Báo Lao động số 92 ra ngày 03 - 04-2005 có đăng bài Truyện Kiều đã được sáng tác vào năm nào? Theo lời giới thiệu của Ban biên tập thì:

“Mới đây, tiến thêm một bước, GS. Nguyễn Tài Cẩn và PGS Ngô Đức Thọ đã dày công nghiên cứu nhằm xác định chính xác những năm kiệt tác này được cơ bản hoàn thành”. Đây thực sự là những thông tin mới mẻ thu hút được sự chú ý của độc giả, vì tác giả của bài báo này là những chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực Hán Nôm. Hai GS đã công bố kết luận: "Vậy chúng ta có cơ sở để đoán định: bản thảo toàn bộ Truyện Kiều đã được cơ bản hoàn thành vào khoảng ba năm 1786, 1787, 1788” (in đậm trong bài báo). Và để cho chắc chắn hơn, đoạn sau hai GS viết tiếp: “Vậy có lẽ phải kéo dài thêm cái quãng thời gian sáng tác nói trên cho đến năm 1789 hay đến ca năm 1790" Xác định đúng được thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều có giá trị rất quan trọng trong việc định hướng phục hồi nguyên tác Truyện Kiều và đánh giá chính xác cống hiến của tác giả và tác phẩm với nền văn học Việt Nam. Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ lưỡng bài báo và nhận thấy cơ sở để hai GS khẳng định thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào những năm cuối của thời Vua Lê - Chúa Trịnh, tóm lược là như sau:

1.Đặc biệt đáng chú ý là hai chỗ tên huý của hai vua Lê Hiển Tông, Lê Chiêu Thống và tên huý của ba chúa Trịnh Sâm, Trịnh Khải, Trịnh Bồng là các vua chúa ở ngồi cai trị của thời cụ Nguyễn Du.

2.“Vua Cảnh Hưng Lê Hiển Tông chết năm 1786, năm đó Lê Chiêu Thống mới được truyền ngôi. Và cũng năm đó Trịnh Bồng mời được lên chức chúa. Truyện Kiều kị huý rất kĩ hai ông này: nhất định là kị huý sau khi hai ông đã cắm quyền. Do đó, năm 1786 trở thành một cái năm đứng làm một cái mốc hết sức quan trọng".

3."Việc kị húy thể hiện ở cả mặt âm, cả mặt chữ viết”.

4.Liên hệ thêm với hoàn cảnh gia đình của thi hào Nguyễn Du, chúng tôi thấy có 2 sự kiện rất có ý nghĩa. Năm 1786 ông làm Chánh Thủ hiệu ở Thái Nguyên và cưới vợ đến năm 1787 thi ông không làm việc nữa và về quê vợ ở. Không làm việc nữa và về quê vợ ở, đó là một hoàn cảnh có phần rất thuận tiện cho việc sáng tác. (Bài báo đã dẫn)

I. Truyện Kiều không kị huý Vua Lê - Chúa Trịnh

Nhưng xem xét kĩ bản Truyện Kiều chữ Nôm do Duy Minh Thị khắc in năm 1872 -là bản mà hai GS dùng để nghiên cứu việc kị huý -chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều câu chữ khắc lại không kị huý “cả mặt âm, cả mặt chữ viết” như sau:

Câu 260: Nhớ nơi kì ngộ vội dời chân đì

Câu 2230: Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Câu 511: Gẫm duyên kì ngộ xưa nay,

Cầu 869: Đoạn trường thay lúc phân kì.

Bốn câu thơ này có chữ “kì” âm đọc không kiêng dè Lê Chiêu Thống là Duy Kì.

Ngoài ra tên huý của Trịnh Sâm quyền lực át cả vua Lê cũng không viết kiêng huý:

Câu 550: Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi (dùng chữ Sâm  để ghi Sum).

Câu 2980: Xúm quanh kể họ rộn lời hỏi tra (dùng chữ Sâm  để ghi Xúm).

Riêng câu 1381: Một nhà sum họp trúc mai, mà hai GS xác định là “Tên huý Trịnh Sâm ở câu 1381, bản Duy Minh Thị viết bớt hai nét”, theo thiển ý của tôi cũng không phải là biện pháp kị huý. Đây chính là cách viết khắc tháu của thợ Tàu, vì chữ Lâm trong chữ Trăm ở các câu:183, 355,  452, 612,1964... cũng bị " viết bớt hai nét” giống như chữ Lâm trong chữa Sum ở câu 1381. Chữ Trăm có phải kị huý ai đâu mà thợ Tàu cũng khắc “bớt hai nét". Đến chúa Trịnh Bồng ở ngôi từ 10 - 11 - 1786 đến 9 - 10 - 1787 đúng trong thời điểm mà hai GS xác định là Nguyễn Du đã “hoàn thành cơ bản bản thảo Truyện Kiều” cũng bị phạm huý âm đọc ở các câu:

Câu 2937: Bình bồng còn chút xa xôi.

Câu 2627: Cửa bồng vội thác rèm châu.

Câu 1509: Đôi ta chút nghĩa đẻo bồng

Câu 2803: Quá thương chút nghĩa đèo bồng.

Bản Truyện Kiều Duy Minh Thị 1872 liên tục phạm huý tên các vua Lê Chiêu Thống (Kì) Trịnh Sâm, Trịnh Bồng “Là các vua chúa ở ngôi cai trị ngay ờ thời cụ Nguyễn Du”, thì theo logic của hai GS có lẽ Nguyễn Du phải viết Truyện Kiều trước năm 1786 chăng?

Còn việc dựa vào câu 310: “Mà lòng trượng nghĩa khinh tài xiết bao.!” để xác định đây là bản gốc do Nguyễn Du kị huý chú ruột Nguyễn Trọng nên đổi Trọng thành Trượng cũng không thực sự thuyết phục.

Qua khảo sát hơn 40 bản Kiểu Nôm, chúng tôi thấy chỉ có mỗi bản của DMT xuất bản ở Nam Bộ mới có sự thay đổi như vậy. Mà theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản ở Sài Gòn năm 1895 - 1896 thì dân Nam Bộ vẫn có cách phát âm Trọng thành Trượng như các ví dụ sau:

Trượng: Trọng, nặng.

Sang trượng = Sang trọng.

Bệnh trượng hoặc trượng bệnh = bệnh nặng, đau nặng.

Trượng giá — trọng giá, quý giá, mắt mỏ.

Trượng tiền = Trọng tiền, nhiều tiền.

Trọng nghĩa khinh tài= Trượng ngãi khinh tài. Lấy nhơn ngãi làm hơn tiền của (tr. 503).

Vậy thì bản DMT ghi là "Trượng nghĩa” là do cách phát âm của địa phương,

tương tự như: Phúc = Phước, Nghĩa = Ngãi, Bảo = Bửu, Hoàng = Huỳnh, Nhân = Nhơn, Vũ = Võ... chứ không nhất thiết là kị huý Nguyễn Trọng. Hơn nữa nhiều bậc trong gia tộc vai vế còn quan trọng hơn như cha, mẹ, ông nội, bác, cụ mà nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng không kị huý như:

Câu 40: Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi (Thiều là tên tục của cụ Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du)

Câu 968: Buồn mình trước đã tần mần thử chơi. Và câu 532: Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề (Tần hoặc Thấn đều là tên mẹ Nguyễn Du).

Câu 1471: Huệ hương sực nức một nhà (Huệ là tên bác Nguyễn Du).

Câu 144: Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

(Thể là cụ nội, Quỳnh là ông nội Nguyễn Du).

Vậy thì không thể do câu 310 chép là “Mà lòng trượng nghĩa khinh tài xiết bao" để đặt niềm tin thái quá vào bản DMT, rồi xem đó là bản gốc do gia tộc Nguyễn Du truyền lại.

II. Thời điểm phải muộn hơn

Hai GS còn quan niệm ba năm 1786 - 1787 - 1788 Nguyễn Du "Không làm ở nhà nước nữa và về quê vợ , đó là một hoàn cảnh có phần rất thuận tiện cho  việc sáng tác".

Điều suy đoán trên chưa sát với thực tế lịch sử gia cảnh Nguyễn Du. Chúng ta đều biết rằng trong thời gian trên gia đình Nguyễn Du phải chịu hai cái tang lớn, anh hai Nguyễn Điều mất 7 - 1786, anh cả Nguyễn Khản mất 11/1786. Đàng Ngoài dân tình đang căm ghét và lùng bắt bọn kiêu binh Tam phủ (người quê gốc Thanh - Nghệ). Cuối năm 1787 vua Lê Chiêu Thống phải chạy trốn sang Kinh Bắc , Hải Dương rồi sai người cầu viện nhà Thanh. Tháng 12 năm 1788 Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long thì 5/1 năm Kỉ Dậu (1789) Quang Trung đại phá quân Thanh. Lê Chiêu Thống phải chạy theo Tôn Sĩ Nghị ẩn náu bên Tàu. Nguyễn Du "chạy theo vua song không kịp phải về quê vợ ở nhờ người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn, ông tập hợp hào mục để tính việc phục quốc nhưng chí không thành, ông trở về quê nhà, lấy cảnh sông núi làm vui, tự gọi mình là Hồng Sơn liệp hộ (phường săn núi Hồng) và Nam Hải điếu đồ (nhà chài bể Nam). Năm Bính Thìn (1796) mùa đông, ông toan vào Gia Định (giúp Nguyễn Ánh), việc tiết lộ bị tướng Tây Sơn là quận công Thận bắt giam mấy tháng, rồi thả" (Theo Tiên Điền Nguyễn gia thế phả).

Có lẽ tấm lòng “trung thần bất sự nhị quân” vẫn còn trìu nặng trong tâm trí Nguyễn Du và các cựu thần nhà Lê.

Nguyễn Du đã từng viết: “Đăn đắc Kì sơn thánh nhân xuất. Bá Di tuy tử bất thần Chu”. Tạm dịch: Dẫu Kì sơn thánh nhân hiện. Bá Di đến chết chẳng hàng Chu .

Thời gian vua Lê Chiêu Thống còn lưu vong ở bên Tàu (1789 - 1793), ông anh ruột Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh còn đang “âm kết nghĩa sĩ, mưu chống lại Tây Sơn, bị quân Tây Sơn phá làng, ông bị bắt, không chịu khuất nên bị giết vào ngày 24/10 Tân Hợi (1791)” (theo Theo Tiên Điền Nguyễn gia thế phả), chắc Nguyền Du cũng là một đồng chí tâm đắc với âm mưu liên kết nghĩa sĩ của ông anh Nguyễn Quýnh.

Vậy thì từ năm 1786, gia cảnh nhà Nguyễn Du có hai ông anh ruột vừa mất, vua Lê còn đang lận đận bên Tàu mưu cầu ngoại viện, ông anh Nguyễn Quýnh đang nuôi chí phục Lê và thi hào Nguyễn Du cũng có chung bầu tâm sự ấy. Đến 1793 khi Lê Chiêu Thống mất ở bên Tàu thì Nguyễn Du vẫn còn nuôi chí trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh, cho đến khi bị Tây Sơn bắt năm 1796 thì mới có thể tin rằng Nguyễn Du đã hết chí “chọc trời khuấy nước” mà an phận thủ thường đi câu, đi săn và viết truyện thơ dài. Ta có thể đoán định một cách hợp tình hợp lí rằng: Trong 10 năm (1786 - 1796), Nguyễn Du còn lo việc nước, việc nhà như vậy thì còn tâm chí nào mà có thể ngồi viết “Truyện Kiều là truyện của những mối tình: mối tình đầu giữa Kiều và Kim Trọng rồi mối tình giữa Kiều với Thúc Sinh, mối tình giữa Kiều với Từ Hải” như lời phân tích của hai GS trong bài báo đã dẫn trên.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy rõ: vào thời gian 1786 — 1790 (như hai GS đoán định là thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều) lúc ấy vua Lê Chiêu Thống còn sống lưu vong ở bên Tàu luồn lọt lo ngoại viện, thì sao một người trung quân cố hữu như Nguyễn Du lại viết những câu thơ đa nghĩa:

Bó thân về với triều đinh
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm buộc trói lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi...

Chả hoá mỉa mai cảnh tòng vong luồn cúi và coi thường vua Lê sao?

Hơn nữa nếu coi bản DMT là chép nguyên văn một bản thảo được Nguyễn Du sáng tác từ thời vua Lê - chúa Trịnh thì tại sao bản này lại kị huý các chữ Lan, Chủng là tên mẹ và tên huý vua Gia Long. Ngoài ra bản DMT còn rất nhiều câu chép sai nghĩa như:

Câu 22: Mây khoe nước tóc tuyết nhường màu lưng (đúng là màu da).

Cầu 44: Lễ là tảo mộ gọi là Đạp tình (đúng phai là Đạp thanh).

Câu 481:Trong nàng tiếng hạc bay qua (đúng phải là Trong như).

Câu 1496: Ngàn năm ai có khen câu hợi Sào (đúng phái là Hoàng Sào).

Câu 1968: Lòng người nham hiểm biết đâu mà trọng (phạm huý chú ruột Nguyễn Trọng, đúng phải là: mà lường)

Hoặc còn nhiều câu viết sai cả bản chữ Hán như:

(Bản DMT chép là:)

Câu 150: Văn chương nết đất (thông ) minh tính trời

Câu 199: Vâng trình hội chủ xem (tường )

Câu 428:Giã chàng nàng mới kíp dời song (sa)

Câu 838: Mượn màu chiêu tập lại là còn (nguyên )

Câu 1191: Tiếc thay trong (giá ) trắng ngần

Câu 1201: Nghề chơi cũng lắm (công ) phu

Câu 1442: Từ xưa nàng đã biết (thân ) có rày

Câu 1454: Tiên hoa trình trước án phê xem (tường)

Câu 1780: Chẳng màu trốn chúa thì (quân) lộn chồng.

Các chữ Hán trên đều viết, chữ đồng âm nhưng sai nghĩa, cho thấy trình độ Hán học của người chép văn bản này cũng không cao lắm. Trong cuốn -Tư liệu Truyện Kiều, bản DMT 1872 GS Nguyễn Tài Cẩn cũng đã nhận định về chất lượng  chữ viết trong cuốn này như sau. "Để có thể hình dung được về chất lượng của chữ Nôm trong bản này, chỉ so sánh thử 16 câu cuối cùng trong hai bản Nôm 1781 và 1872 là đủ thấy: 16 câu có 112 chữ, thi trong số đó bản 1872 đã có 25 trường hợp khắc không chuẩn như ở bản 1871; 25 trên 112 rõ ràng là một tỉ lệ khá cao” (sai 22,3%, tr. 17 — sđd).

Các sai lầm về chữ Nôm, chữ Hán, cả âm và nghĩa, thừa nét, thiếu nét nhầm bộ thủ, chữ bất thành tự như trình bày trên của DMT 1872 vẫn cứ tiếp tục giữ nguyên như vậy ở các lần khắc ván in sau của các bản DMT 1879 và DMT 1891 làm cho ta thấy cụ cư sĩ Duy Minh Thị không thực sự quan tâm đến việc in ấn, khảo đính, không có trách nhiệm cao với độc giả và các văn bản Duy Minh Thị đều cho ta cảm tưởng đây chì là loại “hàng chợ” mà thôi.

Như vậy nếu ta đặt( niềm tin rằng bản DMT 1872 chép đúng theo bán gốc của gia tộc Nguyễn Du, để đến khi thấy có mấy chữ thiếu nét mà vội kết luận là chữ kị huý, từ đó suy ra thời điểm sáng tác Truyện Kiều là một việc làm quá vội vàng và không thuyết phục.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào? (T/c Ngôn ngữ & Đời sống số 6 năm 2000 và trong cuốn Truyện Kiều bản Thịnh Mĩ Đường 1879; H, Nxb Văn hoá Dân tộc, 2004) thì hai chứng lí đáng tin cậy để suy ra thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều là:

Nhiều bản phường như: Liễu Văn Đường 1886, 1871, Thịnh Mĩ Đường 1879, Thuận Thành 1879.,. còn có hai chữ Lan, Chủng phạm đại huý đời Gia Long (là tên mẹ và tên vua Gia Long lúc nhỏ) phạm điều 225 Luật Gia Long vì có nội dung “yêu thư, yêu ngôn” đại loại như:

Triều đình riêng một góc trời
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai...

Vậy thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều phải trước đời Gia Long, nhưng không thể thuộc đời Vua Lê - Chúa Trịnh.

Thời điểm đó chính là khoáng từ sau khi Nguyễn Du bị Tây Sơn bắt và thả về an trí tại quê cha. Đó là những năm từ 1796 - 1801 (thuộc đời Tây Sơn) Nguyễn Du với biệt hiệu Hồng Sơn hiệp hộ và Nam Hải điếu đồ đã về sống tại Tiên Điền .