Trong thể loại truyện Nôm, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt nhất ngay từ thuở sinh thời tác giả. Các nhà nghiên cứu thời nay thường hay nhắc đến những bài viết của các học giả, văn nhân thế kỷ XIX, như bài Tựa của Tiên Phong Mộng Liên đường Chủ nhân, Đề từ của Phạm Quý Thích, Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng... Trong số các bài đó, đoán định được thời gian là bài của Mộng Liên đường Chủ nhân, theo tài liệu của Thạch Giang, bài này được viết tháng Hai năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mệnh (1820), bài của Nguyễn Văn Thắng viết trong thời gian bị giam giữ, khoảng 1830; bài của Phạm Quý Thích không rõ viết năm nào, các bài của Đào Nguyên Phổ, Chu Mạnh Trinh,... đều viết muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, đương thời Nguyễn Du còn hai nhà phẩm bình quan trọng nữa là Vũ Trinh và Nguyễn Lượng vẫn chưa được chú ý tìm hiểu tường tận. Cuốn sách công bố sớm nhất những lời bình ấy có lẽ là Truyện Kiều do Phó giáo sư Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải. Trong sách này, Thạch Giang công bố 13 lời bình, 8 lời của Vũ Trinh và 5 lời của Nguyễn Lượng, nhưng ông không cho biết lời bình ấy lấy từ văn bản nào, chỉ biết trong phần tài liệu dùng để khảo đính ông có nhắc đến bản Kiều năm Giáp Ngọ (1834) và bản Kiều năm Tân Mùi (1871), “một trong số bản Nôm quý được dùng để khảo đính văn bản”, có thể những lời bình này được chọn trích từ một trong những văn bản đó chăng? Gần đây trong Truyện Kiều — Bản Kinh đời Tự Đức, Nguyễn Quảng Tuân có giới thiệu 50 lời bình, theo Nọa Phu là người “san cải”, thì những lời bình đó của Liên Trì (chính là Lan, nhưng vì kiêng húy đời Gia Long nên tác giả viết tránh thành Liên) Ngư giả Vũ Trinh và Trâu Sơn Tiều lữ Nguyễn Lượng, nhưng dưới các lời bình Nọa Phu không ghi tên từng người. Vũ Trinh là một tác giả quen thuộc, tác phẩm nổi tiếng là Lan Trì kiến văn lục, Hoàng Việt luật lệ. Ông là người họ hàng với Nguyễn Du, từng làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống; thời Tây Sơn ông đi ở ẩn, dưới triều Nguyễn làm đến chức Hữu Tham tri bộ Hình, được cử đi sứ nhà Thanh năm 1809. Sau vì Nguyễn Thuyên, con trai Nguyễn Văn Thành bị kết tội phản nghịch, Vũ Trinh là thầy học, có ý kiến bênh vực cho học trò nên bị đầy đi Quảng Nam 12 năm rồi mất, năm 1828. Nguyễn Lượng, cả hai sách đều cho biết là ‘Tri phủ Thiên Trường, người đồng thời với Vũ Trinh”. Theo Ngô Đức Thọ thì ông mất năm 1807, trong trận đánh dẹp một cuộc nổi dậy của nông dân vùng Sơn Nam. Căn cứ vào tiểu sử hai người có thể đoán những lời phẩm bình này được viết muộn nhất cũng phải vào khoảng trước năm 1828 là năm Vũ Trinh mất, và có thể nhiều lời được viết trước năm 1807, là năm Nguyễn Lượng mất, có thể coi là những lời phê bình Đoạn trường tân thanh vào loại sớm nhất.

Đối chiếu hai sách thì những lời bình trong bản Truyện Kiều của Thạch Giang đều có ở bản của Noạ Phu, chỉ sai lệch nhau về câu chữ, chẳng hạn lời bình việc Kiều báo ân báo oán, bản của Thạch Giang ghi rõ là “Nguyễn Lượng phê”: “Không giết Hoạn Thư mà giết mẹ Hoạn Thư để thoả lòng căm tức, thế chẳng là nhẫn tâm lắm ru ! Tác giả vì thế mà giấu cái sự ấy đi chăng? Nhưng ta bảo rằng Thúc Kỳ Tâm chính đáng giết, còn Mã Giám Sinh thật không đáng giết. Xin những người có mối thâm tình trong thiên hạ thử nghĩ mà xem. Có người nói: “Vì chàng Kim mà giết họ Mã thì cũng phải”. Nhưng như thế đối với ông Viên ngoại thì sao? Cho nên đem Kiều mà liệt vào truyện kỹ nữ nghĩa hiệp thì cũng có lý vậy”.

Ngoài ra ở bản Kiều của Noạ Phu do Nguyễn Quảng Tuân công bố còn thấy có ba câu chỉ có phiên âm và lời dịch mà không thấy phần chữ Hán, trong đó có hai câu thấy ở bản của Thạch Giang; một số câu lời dịch dôi ra so với chữ Hán? Từ hai văn bản Kiều trên, có thể thấy những lời bình được ghi chép khá thống nhất, tin rằng nó có thể được chép ở nhiều bản mà các nhà phiên âm chú giải chưa thật lưu ý.

Khác với các tác giả Mộng Liên Đường Chủ nhân, Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Thắng..., như Trịnh Bá Đĩnh nhận xét “thường qua những bài thơ vịnh hay những bài Tựa viết về Truyện Kiều mà bộc lộ cách nhìn, chính kiến của mình đối với tác phẩm”, Vũ Trinh và Nguyễn Lượng đã đi sâu vào tác phẩm để không chỉ bộc lộ cách nhìn, chính kiến mà còn phẩm bình về tài nghệ của tác giả. Có thể nói Vũ Trinh và Nguyễn Lượng rất quan tâm đến những vấn đề nghệ thuật, đặc biệt là bút pháp miêu tả nhân vật, tâm lý nhân vật. Có năm nhân vật được hai ông để cập đến nhiều nhất là Thuý Kiều, Thuý Vân, Hoạn Thư, Kim Trọng và bóng ma Đạm Tiên, đặc biệt là Thuý Kiều. Hầu hết các đoạn miêu tả những biến cố lớn trong đời Kiều đều được người phê bình xem xét phẩm bình. Khoảng 30/50 câu phẩm bình dành cho Thuý Kiều và những sự kiện liên quan đến nàng chứng tỏ “biệt nhãn" của hai nhà phẩm bình đối với nhân vật này và cũng chứng tỏ sự tinh tế của các ông trong thưởng thức nghệ thuật. Nhìn chung, về Kiều, hai nhà phẩm bình đều khẳng định nhân cách của nàng. Cách nhìn nhận của hai ông về nhân vật Kiều cũng không khác gì nhiều so với mọi người, đôi lúc còn lạnh lùng “khách quan” hơn. Nhân vật Thuý Kiều trong cách nhìn của hai ông không hẳn đã là toàn bích, không hẳn là một phẩm chất “tuyệt đỉnh” — tình nhân tuyệt đỉnh, tình sự tuyệt đỉnh, để Nguyễn Du “diễn ra làm truyện thành một khúc tình từ tuyệt đỉnh ” - như Đào Nguyên Phổ nhận xét, nàng cũng có việc làm “bất nhẫn”, như “không giết Hoạn Thư mà giết mẹ Hoạn Thư để thoả lòng căm tức”.

Nguyễn Du không viết chi tiết ấy thì Nguyễn Lượng cho rằng tác giả có ý bao che “giấu việc ấy đi”. Nói về nhân vật Sở Khanh, một trong hai người phê bình cũng cho việc hành hình y là “bất nhẫn”: “Lừa dối, cuối cùng cũng nhân danh việc nghĩa mà nên việc. Lấy tiền này mà đem người đẹp đi trốn đến đất Lâm Cùng thì ta cho là cũng có thể làm. Về sau giết Sở Khanh thì ta không nỡ”. Giọng văn như cố ý đùa nhưng thực ra người bình cũng coi án tử hình đối với Sở Khanh là hơi nặng. Tuy nhiên nhìn chung, Thuý Kiều là nhân vật được yêu mến. Hai nhà phẩm bình đều công nhận Thuý Kiều “có cái chí của bậc liệt nữ” (lời bình đoạn sau khi đã ngã giá bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều “Một mình nương ngọn đèn khuya..“),kỹ nữ nghĩa hiệp” (lời bình khi Kiều báo ân báo oán), “một niềm hiếu nghĩa”, “thật đáng thương đáng kính” (lời bình đoạn: Nhớ ơn chín chữ cao sâu,... Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình). Đến điều “khổ cãi” nhất cho nàng là chuyện tự do thề ước với Kim Trọng và sự trinh bạch, cũng như việc xử sự khi Từ Hải chết, hai nhà phẩm bình cũng “bảo vệ” nàng. Hai ông viết “Đấy (việc Kiều xin Hồ Tôn Hiến: Hơi tàn được thấy gốc phần là may) là lý do để Kiều không chết theo Từ Hải", và có 7 lần các ông trực tiếp bàn về chữ trinh. Lần đầu khi Thuý Kiều tỏ ra “giữ gìn” với Kim Trọng: Đã cho vào bậc bố kinh, Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu..., nhà phẩm bình khẳng định: “Trinh là bản lĩnh một đời Thuý Kiều”. Đến khi Kiều thất thân với Mã Giám sinh, nhà phẩm bình vẫn khẳng định: “Thuý Kiều tuy thân bị thất nhưng một tấm lòng trinh bạch ngờ rằng chưa từng mất; có thể thấy như thế ở những đoạn này”. Và Nguyễn Lượng đã đi trước các nhà nghiên cứu Truyện Kiều hiện đại, ông đã chú ý đến chi tiết trào lộng “cười ra nước mắt”, khơi gợi sự đồng cảm của người đọc đối với nỗi đau sâu thẳm của người con gái khi hoàn cảnh buộc phải xin thề từ bỏ điều quỵ giá nhất, sự trinh trắng của mình: ‘Trinh bạch mà cũng có lúc phải hối. Chơi đùa nhạo cợt quá lắm, đến phải bật cười”. Giọng điệu câu văn của ông ở đây như thể hiện điệu cười gằn của sự tức giận.

Sang đầu thế kỷ XX, Lưu Trọng Lư từng đặt vấn đề là “muốn xét thân thế Kiều, chớ đứng hẳn trong những lễ giáo nghiêm khắc, chật hẹp của Nho giáo”. Nhà thơ cho rằng: “Thân xác nàng bị nhơ nhuốc nhưng tinh thần nàng vẫn trong sạch lắm. Thì ta nên đánh giá nàng ở nơi thân xác hay là ở chốn tinh thần?”(5). Nhưng Vũ Trinh trước đó hơn một trăm năm đã từng phân biệt hai điều đó. Phẩm bình ý kiến Kim Trọng trong Hội đoàn viên, ông viết: “Kim Trọng phân tích ra một chữ trinh thật là tri kỷ của Kiều. Người đời cả tâm và tích hai bề đều trinh là cao quý bậc nhất. Còn như có người tâm vẫn trinh mà tích không trinh, cũng có người hình tích bề ngoài thì trinh, mà tâm không trinh, như thế thì làm sao biết rõ từng người được”... Có lẽ một trong hai nhà phẩm bình này là người đầu tiên (và có thể là duy nhất) đặt vấn đề Kiều không thể “thất thân” với Kim Trọng, mặc dù chính nàng đã nói: “Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đàọ thà bẻ cho người tình chung", bởi người bình cho rằng: “ Đây là lời nói lúc tình đến chỗ ảo não, lời nói lúc không còn làm cách nào được vậy. Giả sử lúc đó Kim Trọng đến, liệu Thuý Kiều có chịu thất thân với chàng không? Thưa rằng không. Một sẩy chân thành hờn vạn cổ, Ngoảnh đầu lại đã người trăm năm! Điều ấy khiến người ta đau đớn vô cùng”.

Hiếu nghĩa trinh tiết là một mặt của tính cách Kiều, nhưng còn một mặt nữa không thể thiếu để tạo nên vẻ đẹp tâm hồn của Thuý Kiều, đó là chất tài hoa và nết đa sầu đa cảm. Ngay từ khi xuất hiện cây đàn hồ cầm, nhà phẩm bình đã viết “Cây hồ cầm sẽ theo đuổi suốt cuộc đời Kiều”. Sở dĩ Kiều luôn gặp trắc trở, “hết nạn nọ đến nạn kia”, luôn luôn đau đớn chính là tại cái căn cốt của nàng. Cùng viếng mộ Đạm Tiên, cùng nghe Vương Quan kể lại “kiếp hồng nhan có mong manh” của Đạm Tiên nhưng sở dĩ thành ra Đoạn trường tân thanh là chính vì “người nói vô tình, nhưng người nghe hữu ý”. Và cũng bởi vì: “Có nghiệt căn ấy thì có giấc mộng ảo ấy. Không phải Đạm Tiên tìm đến Thuý Kiều mà chính tự trong lòng Thuý Kiều không lúc nào không có Đạm Tiên vậy!”.

Về Thuý Vân, lời phẩm bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng khá bất ngờ. Các nhà văn, học giả đầu thế kỷ XX, đều xem Thuý Vân là người con gái đoan chính “đầy đặn nết na, dung nhan vui vẻ, ăn nói có duyên, da tuyết tóc mây, lại thêm đi đứng đoan trang, rõ ra vẻ con nhà nề nếp sang trọng” (Vũ Đình Long, Văn chương truyện Kiều) và “thực là một người con gái đáng quý đáng yêu, đáng mất bao nhiêu tiền cũng nên mua lấy được” (Nguyễn Đôn Phục, Văn chương và nhân vật trong Truyện Thuý Kiều)6). Khác họ, cả Vũ Trinh và Nguyễn Lượng đều coi nàng là con người vô cảm, “xuẩn ngốc”. Trong cái đêm gia biến, Kiều đau đớn vật vã, nàng “lỡ” ngủ say, tuy vậy khi tỉnh giấc nàng cũng biết “ghé đến ân cần hỏi han” chị, cũng biết được rằng “Một nhà để chị riêng oan một mình”, Nguyễn Du không có ý trách cứ Thuý Vân, nhưng Nguyễn Lượng vẫn không thể chấp nhận sự vô tình ấy, ông viết: “Cha phải tù, chị bị bán mà chỉ mải ngủ, Thuý Vân xuất hiện đến lần thứ hai thì thân phận đã khác Thuý Kiều rồi”. Đến đoạn Vân kể lại chuyện của chị cho cha mẹ nghe một cách cũng vắn tắt và không bộc lộ tình cảm gì mặc dù đã nghe chị dặn dò bằng những lời “lệ máu” thì Vũ Trinh hoàn toàn thất vọng về nàng: “Thuý Vân xuất hiện ba lần mà lần nào cũng như hòn đá. Trong Hội đoạn trường sao có thứ ngốc xuẩn như vậy được! Cô Đạm Tiên còn làm gì được nàng nữa! Nàng chỉ có thể theo sự giàu sang mà làm mệnh phụ thôi !”. Có lẽ đây là một cách nhìn, cách phân tích rất hiện đại, từ giữa thế kỷ XX mới thấy xuất hiện. Vũ Trinh chỉ khen nàng duy nhất có một lần, đó là trong bữa tiệc đoàn viên, Tàng tàng chén cúc dở say, Đứng lên Vân mới giãi bày một hai, những lời giãi bày sâu sắc như thể hiện tâm niệm suốt mười lăm năm của nàng, ông viết: “Những lời của Thuý Vân lúc này không biết ai đã dạy cô ?".

Điều bất ngờ nữa là cách nhìn nhận của hai nhà phẩm bình về nhân vật Hoạn Thư. Hoạn Thư chiếm trọn tình cảm kính nể của người phẩm bình trong các lời. Khi nàng vừa xuất hiện, đã nhận được ngay một lời khen: “Đúng là một bậc đại nhân gánh vác việc nhà". Xem cách xử sự của nàng khi nghe tin Thúc Sinh phụ bạc, người bình viết: “Xem lời Thuý Kiều đã nói rõ (cùng Thúc Sinh) với việc Hoạn Thư sắp đặt thì thấy sở kiến của hai người đại để giống nhau, giả sử Thúc Sinh khéo phân xử điều đình thì hai người ắt sẽ là đôi bạn phòng khuê tri kỷ. Tiếc thay lại không được như thế!". Khi Hoạn Thư tự bào chữa cho mình trong buổi Kiều xử án, nhà phẩm bình khen “Câu nào lý lẽ cũng đúng”. Dưới con mắt của người phẩm bình các nhân vật lẫy lừng cùng thời với Hoạn Thư là Hồ Tôn Hiến và Từ Hải đều không thể so sánh về tài và đức với nàng: “Đó là sự suy tính cẩn thận và bạo gan của bậc anh hùng đáng sợ và cũng đáng yêu. Giả sử Hoạn Thư là Hồ Tổng đốc thì ắt không có lối quỷ quyệt giả dụ hàng rồi đánh úp; giả sử Hoạn Thư là Từ Minh Sơn thì ắt không có việc tin dễ dàng, đề phòng sơ hở và tính toán sai lầm. Hai vị trượng phu cùng thời ấy sao tránh khỏi bị Hoạn Thư chê cười cho!” (lời bình đoạn Hoạn Thư tính kế bắt cóc Kiều). Bản của Thạch Giang còn dẫn được một câu Vũ Trinh cường điệu sự “khiếp đảm” của mình trước một người đàn bà có “máu ghen lạ đời” như Hoạn Thư: “Thật đúng là một bậc mệnh phụ đảm đương việc nhà. Ta với nàng sinh không cùng thời, ở không cùng nơi, mà nay đọc đến đây vẫn như cảm thấy không rét mà run!”.

Những lời bình còn lại, rất tinh tế và giàu chất mỹ cảm, hai nhà phẩm bình chủ yếu nhận xét tài miêu tả và tự sự của Nguyễn Du. Người viết khen: “Cả cuộc đời Đạm Tiên mà chỉ mấy câu tả lại của Vương Quan như oán như tố đã khiến người nghe không thể cầm lòng được”; người viết cũng khen cách tự sự trữ tình “đượm nỗi buồn than” của Nguyễn Du “khiến càng có tình ý thú vị”. Nhà phẩm bình cũng rất chú trọng đến cái xảo diệu của bút pháp tác giả Truyện Kiều ở các đoạn tả những cảnh mà biên giới giữa thực và ảo, giữa ngày và đêm rất mong manh. Chẳng hạn ông khen “tả cảnh thanh minh như vẽ”, tả cảnh sắc mộ Đạm Tiên “trong chiều tà, lời lẽ rất linh động”; hoặc khen câu tả Thuý Kiều sực tỉnh sau giấc mộng gặp Đạm Tiên: “Trang Sinh hoá làm bươm bướm chăng? Hay là bươm bướm hoá làm Trang Sinh? Mơ màng thực là kỳ diệu!”.

Tuy vậy hai nhà phẩm bình dành nhiều ý tứ hơn trong phần này là ở những đoạn miêu tả những gì liên quan đến tâm lý nhân vật. Hầu như hai ông đã khơi gợi đến khá nhiều chỗ mà sau này các nhà nghiên cứu hiện đại quan tâm, ví như tình huống lúc trao duyên, những lần Kiều nhớ nhà, nhớ Kim Trọng, cảnh chia tay với Thúc Sinh, cảnh đoàn viên và năm lần Kiều đánh đàn. Điều rất lý thú là ý kiến của hai ông rất gần gũi với nhiều nhà bình luận, học giả thời nay. Ví như bình đoạn Nguyễn Du tả Kiều Một mình nương ngọn đèn khuya, nghĩ đến việc lỗi hẹn với Kim Trọng sau khi đã thuận giá bàn mình cho Mã Giám Sinh, nhà phẩm bình viết: “Việc đại hiếu đã xong mới nhớ đến tình. Tác giả miêu tả cái chí của liệt nữ thật có đầu mối. Nếu luận về văn tự, mấy lời ấy đều là lệ máu rưới thành, tiếng khóc và nước mắt cùng trào ra một lần”. về sau, khi ở lầu Ngưng Bích, người đầu tiên Kiều tưởng nhớ cũng là Kim Trọng mà không phải mẹ cha. Điều ấy có vẻ như trái với đạo hiếu, nhưng nhà phẩm bình đã tỏ ra thấu tình đạt lý: “Đây là lúc mới vào thanh lâu cho nên khi nhớ tưởng, Thuý Kiều liền khẩn thiết nghĩ đến người chung tình rồi sau mới đến việc khác. Đó là lẽ tự nhiên của tình ý con người và cũng là chỗ cân nhắc của tác giả. Hãy xem từ đây vế sau Thuý Kiều mỗi khi nhớ đều hiếu trước tình sau, chỉ một chỗ này việc thề ước được tưởng nhớ đến trước. Đây cũng là chỗ suy nghĩ tinh tế của tác giả”.

Những nhà bình luận Truyện Kiều không ai có lướt bỏ qua những câu thơ rất diễm lệ Nguyễn Du tả cuộc chia tay của Kiều và Thúc Sinh, có người còn nghĩ chàng Thúc không đáng được đặt vào trong một khung cảnh không gian và thời gian đẹp đến như thế. Một trong hai nhà bình luận, Nguyễn Lượng hoặc Vũ Trinh, cũng rất khen ngòi bút của Nguyễn Du trong đoạn miêu tả này: “Mấy chén rượu biệt ly, mấy câu tình biệt ly, đều là những giọt lệ biệt ly nhuốm thành, tấm lòng biệt ly tả nên. Một thiên phú biệt ly, một bức tranh biệt ly, không thể nào phân ra mà xét được. Nó sánh ngang với một thiên phú biệt ly”... Phẩm bình chung về những đoạn tả cảnh thương nhớ, tả tình ly biệt, người phẩm bình viết: “Chỗ tả biệt ly, chỗ tả thương nhớ, tất cả có năm ba chỗ mà mỗi chỗ một cách, không có chỗ nào trùng lặp giống nhau. Thật là một bậc cao thủ trong kho tàng văn chương vô tận".

Riêng những nhận xét về nghê thuật miêu tả tiếng đàn của Kiều, ý kiến hai nhà phẩm bình cũng khá đẩy đủ và sâu sắc. Có những chỗ nói về những điều dễ cảm, dễ thấy, đại loại như: “Mỹ nhân dưới đèn, tiếng đàn khêu gợi, làm sao cầm lòng cho được. Tình cảnh thật sống động” (bình đoạn Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe trong đêm thề ước), hoặc: “Gió tủi mưa sầu, tơ buồn tiếng não thì tưởng rằng đương lúc ấy máu và âm hưởng tiếng đàn ở năm đầu ngón tay của Thuý Kiều đều do ngòi bút tuyệt khéo của tác giả từ trong tâm huyết tả ra”(bình đoạn tả Kiều đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến), hoặc: ‘Tả Kiều đánh đàn tất cả năm chỗ. Cả bộ sách lấy đàn mở đầu và kết thúc bằng đàn, mỗi chỗ một tình thái riêng, thật khó, quá khó, có được ngòi bút như thế!”. Ngoài ra, với ưu thế là người cùng thời với Nguyễn Du, có sự am tường âm nhạc cổ đại, hai nhà phẩm bình đã có một số ý kiến trực tiếp bình về nghệ thuật âm nhạc, một điếu không phải thế mạnh đối với các nhà bình luận Truyện Kiều hiện đại. Một lần bàn về nghệ thuật tả tiếng đàn của Kiều trong đêm thề nguyền nàng chiều lòng Kim Trọng mà So dần dây vũ dây văn: “Dẫn cung, khắc vũ, dương thương, khích chuỷ" (cung kéo dài, vũ gấp gáp, thương dâng cao chủy khích liệt), tả hết cái diệu kỳ của thanh âm. Chẳng cần về sau lại có mấy chương, lời văn kỳ diệu nói về chuyện nghe đàn, thật là cái tài làm cho người ta kinh ngạc, cái khéo tuyệt kỳ!”. Có vẻ như các nhà phẩm bình không chỉ cảm tiếng đàn qua những hình tượng so sánh, ám dụ mà các ông “nghe" hiểu được sự diệu kỳ của khúc nhạc qua những gợi tả của Nguyễn Du. Lần sau cũng lại là tả khúc đàn Kiều dành cho Kim Trọng nhưng là khúc đàn cuối cùng trong đêm hội ngộ: “Đoạn này phiên ý bài thơ

Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn làm thanh điệu tiếng đàn của Kiều, cũng tự có ý không tục”.

Trong cuốn Văn chương Truyện Kiều Nguyễn Bách Khoa đã dẫn một đoạn bình luận dài của Phan Kế Bính trong sách Việt Hán văn khảo soạn năm 1918: “Xem toàn quyển truyện không có một tiếng nào là tiếng đục, không một câu nào là câu non. Giọng văn nhẹ nhàng, ý tứ lưu loát, tá dụng những điển tích cũng tài mà nhất là những chỗ tả cảnh tả tình, tình cảnh nào như vẽ ra tình cảnh ấy... Lại như những chỗ tả ngón đàn mỗi chỗ tả một khác mà chỗ nào cũng thần tình, những chỗ tả lòng thương nhớ mỗi đoạn tả một tứ mà tứ nào cũng não nùng. Nói rút lại thì trong toàn thiên chữ nào cũng êm, câu nào cũng thoát, đoạn nào cũng dồi dào ý tứ, tả đến tinh thần, nhời thì nhẹ nhàng mà ý thì bát ngát, càng đọc càng thấy hay, càng nghe càng thấy thú, không khi nào chán tai được. Thực là văn chương tuyệt phẩm của nước Nam ta”. Theo ông, đây là “cái óc thưởng thức văn chương rất hiện đại” được các nhà khảo cứu hiện đại sử dụng mãi cho đến giữa thế kỷ XX, từ Bùi Kỷ cho đến Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim... Nguyễn Bách Khoa dẫn những lời phê bình của các nhà khảo cứu thế kỷ XX để chê rằng các ông chỉ mới chú trọng về “kỹ thuật làm văn” và muốn giới thiệu một phương pháp phê bình khác theo quan điểm duy vật... Những vấn đề đó không thuộc phạm vi quan tâm của bài viết này nhưng qua nhận xét của Nguyễn Bách Khoa có thể thấy các nhà khảo cứu đầu thế kỷ XX còn rất gần gũi và như vẫn nối tiếp cách phẩm bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng. Có thể nói Vũ Trinh và Nguyên Lượng đã nghĩ ngợi và “chạm” tới những vấn đề nghệ thuật khá quan trọng và lý thú mà các nhà Kiều học hàng trăm năm sau cũng không thể không bàn bạc tới. Được biết trong bản Truyện Kiều của Kiều Oánh Mậu có rất nhiều lời bình, nhưng chúng chưa được dịch, công bố. Từ những ý kiến của hai nhà phẩm bình họ Vũ họ Nguyễn có thể thấy rằng nếu tất cả những lời phẩm bình của người xưa được khai thác, chắc chắn chúng có thể giúp ích rất nhiều không những cho việc nghiên cứu kiệt tác Đoạn trường tân thanh mà còn cả về nhiều vấn đề của lý luận văn học, phê bình văn học thời trung đại.