyện nhiều người dân đổ xô đến xem, thắp hương, cúng bái cặp rắn nằm trên một ngôi mộ vô danh vì cho đó là “rắn thần” nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
 
Trước đó, vào ngày 24/2, người dân thôn La Hà, xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) phát hiện 2 con rắn xuất hiện trên ngôi mộ đắp bằng đá vô danh được cho là của một người ăn mày. Chuyện thực chẳng có gì đáng nói nếu như sau đó một số người dân không mang hương hoa ra quỳ lạy, cúng bái vì cho rằng đó là “rắn thần” do người ăn mày hiển linh.
 
Một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều người khi nghe tin đã đổ xô về thôn La Hà để được chiêm bái “rắn thần”. Dòng người xì xụp vái lạy, tìm cách sờ lên đầu rắn, lấy tiền xoa lên mình rắn với hy vọng sẽ được may mắn, tài lộc gây ra cảnh lộn xộn kéo dài suốt nhiều ngày. Thậm chí, một chiếc rạp sau đó đã được dựng lên, điện được kéo đến thắp sáng để phục vụ “nhu cầu” của nhiều người. Tiền cúng “rắn thần” với mong muốn xây cho người ăn mày một ngôi miếu thờ lên đến con số hàng trăm triệu đồng.
 
Để giảm bớt đám đông hiếu kỳ, đồng thời hạn chế các hoạt động mê tín, chính quyền xã Quảng Văn phải nhiều lần đến tận nơi vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ. Tuy nhiên một số người có mặt tại nơi thờ hai con rắn tỏ thái độ chống đối, ngăn cản khiến tình hình thêm phức tạp. Mãi đến ngày 3/3, khi lực lượng chức năng TX. Ba Đồn quyết định bắt và đưa con rắn ra khỏi ngôi mộ, lúc này đám đông mới giải tán dần.
 
Thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Dù các cơ quan chức năng sau đó đã xác định hai con rắn nói trên chỉ là rắn nước và thả về tự nhiên, nhiều nhà khoa học cũng lên tiếng khẳng định việc rắn xuất hiện ở mồ mả, nghĩa địa là điều hết sức bình thường thì vẫn còn khá đông người tìm đến thắp hương, cúng bái trên ngôi mộ trống. Một số người còn tỏ ra tiếc nuối vì chưa được mục sở thị “rắn thần”.
 
Trước tình hình này, chính quyền địa phương lại tỏ ra khá lúng túng không biết xử lý như thế nào bởi không thể cấm đoán người dân vì luật pháp không có quy định nào về việc cấm người dân thờ cúng, nhất là những nơi tự phát không thuộc di tích quản lý. Giải pháp hợp lý nhất có thể làm là tuyên truyền, vận động và… đợi cho sự việc lắng xuống. Câu chuyện thật mà cứ ngỡ như đùa giữa thời buổi cách mạng 4.0 khiến những ai nghe xong đều phải lắc đầu, ngán ngẫm.
 
Còn nhớ trước đó không lâu, ở huyện Đô Lương, (Nghệ An) người dân cũng kéo đến cúng bái “cá thần” ở kênh nước chỉ vì con cá này bơi vòng vòng một chỗ do bị.. chích điện. Phải đến khi một người dân vì không chịu nổi bèn quăng lưới bắt về om dưa thì sự việc mới kết thúc. Hay chuyện người dân huyện Cần Đước, (Long An) khấn vái hòn đá bọt biển vì cho đó là “đá thần” có thể nổi trên mặt nước,.. Rồi chuyện người dân quỳ lạy, lấy nước trong bể chứa một con lươn vàng về uống chữa bệnh vì cho đó là “lươn sắp hóa rồng” cách đây ít năm…
 
Những câu chuyện “dở khóc, dở cười” như vậy xuất hiện ngày một nhiều khiến chúng ta không khỏi giật mình. Từ trước đến nay, chưa khi nào mà mọi sự vật lại dễ dàng bị con người “thần thánh hóa” đến thế. Phải chăng chính sư “dễ dãi” trong niềm tin tín ngưỡng đang khiến nhiều người dễ dàng đặt niềm tin, thậm chí là tin đến mức mù quáng vào các thế lực siêu nhiên vô hình?
 
Hàng nghìn năm trước, khi con người sống bằng săn bắt hái lượm, nhận thức còn thấp và bất lực không thể giải thích được trước những hiện tượng tự nhiên thì việc bấu víu vào các thế lực siêu nhiên, suy tôn những hiện tượng đó lên thần thánh như một cách để lý giải có thể là điều dễ hiểu. Theo thời gian, con người cũng dần nhận thức được những hiện tượng xung quanh, thậm chí dựa vào đó để chinh phục tự nhiên, phục vụ lại cho cuộc sống.
 
Ngày nay, khi mọi việc dần được lý giải bằng tri thức, bằng khoa học thì lối tư duy tín ngưỡng của con người cũng tiến bộ hơn chứ không còn mông muội như thời nguyên thủy. Tuy vẫn có nhiều người đến các đền, chùa để cầu xin bình an, sức khỏe,… nhưng nhìn nhận khách quan mà nói đó như là một liệu pháp tâm lý hơn là niềm tin mê muội. Khi cuộc sống mất cân bằng, xung quanh đầy rẫy sự bất an,.. việc tìm đến tâm linh như là cách để người ta gửi gắm niềm tin, mong cầu cuộc sống bình yên và đó là mong cầu hoàn toàn chính đáng. Còn việc tin đến mức cực đoan như lấy tiền xoa lên mình con rắn nước trên mộ người ăn mày sẽ cầu được tài lộc, may mắn,.. thì phải khẳng định đó lại là mê tín dị đoan cần phải lên tiếng phê phán. Bởi sẽ chẳng có tài lộc, may mắn nào đến với những người không biết tu tâm dưỡng tính, làm ăn lương thiện. Không biết cố gắng và học hỏi mà chỉ biết trông chờ vào những việc làm như vậy.
 
Dường như chính sự xô bồ của cuộc sống hiện nay khiến con người ta dễ mất định hướng, thiếu niềm tin hơn vào cuộc sống. Thay vì tin vào những điều mà khoa học đã chứng minh, nhiều người lại dễ dàng tin vào những thứ mơ hồ không hợp với lẽ tự nhiên. Chính sự “dễ dãi” trong niềm tin tín ngưỡng, có thể thần thánh hóa bất kỳ sự vật hiện tượng nào từ “rắn thần”, “cá thần” cho đến “đá thần”, “lươn thần”... đang là nguyên nhân khiến cho “căn bệnh” mê tín dị đoan có đất để trỗi dậy. Sự đảo lộn của các giá trị tâm linh như hiện nay là rất đáng báo động cho sự tồn vong bản sắc văn hóa của dân tộc. Điều này không thể xem nhẹ chút nào.
 
Khi mà cả thế giới đã và đang trong tâm thế cuộc cách mạng 4.0, mong mỗi người trong chúng ta hãy luôn tỉnh táo, biết đặt niềm tin đúng chỗ. Xin đừng để sự “dễ dãi” trong niềm tin tín ngưỡng là nguồn sống để mê tín dị đoan có cơ hội trỗi dậy, bởi đó chính là hòn đá tảng cản trở sự phát triển của xã hội.
 
Theo Lê Chung/toquoc.vn

Di sản văn hóa