Nguyễn Du ở Nghi Tàm trên bờ Hồ Tây về trong một tình trạng vô cùng sao suyến và bối rối. Ông không biết rằng Hồ Xuân Hương đã gặp những bất hạnh gì làm cho cô phải than rằng

Phấn son còn tủi phận long đong.

 

 

Ông buồn nhất là vì Hồ Xuân Hương đã bỏ đi, có lẽ ngay từ đêm hôm đó, và không biết là đi đâu. Trong Ðoạn Trường Tân Thanh, khi tả tâm trạng của Thúy Kiều lúc rời Quan Âm Các ở nhà Hoạn Thư, ông viết một đoạn dài nói về những ưu tư của Thúy Kiều và sự liều mình bỏ đi, vào chốn vô định:

 

Phận hèn bao quản nước sa,

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.

 

/Lênh đênh/, nhắc lại /long đong/, trong bức tiên mai. Nguyễn Du cho là Hồ Xuân Hương đã phẫn thân mà bỏ đi, và như vậy là một phần nào, thái độ của ông bữa trước đã bị hiểu lầm là sự rứt tình. Ông kể cuộc đào tẩu của Thúy Kiều với những từ ngữ thân thương của hai người với nhau (điếm nguyệt, cầu sương), với những chữ trong bức thư của nàng (năm canh) và với cảm tình của ông trước sự cô đơn nghịch cảnh của nàng (e và thương).

Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,

Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân,

Bên mình giắt để hộ thân

Lần nghe canh đã một phần trống ba.

Cất mình qua ngọn tường hoa,

Lần đường theo ánh trăng tà về tây.

Mịt mù dặm cát đồi cây,

Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương.

Ðêm khuya, thân gái dặm trường,

Phần e đường sá, phần thương dãi dầu.

Trời đông vừa rạng ngàn dâu,

Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà.

 

Và, vì không thể viết thư gửi người đưa đến cho Hồ Xuân Hương, ông nghĩ ra được một cách là gài vào trong Ðoạn Trường Tân Thanh bức thư trả lời của ông, để trần tình và nói rõ tấm lòng của ông đối với nàng. Ðể cho vấn đề được rõ ràng minh bạch với người trong cuộc, ông dùng chính những lời lẽ trong bức hoa tiên nàng viết cho ông để dẫn vào bức thư trả lời của ông.

 

Tôi không nói rằng Nguyễn Du đã viết Ðoạn Trường Tân Thanh vì Hồ Xuân Hương.

 

Ông đã mượn cái khung cảnh của Truyện Kiều để treo lên những bài thơ ông viết về những uẩn ức của một cuộc đời trôi nổi trong một trận phong trần lớn của lịch sử. Ông nói về những hoài bão trong tuổi trẻ của ông:

Trông vời trời biển mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong (2216)

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường thấy sự bất bằng mà tha (2430)

Sao cho muôn dặm một nhà,

Cho người thấy mặt là ta cam lòngà (2436)

Ông nhẹ nhàng nói cái quan niệm của ông về công lí, có ân có oán rạch ròi và về hình phạt thì

 Ðã lòng tri quá thì nên,

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay (2378)

còn đối với những tội “lồng lộng trời cao”:

Thề sao thì lại cứ sao gia hình (2388).

 

Ông kể những thói nhũng lạm của quan nha bằng những lời khinh bỉ khó thấy trong văn chương, miêu tả thế giới ăn chơi với những con người đồi trụy rồi thế giới quyền quí thối nát từ trong lòng dạ họ mà ra để mỗi người ý thức và tự xét.

Ông nêu lên những cái phi lí của cuộc đời để nói được rằng:

Có khi biến, có khi thường,

Có quyền nào phải một đường chấp kinh.

 

Và ông đã thực hiện được cái mĩ quan của ông, nói lên được cái nhân sinh quan của ông để để lại cho hậu thế một tác phẩm của tình thương sáng suốt.

 

Ông chỉ gài thêm vào cái thông điệp lớn ấy một bức thư riêng mà ông muốn gửi cho người nữ sĩ đã có một lúc đặt lòng tin vào ông, nhưng ông đã không đáp ứng được.

 

Bức thư mà nữ sĩ gửi cho ông, ông đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần trong đêm và đã thuộc lòng từng câu từng chữ. Giấy hoa tiên có vẽ một cành mai, là tên của nàng.

 

Hai câu đầu đã rất thắm thiết nhưng cũng không có gì đặc biệt lắm. Ông cũng chỉ nói rằng: Tôi đã nhận được thư:

Mở xem một bức tiên mai (1037)

 

Bức thư có bông mai là bức thư ấy, hiển nhiên không phải là phục-thư của Sở Khanh cho Thúy Kiều.

Ông chỉ nói thêm rằng ông biết lòng nàng nhớ ông, mong ông:

 Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rầy trông mai chờ (1040)

 

Trong ngôn từ riêng của hai người với nhau, kỉ niệm ngồi uống trà với nhau dưới ánh trăng trong vườn mai là một kỉ niệm êm đềm, nghìn năm chưa dễ đã ai quên. Còn “tin sương” có hai nghĩa, một nghĩa kín là sự đợi chờ ông đến gặp lại nàng mà không được một tin tức gì của ông.

Nàng viết:

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,

Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

 

Ông nhận là đã có ba năm ấy, và khi nhận được thư nàng thì suốt ngày hôm ấy, một ngày dài hơn mọi ngày trong đời, ông đã sống lại trong tâm tưởng ba năm hạnh phúc xưa, nhưng nay không còn có lại được nữa. Ông đặt những nhớ nhung ấy, và nỗi buồn vô hạn không dìm xuống được của ông vào trong lòng Kim Trọng:

Sầu đọng càng lắc càng đầy,

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê (248)

mặc dầu Kim Trọng chỉ mới gặp Thúy Kiều có một thoáng trong buổi chiều Thanh Minh.

 

Ông kể lại, rải rác trong thơ, những buổi hai người tự tình với nhau bên song cửa hay dưới bóng cây trong vườn mai:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên (3224)

và: Khi gió gác, khi trăng sân

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ

Khi hương sớm, khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn (1298)

và những lúc cùng nàng dạo bước ven hồ và đi vãn các cảnh đền chùa:

Ngày xuân lắm lúc đi về với Xuân ( 1294)

 

Ông nói rằng không phải chỉ một ngày hôm ấy, ông nhớ đến những phút giây bên cạnh nàng trong ba năm hai người được gần gũi nhau, mà luôn luôn, hoài hoài, trong mỗi dịp của cuộc đời thường ngày.

Hương gây mùi nhớ, trà khan dọng tình (256)

và mãi mãi, không bao giờ thôi:

Còn non, còn nước, còn dài,

Còn về, còn nhớ đến người hôm nay (558)

(nhắc lại câu thơ xưa “Bảy nổi ba chìm với nước non” của nàng)

Nàng tiếc rằng giấc mộng xuân tình của thuở trẻ đã không bao giờ được thành trong nửa khắc, nhưng làm thế nào được vào lúc ấy khi

Chày sương chưa nện cầu lam,

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng (458)

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến anh (516)

Trong thư nàng viết

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập

Phấn son càng tủi phận long đong,

 

thực là buồn quá. Ngày trước quả là ông đã quá ham danh vọng, nên đã rời nàng mà vào kinh, vả lại lúc đó có chiếu chỉ gọi ông vào chầu, ông không thể trốn tránh được. Ngày nay, tuy rằng trong chức mới, nhất là thời ngựa xe tấp nập, nhưng thực là lòng ông đã nguội lạnh nhiều với chuyện công danh; hơn nữa, nhìn lại thấy nàng vẫn chưa an phận, ông lại càng thương cảm vì

nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu li (2872)

Nàng ngờ rằng với danh phận cao sang của ông bây giờ, và sau bao nhiêu năm xa mặt cách lòng, ông không còn giữ được tình xưa nữa, nên viết:

Nếu còn mảy chút sương đeo mái.

 

Nhưng sao nàng lại có thể ngờ ông đã thay lòng đổi dạ hay phai lạt trong mối tình với nàng? Với ông, đối với người nữ sĩ Mai cốt cách tuyết tinh thần của Cầu Cổ Nguyệt bên Tây Hồ và riêng đối với nàng:

Tình xưa lai láng không hàn, ( 3191)

ông trang trọng viết lại rằng.

Giọt Sương treo nặng cành Xuân la đà. (176)

 

Hãy so sánh lời tỏ tình khắng khít, đẹp như mơ với một hình ảnh vừa Thiền-đạo vừa lãng mạn chứa đựng một hứa hẹn say sưa của Giọt Sương với cành Xuân tươi trẻ của ông, với lời tỏ tình hơi quê mùa vì quá thật thà của Kim Trọng, và với lời tán tỉnh rất văn hoa nhưng bâng quơ của Sở Khanh, chúng ta thấy rõ sự chân thành trước sau không đổi của Nguyễn Du.

Giọt Sương treo nặng cành Xuân la đà

lại đối nghịch và trái ngược hẳn với câu mà có người đã cho là nói cái tình của Nguyễn Du đối với Hồ Xuân Hương khi viết Ðoạn Trường Tân Thanh:

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng

Câu sau này là Nguyễn Du nói về lòng trung của ông đối với triều trước, nay đã dứt hẳn để theo về Nhà Nguyễn mà ông là một thần tử (lìa ngó ý), tuy vẫn còn chút nhớ tiếc (vương tơ lòng) thời Lê vẫn chưa khuây hẳn. Như trong thơ chữ Hán ông viết (Ngô gia đệ cựu ca cơ), giống cô nàng hầu của em ông, lấy chồng khác đã được ba con mà vẫn còn tiếc cái áo cũ chưa chịu bỏ:

Chậu nước đã đổ rồi, làm sao mà vớt lại được?

“Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy”

Ngó gãy thương thay, vẫn chưa dứt tơ

“Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti”

Câu cuối cùng trong bức tiên mai mà Hồ Xuân Hương gửi đến tay Nguyễn Du là:

Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

Bề ngoài là một câu thông tin, tách rời ra thì là một lời than, nhưng đi sau câu Nếu còn mẩy chút sương đeo mái, thì là một lời mời, một câu hẹn hò không thể rõ ràng hơn. Ông hiểu rằng người cũ muốn gặp lại ông vì đang bối rối và có nhiều tâm sự muốn tỏ bầy cùng ông,

 Lời tan hợp, chuyện xa gần, thiếu đâu (3028)

Nhưng ông đã không thể đến được với nàng và sự li cách mà nàng đã phải chịu cũng làm cho ông đau khổ không kém trong suốt đường trường:

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi;

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Và ông chia xẻ nỗi buồn của nàng:

Một mình âm ỉ canh chầy,

Ðĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh (1884)

*

Nguyễn Du đi sứ về đến Huế là Tháng Tư Giáp Tuất 1814.

Vụ án Nguyễn Văn Thuyên (1813 -1817) dẫn đến sự tự vẫn bằng thuốc độc của Nguyễn Văn Thành, sự xử tử Nguyễn Văn Thuyên bằng hình lăng trì và sự lên án xử trảm giam hậu Vũ Trình, em rể của Nguyễn Du, xảy ra vào đúng lúc ấy.

 

Nguyễn Du xin nghỉ về quê được mấy tháng năm 1814.

 

Theo sự phân tích và tính toán của tôi, bài Văn Chúng Sinh được viết trước, rất nhanh, và Ðoạn Trường Tân Thanh được viết ngay sau đó, đến 1817 thì hoàn thành, với những ý kiến rất che đậy nhưng cũng vô cùng can đảm của Nguyễn Du về công lí, và với bức thư riêng gửi cho Hồ Xuân Hương mà tôi đã trình bày.

 

Triều đình không đọc thấy những ý kiến của ông và ông thoát.

 

Hồ Xuân Hương chắc cũng không biết rằng có Ðoạn Trường Tân Thanh. Bà đã tái giá để lấy Tham Hiệp (tri phủ) Trần Phúc Hiển ở Quảng Yên và được hưởng vài năm thanh nhàn. Bà làm những thơ kể một cuộc du ngoạn Vịnh Hạ Long vào lúc này. Nhưng năm 1819, Tham Hiệp Trần Phúc Hiển bị tố là ăn hối lộ và bị Vua Gia Long lên án xử trảm. Sau đó, cuộc đời bạc mệnh của Hồ Xuân Hương không biết ra sao. Thơ văn chữ nôm của bà bị một vài nho sĩ đời sau ghen ghét sửa chữa lại, và nhiều bài bị giả tạo ra với mục đích là bôi nhọ thanh danh của một bậc kì-nữ của thi đàn Việt Nam. Ðó là một chuyện khác mà văn học sử phải làm cho minh bạch.

 

Tất cả những lập luận của tác giả bài này dựa vào những điều đã được tìm ra về tiểu sử của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (một vài điểm còn chưa được hoàn toàn chứng minh) và những văn thơ của hai người. Chứng tích lõi, ở trọng tâm của vấn đề, là bức thư của Hồ Xuân Hương gửi người cầm tay đến trao cho Nguyễn Du khi Nguyễn Du từ Phú Xuân ra Thăng Long để cầm đầu sứ bộ sang Bắc Kinh triều cống, tức là tháng Hai Quí Dậu (đầu năm 1813).

 

Bức thư của Hồ Xuân Hương có một số phận “long đong” mà ai hay biết cũng phải lấy làm buồn, không phải chỉ cho một bức tiên mai ấy, mà cho cả tình hình văn học sử của nước ta, cho đến ngày nay. Bức thư (tức là bài thơ Cảm Cựu Kiêm Trình) là bài cuối cùng của tập Lưu Hương Ký mà Hồ Xuân Hương, theo lời tựa sách của Nhan Giác Tốn Phong, nhận là “tập thơ của cả đời cô.” Ðiều này nếu có đúng, thì chỉ đúng vào lúc ấy, tức là trước khi Hồ Xuân Hương lấy Trần Phúc Hiển. Tập thơ Lưu Hương Ký độc nhất còn lại là một bản chép tay bởi gia đình ông Nguyễn Văn Tú, nằm trong tủ sách gia đình của ông Trần Thanh Mại; ông Trần đã cho mượn đi cho đến năm 1963 mới được trả về khi ông đọc bài Tựa sách chép lạc vào một tập tài liệu đề là Du Hương Tích Ðộng Ký (trong có bài thơ của Chu Mạnh Trinh) do Trường Viễn Ðông Bác Cổ Pháp để lại. Theo ông Trần Thanh Mại thì Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương gồm 24 bài thơ Ðường luật chữ Hán và 28 bài vừa thơ vừa từ, chữ Nôm. Ông Trần Thanh Mại mới dịch được có 16 bài thơ chữ Hán mà ông đã công bố năm 1964 trong tạp chí Văn Học (Hà Nội). Về sau ông Hoàng Xuân Hãn có sửa chữa lại một số chữ hoặc là đọc không đúng, hoặc là in sai, và mọi người chờ đợi một sự nghiên cứu bề sâu của tập thơ văn chính thức của Hồ Xuân Hương. Nhưng ông Trần Thanh Mại mất năm 1964, và sau đó, cuốn sách nhỏ ấy phải sơ tán để tránh bom Mĩ cùng với một số sách của Viện Văn Học trong cái ba lô của ông Hồ Tuấn Niệm và ông Hồ Tuấn Niệm cũng đã mất. Cuốn Lưu Hương Ký cùng với cuốn đề là Duy Hương Tích Ðộng Ký trở về nằm ở Thư viện của Viện Văn Học, nhưng trong khoảng nửa thế kỉ nay, Lưu Hương Ký đã tuyệt tích, không ai nhận là đã thấy nó ở đâu. Những điều tôi kể lại ở trên là tóm tắt, những nhận xét của ông Hoàng Xuân Hãn và ông Tạ Trọng Hiệp, phần lớn là do bà Thụy Khuê kể ra; tôi hoàn toàn tin cẩn ở những vị này về sự chân thành trí thức.

 

Sự phân tích và phê phán văn bản ở trên cho phép tôi nghĩ rằng, cho tới khi có những chứng tích mới thuận hay nghịch, bức thư CẢM CỰU KIÊM TRÌNH của Hồ Xuân Hương là thực và đích thực là của nữ sĩ họ Hồ gửi cho Nguyễn Du khi ông đến Thăng Long để khởi hành dẫn sứ bộ đi Bắc Kinh. Ông viết Ðoạn Trường Tân Thanh sau cuộc Bắc Hành.