Hơn 30 năm làm công việc nghiên cứu văn hóa, sưu tầm cổ vật, ông Hồ Tấn Phan đã sở hữu một kho kiến thức đồ sộ về lịch sử cố đô Huế,  đặc biệt là thời nhà Nguyễn. Trước thực trạng hiện nay các di tích, lịch sử văn hóa đang lạm dụng việc đặt các "linh vật lạ” gây phản cảm, ông đã dành cho PV báo Đại Đoàn Kết một cuộc trao đổi.

 

 

PV: Thưa ông, xuất phát từ thực trạng nhiều năm trở lại đây, ở các di tích văn hóa- lịch sử, thậm chí kể cả ở một số cơ quan, công sở hoặc nơi công cộng, người ta lạm dụng việc đặt linh vật lạ có nguồn gốc nước ngoài, mà chủ yếu là sư tử đá. Mới đây Bộ VHTTDL đã có công văn 2662 khuyến cáo người Việt nên dùng linh vật Việt. Quan điểm của ông về vấn đề này?

 

 
Ông HỒ TẤN PHAN: Đây là một vấn đề đáng phải suy nghĩ. Khi nói đến di tích lịch sử văn hóa là ta đã có ý thức trong một phạm trù nhất định. Di tích là một thành tựu mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta, hay nói cách khác là nó đã định hình rồi, thế mà chúng ta đưa vào một vật lạ. Đây là một việc làm không hoàn toàn phù hợp, chẳng khác gì chúng ta đưa một vật lạ vào cơ thể. Người dân bất bình, phản bác là đúng, bởi vì cơ quan nhà nước muốn có công trình nghệ thuật văn hóa để nhằm tăng thêm thêm vẻ đẹp thì phải chú ý đến truyền thống văn hóa Việt Nam. Có như vậy thì mới có thể định hướng cho người dân noi theo. 
 

 

Linh vật ngoại lai chủ yếu là sư tử đá thường được sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phải chăng, điểm yếu của chúng ta là sính hàng ngoại, mà nguyên nhân đầu tiên là hàng ngoại nhập từ Trung Quốc có giá rẻ, hình thức bắt mắt hơn hàng nội. Từ đó, ta có thể thấy công nghệ tạc tượng của chúng ta cũng cần phải phát triển để đủ sức cung ứng cho nhu cầu để người dân không phụ thuộc vào sản phẩm của nước ngoài, để cho các linh vật ngoại lai không có cơ hội vào Việt Nam, gây phản cảm trong cách nhìn và suy nghĩ của chúng ta. Theo tôi, đây là vấn đề bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ.

 

 
Thưa ông, ngay sau khi nhận công văn số 2662 của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL Hà Nội cho hay, Hà Nội sẽ sẵn sàng tháo dỡ, "cưỡng chế” sư tử ngoại ra khỏi di tích. Vậy ông đánh giá thế nào về việc này?

 

 
- Gắn linh vật ngoại lai vào, bây giờ tháo gỡ ra đều là điều đáng tiếc. Trước hết đó là một sự tổn thất về tiền bạc, kinh tế. Đây cũng là một lần rút kinh nghiệm đối với những người làm quản lý văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta tháo dỡ, "cưỡng chế” các linh vật ngoại lai ra khỏi di tích là đúng, dù rằng có muộn, nhưng muộn còn hơn không làm. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để có hiệu quả, không gây bất bình, nhưng vẫn giúp cho nhưng nơi bị tháo dỡ thấy được đâu là ý thức văn hóa.

 

 
 
Nghê đá thuần Việt thế kỷ 17 

 

 
Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa nghiên cứu về cổ vật, theo ông làm thế nào để thực trạng này không còn tái diễn nữa?

 

 
- Như tôi đã nói, nhu cầu về văn hóa là nhu cầu rất lớn của xã hội. Vậy, chúng ta phải làm thế nào đó để đáp ứng được nhu cầu này theo một định hướng. Khi tiếp cận một lớp trầm tích lịch sử văn hóa được trích lũy mấy ngàn năm dưới đáy sông Hương, tôi nhận thấy rằng, quá trình hình thành lịch sử văn hóa của Việt Nam đã để lại rất nhiều thành tựu mà ngày nay ở mặt nào đó chúng ta vẫn chưa thừa hưởng hết. Vậy trước hết trách nhiệm phải thuộc về những người làm văn hóa, quản lý văn hóa. Vấn đề này, những người có trách nhiệm nói trên cần phải tuyên truyền giáo dục người dân, cũng như nâng cao trình độ nhận thức của người dân để họ ý thức được đâu là văn hóa việt, đâu là văn hóa ngoại lai.
 

 

Riêng ở Huế, việc sử dụng linh vật lạ không thành phong trào, tuy nhiên tôi vẫn thấy chỗ này, chỗ kia thỉnh thoảng cũng xuất hiện những công trình bằng đá mà trong đó có sự xuất hiện những con sư tử đá xuất phát từ Trung Quốc.

 

 
Vậy phải làm thế nào để lấp chỗ "hổng” trong quản lý nhà nước về văn hóa, thưa ông?

 

 
- Nếu trước đây, chúng ta phải làm công việc này một cách nghiêm túc khi đưa những linh vật vào các di tích đúng với yêu cầu của lịch sử thì đã không có sự việc hôm nay. Hay trước đây, khi đưa các linh vật để trang vào các công trình xây dựng mới đúng với yêu cầu, đúng với truyền thống của người Việt Nam thì không có chuyện chúng ta cần phải lấp chỗ hổng. Tuy nhiên, sai thì phải sửa, dù có tạo ra những khó khăn nhất định. Đây cũng là yêu cầu cần thiết nhằm tạo nên bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
 

 

Hiện cũng có những quan điểm trái chiều về văn hóa dùng linh vật của người Việt.  Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu xin ông phân tích kỹ hơn về điều này?

 

 
- Linh vật Việt biểu hiện sức mạnh và bản sắc văn hóa dân tộc. Còn cái gọi là "linh vật” nhưng bê từ bên ngoài vào, không nằm trong tâm thức, tâm linh của người Việt là bất hợp lý. Phải hiểu rằng, linh vật khác với hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Bởi vì, linh vật là bản sắc, là yếu tố tâm linh không phải ngày một, ngày hai mà có thể hình thành được. Do đó, chúng ta phải tách bạch vấn đề, không nên tiếp nhận những linh vật lạ để gắn cho tâm linh của mình.

 

 
Trân trọng cảm ơn ông!