Trong những năm gần đây, nhiều người đã đi sâu vào thơ  chữ Hán   của Nguyễn Du. Từ Hoài Thanh, Xuân Diệu, đến Trương Chính, Nguyễn Huệ Chi  người sau cố gắng bước thêm một tí so với người trước, nhưng nói chung, mỗi người đều có phần phát hiện, đóng góp của mình vào việc khẳng định cái giá trị nhiều mặt của phần thơ chữ Hán quý giá đó, trong toàn bộ sự nghiệp thì cả của nhà thơ ưu  tú vào bậc nhất của dân tộc.

Một điểm thống nhất giữa những người nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du là hầu như đều muốn qua thơ chữ  Hán, tìm hiểu tâm sự của Nguyễn Du. Điều này hoàn toàn đúng. Trong sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du thì  thơ chữ Hán là phần nhà thơ giãi bày tâm sự của mình trực tiếp nhất Cố nhiên, nói đến tâm sự ở đây không chỉ có nghĩa là làm một việc đối chiếu tỉ mỉ giữa những sự kiện « éo le » trong cuộc đời thực của tác giả, với những điều gửi gắm trong thơ. Làm một việc như thế là cần thiết rồi, nhưng còn phải làm hơn thế nữa. Nghĩa là phải tìm cho được những thái độ, những phản ứng của Nguyễn Du trước mọi cảnh ngộ của cuộc đời, nói cách khác, tìm hiểu nhân sinh quan — tìm hiểu tâm hồn của Nguyễn Du. Trong bài tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nguyễn Huệ Chi đã viết:  Thơ chữ Hán Nguyễn Du... khắc họa cái hình ảnh của chính Nguyễn Du, một hình ảnh rất động trước mọi biến cố của cuộc đời. Và tác giả đi tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du như « một hình tượng nghệ thuật tự họa», bên cạnh ba loại hình tượng nhân vật có ý nghĩa điển hình khác. Góp thêm vào phát hiện đó, trong bài này, tôi cũng xin tìm thêm một vài cạnh khía, trao đổi thêm một vài điểm, để làm sáng rõ hơn chút nữa cái hình tượng nghệ   thuật tự họa đặc sắc của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán.

Cái cảm tưởng chi phối tất cả, bao trùm tất cả trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là một nỗi buồn, nỗi chán chường vô hạn về cuộc đời nói chung và về cuộc đời của bản thân nhà thơ. Trần Văn Giàu viết: « Một tầm trạng buồn man mác bao trùm toàn bộ các tác phẩm chính của Nguyễn Du». Nguyễn Huệ Chi cũng viết: « Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đằng sau hình ảnh của chính Nguyễn Du với cõi lòng ủ ê tê tái, với cá tính rõ mồn một... ».

Nhưng do đâu mà có nỗi buồn sâu sắc ấy? Và thực chất cái buồn ấy khỏe, yếu như thế nào? Đó quả là việc đầu tiên cần tìm hiểu. Nói về những nhà thơ lãng mạn phương Tây, ta thường nhắc đến những mối " buồn vô cớ". Buồn vô cớ ở đây có nghĩa là buồn không có cớ trực tiếp. Nhưng thực ra nó vẫn có lý do sâu xa trong tâm hồn của nhà thơ. Nguyễn Du cũng có cái buồn có vẻ như vô cớ ấy. Cả tâm hồn, cả thơ của Nguyễn Du tỏa ra cái hơi buồn ấy. Ngay từ bài thơ đầu của tập Thanh Hiên, ông đã viết:

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên

( Quỳnh hải nguyên tiêu)

(Đầu bạc thường bực vì ngày tháng trôi mau).


Chưa đầy 30 tuổi, Nguyễn Du đã nói đến đâu bạc, và luôn luôn nói đến đầu bạc trong thơ chữ Hán ,của ông như là nói đến mệnh bạc trong Truyện Kiều sau này. Một mối hoài riêng trong trăm mối u hoài chung tràn ngập tâm hồn Nguyễn Du.

Trù trướng lưu quang thôi bạch phát,
Nhất sinh u tứ vị tằng khai.


(Thu chí)

(Bùi ngùi  về  nỗi thời giờ thấm thoắt làm cho tóc chóng bạc,
Suốt đời mối u sâu chưa hề gỡ ra).


Trong bài Bát muộn (xua nỗi buồn) Nguyễn Du lại viết:

Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ,
Bách chủng u hoài vị nhất sư.
(Đêm thu sáng, cá rồng lặng lẽ.

Trăm mối u hoài chưa dẹp được)

Bạn bè của Nguyễn Du thường trách Nguyễn Du sao lúc nào cũng buồn:

Tri giao quái ngã sầu đa mộng.
(Gác bạn thân trách ta sao hay buồn và hay mơ mộng)


Nguyễn Du buồn không phải chỉ vì Nguyễn Du, mà buồn về những điều trông thấy, buồn vì những nỗi đau khổ của cả loài người từ xưa đến nay.
 

Bách niên đa thiểu thương tâm sự
(Giang đình hữu cảm)
(Cuộc đời trăm năm có biết bao nhiêu chuyện thương tâm).

Kim cổ nhàn sầu lai túy hậu

(Dạ tọa)

(Khi say, nghĩ chuyện cổ kim mà buồn man mác)
Kim cổ nhàn sầu bất trú lưu
(Đồng lung giang)
(Mốt sầu man mác kim cổ trôi theo dòng nước không ngừng)
 Vô cùng kim cổ thương tâm xứ


(Mạn hứng II)

(Nơi gợi bao nhiêu chuyện kim cổ hết sức đau lòng)


Cái buồn man mác, cái buồn bất diệt ấy của Nguyễn Du không phải là cái buồn vô cớ. Đau khổ là số phận chung của loài người dưới con mắt của Nguyễn Du. Tất nhiên là Nguyễn Du không hiểu được   nguyên nhân sâu xa của những đau khổ ấy, sự đàn áp, bóc lột của giai cấp phong kiến thống trị. Nguyễn Du chỉ thấy từ xưa xã hội có người giàu người nghèo ; người ăn chẳng hết, người lần chẳng ra; có người quyền thế và người hồn yếu; có người độc ác và số người này thì  rất đông, bọn giàu có quyền thế thì phần nhiều là độc ác, chúng gây ra đau khổ cho loài người, còn những người đau khổ thì không có ai thương, cũng như không ai thương những người " bạc mệnh " :

Thiên hạ hà nhân tiên bạc mệnh

(Điều La-thành ca giả)


Chỉ họ thương lẫn nhau như Nguyễn Du đã thương họ vi cùng chung một phận với họ. Chúng ta đều đã đọc những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du,nói lên sự đau khổ của những người dân nghèo, những người ca kỹ, những vong hồn « thập loại chúng sinh » lang thang trong cái đêm " trường dạ "; bản thân Nguyễn Du cũng là một tâm hồn sống lang thang, suốt đời ăn nhờ, ở đậu; Nguyễn Du luôn luôn nhắc đến cảnh sống lưu lạc, bơ vơ ấy, thiếu thốn về vật chất, cô đơn về tinh thần.

Trú cửu đốn vong thân thị khách

(U cư I)


(Ở trọ lâu ngày quên bẵng mình là khách).
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia

(U cư II)


(Đầu bạc bơ phờ ở nhờ nhà người)

Lữ thực giang tân hựu hải tân

(Mạn hứng 1)


(Hết ăn nhờ ở miền sông lại đến miền bể)
Kỹ lữ đa niên đăng hạ lệ
(Xuân dạ)


(Ở đất khách lâu năm ngồi dưới đèn những rơi lệ)
Đạp biến thiên nha hựu hải nha
Càn khôn tùy tại tức vi gia


(Tạp ngâm)

(Đi khắp chân trời lại đến góc biển
Trong khoảng trời đất đến đâu là nhà đó)

Tha hương bạch phát lão bất tử
(Đồng lư lộ thượng)

(Ở đất khách đầu đã bạc, mãi vẫn không chết).


Trong văn học phương Tây, ta thường thấy nhắc đến hình ảnh những văn nghệ sĩ sống lang thang, sống cuộc đời « bộ-hem » (bohême). Chính những tâm hồn lang thang ấy, đau khổ ấy, như bị cả cái xã hội, cả cái chế độ thống trị xua đuổi, gạt bỏ họ, họ đã thương yêu nhau và lấy đau khổ là ra một cái dấu hiệu để liên hệ, đoàn kết, an ủi lẫn nhau, thậm chí họ lấy đau khổ làm phẩm chất cao quý của con người trong xã hội  tàn bạo, bóc lột.

Chúng ta đã biết thái độ của Nguyễn Du đối với những người nghèo khổ, đau thương. Muốn hiểu thêm bản chất của Nguyễn Du thiết tưởng nên tìm hiểu thái độ của nhà thơ đối với chế độ thống trị, đối với giai cấp thống trị, tôi muốn nói đối với cái triều đại vua chúa và đối với cái tầng lớp quan lại, chân tay của bọn vua chúa, mà chính bản thân Nguyễn Du cũng là một đại biểu trong một thời gian. Đặc biệt về vấn đề này nhiều nhà nghiên cứu đã có ý kiến: thái độ của Nguyễn Du đối với các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Ở đây, tôi không nhắc lại ý kiến của các nhà nghiên cứu từ xưa tới nay. Tôi chỉ nhắc một ý kiến của đa số những nhà nghiên cứu, dựa vào gia phả của họ Nguyễn Tiên điền, cho rằng Nguyễn Du muốn khôi phục nhà Lê, chống lại Tây Sơn và cuối cùng đi theo nhà Nguyễn. Ông Nguyễn Khánh Toàn cũng nhận xét như vậy nhưng còn có phần dè dặt và tỏ lòng thương xót nhà thơ. Ông viết: « về những sự việc đó có nhiều  uẩn khúc mà chúng ta còn cần phải tiếp tục đi sâu tìm hiểu hơn nữa. Song căn cứ vào những cái gọi là bằng chứng trên giấy tờ, về hình thức thì những sự việc đó dù sao cũng để lại một vài vết thương trong cuộc sống của một nhà thơ đã trải qua nhiều đau khổ và đã cố tìm cho mình một hoài bão" (Diễn văn kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Nguyễn Du).

Muốn tìm hiếu vấn đề này, tôi nghĩ cần phân biệt hai mặt: một là ý thức hệ do giai cấp phong kiến thống trị từ ngàn năm đã giáo dục cho nhà thơ và đã thấm vào tiềm thức của nhà thơ; hai là ảnh hưởng của thực tế xã  hội, thực tế « những điều trông thấy » đối vời tâm hồn của Nguyễn Du. Chúng ta nhất trí với nhau là Nguyễn Du bình thường không vượt ra ngoài ý thức hệ phong kiến, nhưng cái bản chất nhân đạo, thương người của Nguyễn Du đã nhiều lần, hay luôn luôn cho Nguyễn Du thấy rõ những bất công, những tàn bạo xấu xa, đầy rẫy trong xã hội phong kiến và làm cho Nguyễn Du phẫn uất. Mỗi lần như thế, Nguyễn Du lại đứng về phía những người đau khổ, oan ức, và có những ý nghĩ chống đối lại cái thực tế xã hội, cái lễ giáo phong kiến, mặc dầu sự chống đối ấy không đưa nhà thơ tới được những quan niệm dân chủ, những thái độ bạo lực như là đã thấy ở trong một số người có tư tưởng tiến bộ dưới chế độ  phong kiến như nhà thơ Cao Bá Quát hơn nửa thế kỷ sau.

Bây giờ, ta hãy bàn về thái độ của Nguyễn Du đối với nhà Lê và đối với Tây Sơn. Gia phả họ Nguyễn. Tiên-Điền về điểm này thi rất dứt khoát. Nhưng tôi thiết nghĩ gia phả đó đã được những người sống sau Nguyễn Du viết, khi nhà Nguyễn đã thống trị hoàn toàn cả nước. Người viết gia phả khó tránh khỏi xa hướng muốn gán cho Nguyễn Du những tư tưởng chống Tây Sơn quyết liệt. Sự thực có hẳn như thế không? Sự thực thì Nguyễn Du chưa có hành động gì chống Tây Sơn. Gia phả cũng chỉ viết: « Nguyễn Du toan... » nếu Nguyễn Du muốn thực sự chống Tây Sơn sao không đến với anh là Nguyễn Quýnh đang dùng võ lực chống Tay Sơn. Trái lại có những hành động của Nguyễn Du, có những lời thơ của Nguyễn Du chứng tỏ ngược lại rằng Nguyễn Du không hẳn coi Tây Sơn là thù hay không phải lúc nào cũng coi Tây Sơn là thù. Trong bài thơ Vị hoàng doanh ở tập Thanh Hiên, Nguyễn Du viết những câu thơ làm chúng ta phải suy nghĩ:

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc
Mạc kiến Thanh-hoa thôn khẩu vọng
Điệp sơn bất cải cựu thời thanh
(Xưa nay chưa  trông thấy triều đại nào đứng vững ngàn năm
Thôi đừng nhìn về phía Thanh-hoa nữa


Dãy núi Điệp-sơn vẫn không thay đổi vẻ xanh tươi).

Bài thơ này Nguyễn Du làm sau khi Tây Sơn đã đánh bại quân Lê — Trịnh và tiến ra Thăng-long. Theo Nguyễn Du thì nhà Lê đổ cũng không phải là một điều gì trái ngược với việc đời. Còn hai câu cuối của bài thơ thì Nguyễn Du muốn nói gì khi bảo thôi đừng nhìn về phía Thanh-hoa nữa? Nguyễn Du có ý muốn chỉ nơi dấy nghiệp của nhà Lê chăng? Tôi không dám khẳng định. Nhưng nguyên một câu Cổ kim vị kiến thiên niên quốc cũng có thể cho ta hiểu rằng Nguyễn Du thừa nhận sự sụp đổ của nhà Lê một cách dễ dàng, tuy hẳn có đau xót phần nào. Một mặt khác thì sau khi Nguyễn Nễ ra làm quan với Tây Sơn ở ngoài Bắc, Nguyễn Du từ Thái-bình đã lên Thăng-long thăm anh ở nhà anh, nghĩa là gần gụi với quan lại của Tây Sơn mà trong bài Long-thành Cầm giả ca, Nguyễn Du đã gọi là " Tây Sơn thần " và ca ngợi cái hào hoa của họ :

Hào hoa ở khí lăng vương hầu
(Vẻ hào hoa át cả các bậc vương hầu)


Chúng ta không quên rằng Nguyễn Quýnh, một người anh khác mẹ của Nguyễn Du đã bị Tây Sơn giết. Chả lẽ Nguyễn Du lại chóng quên cái thù ấy như thế sao, nên thực sự Nguyễn Du có tư tưởng cương quyết chống Tây Sơn ? Rồi khi Nguyễn Nễ được Tây Sơn bổ vào làm việc ở Phú-xuân trong Cơ mật viện thì Nguyễn Du lại vào Phú-xuân chơi với Nguyễn Nễ. Và khi Nguyễn Nễ vào Quy-nhơn làm Hiệp tán quân vụ của Tây Sơn thì Nguyễn Du lại làm thơ họa thơ của Nguyễn Nễ. Tôi liếc rằng không có bài thơ này của Nguyễn Du. Nếu thực Nguyễn Du coi Tây Sơn là thù thì hắn phải có thái độ khác đối với Nguyễn Nễ và chắc là không muốn sống chung đụng với quan lại của Tây Sơn. Thêm vào đó, nếu đọc lại bài Long-thành cẩm giả ca — bài này làm khi Nguyễn Du bắt đầu đi sứ Trung-quốc, nghĩa là khi đã ra làm quan với nhà Nguyễn —thì sẽ không thể không băn khoăn trước một thái độ rất khó giải thích cặn kẽ của Nguyễn Du đối với Tây Sơn, trong những câu thơ:

Thành quách say di, nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải.
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,
Ca vũ không di nhất nhân tại
(Thành quách đổi dời, việc người cũng khác
Bạc miền nương dâu trở thành biển cả
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết
Mà chỉ còn sót lại một người trong làng ca múa)


Tiếc nuối hay là mỉa mai mà nói những lời chua xót như thế ? Không phải không có lý do mà trong vấn đề này, Hoài Thanh đã viết: " Khó có thể nói nỗi niềm tưởng nhớ ở đây chỉ có tưởng nhớ nhà Lê. Thế là nghĩa thế nào ? Đi theo nhà Nguyễn nhưng lại nhớ tiếc nhà Lê mà có khi tưởng như còn nhớ tiếc nhà Tây Sơn nữa". Tôi cũng thiên về ý kiến của Hoài Thanh hơn là ý kiến cho rằng đoạn thơ trên đây mang dụng ý mỉa mai nhà Tây Sơn. Bởi vì, nói gì thì nói, chỉ nội một việc nhắc đến cơ nghiệp của nhà Tây Sơn, và coi Tây Sơn cũng là một triều đại đường hoàng như triều Lê, triều Nguyễn, cũng đã là một cách nhìn khác xa bọn sứ gia phong kiến thế kỷ XIX rồi.

Còn thái độ của Nguyễn Du đối với nhà Nguyễn thì nhận định như thế nào ? Không kể điều mà Đại Nam chính biên liệt truyện đã chép: «Đối với nhà vua thì ông chỉ giữ hết bổn phận chứ không nói năng điều gì. Có khi vua đã quở rằng: Nhà nước dùng người, ai giỏi thì cất lên, không hề phân biệt người Bắc người Nam. Khanh và Ngô Vị đã được trẫm biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức Tham tri, biết điều gì cứ nói để làm hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè sợ sệt , chỉ dạ dạ vâng vâng thế thôi ? ».

Ta còn thấy trong bài Ngẫu hứng (V), tập Nam Trung tạp ngâm, Nguyễn Du viết:

Hữu nhất nhân yên lương khả ai,
Phá y tàn lạp sắc như hôi.
Tị nhân đãn mịch, đạo bàng tẩu,
Tri thị Thăng-long thành lý lai
(Có một người kia thật đáng thương,
Áo rách nón cời, sắc mặt đen xạm như tro.
Lánh người, chỉ tìm bên đường mà đi,
Biết đó là người  từ thành Thăng-long mới về
).

Người đó là ai ? Là một người nào đó và cũng có thể là Nguyễn Du. Nguyễn Du có tiếc, có chán vì đã ra làm quan với nhà Nguyễn không?  Cũng không hẳn là không tiếc và không chán.

Muốn trả lời câu hỏi của ông Hoài Thanh về thái độ không rõ rệt cua Nguyễn Du đối với các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn, tôi thiết nghĩ trước hết phải tìm hiểu thái độ của Nguyễn Du đối với các triều đại phong kiến nói chung, đối với vua quan phong kiến như trên tôi đã nói. Về ý thức hệ thì Nguyễn Du thừa nhận chế độ phong kiến, trật tự phong kiến và không tưởng tượng có thể có một chế độ khác. Nhưng về những con người đại -diện cho chế độ ấy thì Nguyễn Du phân biệt rõ rệt, yêu những người tốt và ghét những người xấu, theo tấm lòng nhân đạo, nhân nghĩa của mình.

Yêu, ghét của Nguyễn Du chính là ở chỗ này. Chế độ phong kiến đáng yêu hay đáng ghét, triều đại này hay triều đại kia đáng yêu hay đáng ghét là ở những con người đại diện cho nó, còn thái độ đối với triều đại này triều đại khác nói chung, thì chỉ là chuyện phụ. Nguyễn Du ca ngợi những người trung nghĩa, nhưng những người này là số ít. Không phải vì Nguyễn Du ca ngợi những người trung nghĩa mà ta bảo rằng Nguyễn Du thiết tha với chế độ phong kiến, hay với một triều đại phong kiến nào. Ngược lại, trong con mắt của Nguyễn Du khi nhìn vào thực tế, con mắt sáng suốt cùa nhà thơ, thì bọn vua quan phần lớn là xấu, chúng chỉ gây tai họa, đau khổ cho nhân dân, điều này thật là rõ rệt trong phần thơ chữ Hán. Nguyễn Du cho rằng ra làm quan —nghĩa là đứng vào hàng ngũ của giai cấp phong kiến—là mất cả phẩm chất tốt của con người rồi và mình không còn là mình nữa. Cuộc đời làm quan là một cuộc đời buồn bực, xấu xa. Trong bài Ngẫu thư công quán bích (Ngẫu nhiên đề trên vách nhà công), Nguyễn Du viết:

Nhân ỷ  thiên nhai trệ nhất quan.
(Người lần lữa bên trời vì  một chút quan)


Khi bắt đầu ra làm quan với nhà Nguyễn ở ngoài Bắc, Nguyễn Du đã than thở:

Thái phác bất toàn chân, diện mục
(Ký hữu)

(Viên ngọc trong đá không giữ vẹn được bộ mặt thực nữa)
Và ví minh với một con ngựa đã bị gọt móng, xén bờm:
Khắc lạc thiên chân thất mã đề
(Ngẫu hứng)
(Xuyên tạc thiên chân làm mắt bản chất mã đề)


Trong bài Tân thu ngẫu hứng, Nguyễn Du cồn dứt khoát hơn :


Thử thân dĩ tác phàn lung vật,
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du.
(Thần này đã là vật trong lồng cũi

Còn tìm đâu được một đời phong khoáng tự do nữa).


Trong bài Dạ tọa, Nguyễn Dụ viết:


Bạch đầu sở kể duy y thực.
(Đầu bạc chỉ mải lo chuyện cơm áo).

Làm quan cũng chỉ là chuyện cơm áo mà thôi. Nó làm lụy đến người, bắt người ta phải nhẫn nhục trước cả những nha lại:

Sự lai đồ lệ giai kiêu ngã
(Khi có việc bọn nha lại đều lên mặt với ta).


Khi đi sứ Trung-quốc, qua mộ Liễu Hạ Huệ, Nguyễn Du làm bài thơ tưởng nhớ khí tiết và lời nói của Liễu mà Nguyễn Du thán phục:

Sự nhân trực đạo ninh tam truất.
(Lấy đạo ngay thờ người, cam chịu ba lần bị truất)


Nguyễn Du một  lần nữa khẳng định rằng cuộc  đời quan lại khó  mà giữ được lòng ngay  thẳng, mà giữ lòng ngay thẳng  như Liễu Hạ Huệ  thì bất  cứ  ở đâu, phụng sự triều đại nào, cũng bị truất  ba lần mà thôi.

Trên cơ sở một số dẫn chứng về những hành động và tư tưởng trên đây của Nguyễn Du, tôi nghĩ, có thể rút ra kết luận rằng đối với Nguyễn Du, chế độ phong kiến, vua quan phong kiến là xấu, Nguyễn Du không yêu chế độ ấy, tuy rằng ông không tưởng tượng có thể có một chế độ nào khác tốt hơn. Cho nên ông chán ghét cuộc đời làm quan nói chung, dù làm quan  với nhà Nguyễn hay làm quan với  nhà Lê, dù làm quan ở Việt-nam hay ở Trung-quốc, làm quan đời này hay làm quan đời xưa.

Nguyễn Du có nhớ tiếc nhà Lê không? Tất nhiên là có. Nhà Lê là một triều đại đã có công lúc đầu giải phóng đất nước, có vua thánh như Lê Thái Tổ và tôi hiền như Nguyễn Trãi mà Nguyễn Du hết sức khâm phục. Ta hãy xem bài Kỳ lân mộ trong Bắc hành tạp lục :

Nhược đạo năng vi thánh nhân xuất
Dương thế hà bất Nam du tường ?
(Nếu bảo vì thánh nhân mà kỳ lân xuất hiện,
Buổi ấy sao không sang dạo chơi phương Nam?)
Phương Nam lúc bấy giờ có Lê Lợi và có Nguyễn Trãi.


Nhưng tiếc nhà Lê cũng là tiếc vậy mà thôi, vì chế độ phong kiến vẫn là chế độ phong kiến và nhân dân lúc nào cũng đau khổ, vua quan vẫn tàn bạo và cuối cùng Nguyễn Du cũng tự an ủi:

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc

Còn vì sao Nguyễn Du không ra làm quan với Tây Sơn ? Chắc cũng chỉ vì cái đạo « không thờ hai vua » chung chung thôi. Nguyễn Du có kính phục Nguyễn Huệ không?Tôi mạnh dạn suy luận rằng Nguyễn Du không thể không kính phục. Nguyễn Du, nhà thơ đã viết những câu thơ hào hùng về Từ Hải. Vả lại, cũng có thể nói rằng việc Nguyễn Huệ lấy Ngọc Hân công chúa cũng phần nào khiến cựu thần nhà Lê không coi Nguyễn Huệ là giặc, là thù nữa. Nhưng năm 1792 Quang Trung chết, uy tín của Tây Sơn ngày một giảm. Nguyễn Ánh đã nhờ viện trợ của quân Xiêm và của quân Pháp trở về chiếm lại Nam-bộ và Quy-nhơn. Cái động cơ gì đã xui Nguyễn Du vào thời gian này muốn vào Gia-Định? Việc Nguyễn Du bị bắt giam vào cuối đời Quang Toản chắc là có thật, nhưng nói rằng vì ông muốn chạy vào với Nguyễn Ảnh mà bị bắt giam thì còn là một vẫn đề căn bản. Như ở phần trên tôi từng nhấn mạnh và nhiều người cũng có ý kiến như  vậy đối với đoạn  văn ghi trong gia phả là đoạn văn được viết công khai dưới triều nhà  Nguyễn và lấy nhà Nguyễn làm triều  đại chính thống chúng ta không nên tin tất cả. Rất có thể trong quang cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ, một người lừng chừng như Nguyễn Du đã bị triều đình Quang Toản tình nghi, theo dõi, và bị bắt nhầm, vả chăng, sau khi Quang Trung chết, vì Quang Toản còn bé và người cầm quyền lại là viên thái sư vô tài Bùi Đắc Tuyên, cho nên triều đình cũng chia ra năm bè bẫy phải và chống lẫn nhau. Bởi vậy, không phải lúc bẫy giờ hễ ai bị Tây Sơn bắt cũng là chống Tây Sơn cả. Một sự thật là từ sau khi bị bắt giam mấy tháng rồi nhờ Nguyễn Nễ  xin hộ mà được tha ra có lẽ vào  đầu năm 1797, vì gia phả họ Nguyễn Tiên Điền viết: " Mùa xuân năm Bính thìn (1796) Nguyễn Du bị bắt giam " cho đến năm 1802, Nguyễn Du cũng không có hành động gì chống lại Tây Sơn và ủng hộ Nguyễn Ánh.

Về việc Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn, gia phả họ Nguyễn Tiên-Điền và Đại Nam chính biên liệt truyện mâu thuẫn với nhau. Gia phả chép: « Mùa hạ, tháng 6 năm Nhâm tuất (1802) vua Cao Hoàng (Gia Long) đi ra Nghệ-an, ông đón xe yết kiến vua và được đem thủ hạ đi theo ra Bắc. Mùa thu, tháng 8 năm ấy, ông được bố trí huyện Phù-dung (Khoái-châu)...». Còn Đại Nam chính biên liệt truyện thì chép khác: «Đến khi có lệnh gọi, không thể từ chối, ông bất đắc dĩ phải ra». Ta nên tin tài liệu nào?Dù sao, qua những dẫn chứng trên, ta cũng phải nhận ràng Nguyễn Du không phấn khởi gì, vui vẻ gì trong những năm làm quan với nhà Nguyễn. Trái lại, ông luôn luôn nghĩ đến việc về nhà nghỉ ngơi, tự do. Ta hầu như không thấy thơ chữ Hán của Nguyễn Du nói đến cái vui. Hầu hết thơ Nguyễn Du là buồn, chỉ trong một vài bài thơ nói đến cái mơ  ước về hưu, ẩn dật, uống rượu, đi săn, là có điểm một chút vui vẻ mà thôi.

Trên đây, tôi đã căn cứ vào một số bài thơ của Nguyễn Du và một số sự việc trong cuộc đời của nhà thơ, để trình bày một số ý kiến riêng về thái độ của Nguyễn Du đối với các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Những ý kiến ấy cũng chỉ là những ý kiến chủ quan của tôi, nhưng tôi thấy cũng cần phải nêu lên để góp một phần vào việc tìm hiểu Nguyễn Du, để những nhận định về tư tưởng nhà thơ mỗi ngày một tiến tới chỗ chính xác.

Khi phân tích nhân sinh quan của Nguyễn Du, nhiều nhà nghiên cứu thường nhắc đi nhắc lại thời đại của Nguyễn Du, nhưng tất cả lịch sử của chế độ phong kiến Trung-quốc và Việt-nam mà Nguyễn Du tiếp thu qua sách vở đã góp phần sâu sắc vào cái nhân sinh quan của Nguyễn Du, cái tâm hồn chán chường của Nguyễn Du. Cái chán chường, cái đau xót, cái thù ghét đối với " những điều trông thấy " luôn  luôn trở đi, trở lại trong thơ  chữ Hán của Nguyễn  Du như một điệp khúc  đau thương, một ám ảnh nặng nề.

Ở trên, tôi đã dẫn chứng nhiều bài thơ của Nguyễn Du, chỉ xin kể thêm một số:

Hương giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu

(Thu chi)


(Một mảnh trăng sông  Hương, gợi bao mối sầu kim  cổ)
Đối với Nguyễn Du, cả cuộc đời là  một trường gió bụi nhơ bẩn:
Thế lộ trần ai tin hỗn trọc
(Đào hoa đàm Lý Thanh Liên cựu tích)
(Đường đời đầy gió bụi, thật quả là dơ đục)

Trướng vọng hồng trần diêu vô tế
Bất tri nhật nhật thử trung hành
(Từ châu đê thượng vọng)
(Buồn trông áng bụi hồng mịt mù không bờ bến,
Đâu biết ngày ngày mình vẫn quanh quẩn trong ấy).


Bên cạnh những nỗi đau khổ của những người nghèo hèn hay người đạo đức, tài hoa, là cái tàn bạo độc ác của những kẻ giầu sang và quyền thế:


Ngoại lộ văn chương thể
Trung tàng sát phạt kỵ
(Khổng tước vũ)
(Bề ngoài có vẻ văn hoa tốt đẹp,
Nhưng bên trong giấu chất độc giết người).
Long xà quỷ vực biến nhân gian
(Ngũ nguyệt quan canh độ)
(Khắp cõi người đầy những rắn rồng quỷ quái).


Và đặc biệt là bài Phản chiêu hồn mà nhiều người trong chúng ta đều thuộc, nhiều bài viết đã trích dẫn.

Những dẫn chứng trên đây cho ta hiểu thái độ của Nguyễn Du đối với cuộc đời, một bên buồn chán, đau thương, một bên căm thù, uất ức. Nhưng bây giờ ta thử hỏi vì sao Nguyễn Du có cái thái độ ấy ? Nhiều nhà nghiên cứu bảo rằng đó là do Nguyễn Du đã tiếp thu cái hiện thực của xã hội và cái hiện thực xã hội ấy mạnh hơn là cái ý thức hệ phong kiến của Nguyễn Du. Nhưng ta lại thử hỏi: hiện thực khách quan là một mặt, nhưng có phải ai  cũng nhìn như Nguyễn Du, ai cũng có cái  thái độ như Nguyễn Du?

Tất nhiên là không. Tinh thần phải  như thế nào, tâm hồnphải  như  thế nào thì mới có cái nhìn sáng suốt, phân biệt rõ ràng tốt xấu, mới có tấm lòng yêu ghét dứt khoát ấy. Trong thơ, ta thường thấy Nguyễn Du nói đến cái " thông minh",cái «tĩnh» của con người và của bản thân Nguyễn Du:

Tam thập hành canh lạc xích thân
Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân


(Tự thán II)

(Tấm thân sáu thước đã ba mươi  tuổi rồi
Vì thông minh làm  xuyên tạc hại  đến tính trời).
Trong bài Đề mộ Lưu Linh, Nguyễn Du lại viết:
Hà tự thanh tinh khan thế sự,

Phù bình nhiễu nhiễu cảnh kham ai
(Sao bằng cứ tỉnh dễ xem việc đời,
Như những cánh bèo trôi giạt rất đáng thương)


Thông minh, tỉnh táo nên thấy rõ cuộc đời, nhưng thấy rõ cuộc đời thì càng đau khổ ; đau khổ mà vẫn muốn nhìn cho thấy.

Nhưng nếu chỉ có thông minh tỉnh táo không thôi thì vẫn không đủ để cảm thông sâu sắc với mọi nỗi đau khổ của người đời cũng như căm thù sâu sắc đối với tất cả những kẻ bạo tàn độc ác. Điều quan trọng là Nguyễn Du có một tấm lòng nhân đạo vô bờ bến, nó giúp Nguyễn Du cảm thông nhạy bén đối với mọi nỗi đau khổ, điều này thiết tưởng không cần phải chứng minh. Chúng ta ai cũng đã đọc những bài thơ bất hủ của Nguyễn Du như Long-thành cầm giả ca, Thái-bình mại ca giả, Sở kiến hành, Trở binh hành, Độc Tiểu Thanh ký, Vọng phu thạch, v.v... Nhưng tìm hiểu hơn nữa sẽ thấy cái trí tuệ sáng suốt ấy, cái tâm hồn nhân đạo ấy còn bắt nguồn từ một lý tưởng cao quý nó cũng nằm trong nhân sinh quan của Nguyễn Du: một sự mong ước, khát khao cái trong sáng, thanh thiết của tâm hồn, và luôn luôn vươn lên cái trong sáng, cái thanh khiết ấy bằng mọi cách.

Trên kia đã nói Nguyễn Du chán ghét cuộc đời làm quan vì làm quan thì không còn giữ được cái bản chất thanh cao mà Nguyễn Du muốn gìn giữ:

Bình sinh bất khởi thương đăng niệm,
Kim cổ thùy đồng bạch nghĩ ca

( Tạp ngâm)


(Bình sinh chưa hề có ý nghĩ của loài ruồi nhặng
Xưa nay ai lại chịu cùng chung tổ với mối)


Cũng như con hạc không thể chặt cho ngắn hai chân để sống chung với đàn gà:


Tinh thành hạc hĩnh hà dung đoạn?

(Tứ vịnh)


(Chân hạc dài là tự tính trời, cắt ngắn làm sao được?)
Nguyễn Du tự hào lòng mình trong sáng:
Trạm trạm nhút phiến tâm
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy


(Đạo ý)

(Tấm lòng trong vằng vặc,
Như ánh trăng sáng, như nước giếng xưa).
Trùng đàm thanh cộng chủ nhân tâm


(Tạp ngâm III)

(Nước đầm trong suốt giống lòng chủ nhân)
Và Nguyễn Du muốn giữ mãi cái trong sáng ấy:
Bắt dung trần cấu tạp thanh hư

(Ngọa bệnh)


(Không để bụi trần xen lấn vào cái trong sáng)
Nguyễn Du không lo vì cuộc sống gian khổ mà chỉ lo giữ sao cho tâm hồn trong sạch:
Bắt sâu cửu lộ triêm y duệ
Thả hỹ tụ my bất nhiễm trần.

(Da hành)


(Không lo đi lâu dưới sương áo bị thấm ướt
Hãy mừng mày râu không bị nhuốm bụi)


Cái tấm lòng trong sáng ấy của Nguyễn Du cũng là tấm lòng say mê đạo đức:

Văn đạo dĩ ưng cam nhất tử
Dâm thư do thắng vị hoa mang


(Điệp tử thư trung)


(Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam
Ham mê sách còn hơn mải miết vì hoa)


Chính tấm lòng khát khao đạo đức, khát khao sự trong trắng và lương thiện đã làm cho Nguyễn Du tìm thấy ở Khuất Nguyên và ở Đỗ Phủ cái hình ảnh của tiền thân của minh. Trong tập Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã viết năm bài thơ về Khuất Nguyên và hai bài thơ nói đến Đỗ Phủ với những lời đồng cảm thiết tha, sâu sắc:

Khuất Nguyên tâm, Tương giang thủy
Thiên thu vạn thu thanh kiến để
Vị tất cổ nhân tri hữu ngã
Nhãn trung Tương thủy không du du

(Biện Giả)


(Nỗi lòng Khuất Nguyên và nước sông Tương
Ngàn năm, vạn năm vẫn trong suốt thấy đáy
Vị tất người xưa đã biết có ta,

Trước mắt thấy dòng sông Tương lững lờ trôi đi)
Về Đỗ Phủ, Nguyễn Du đã viết:
Thiên cổ văn chương, thiên cổ sư,
Bình sinh bội phục vị thường ly
Dị đại tương liên không sai
(Lỗi-dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

(Văn chương ông lưu truyền muôn đời,
ông cũng là người thầy muôn đời.
Tôi bình sinh khâm phục ông không lúc nào rời.
Ông với tôi ở hai thời đại khác nhau,
thương nhau luống rơi nước mắt).

Trong các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một bông hoa mà Nguyễn Du đã nhắc đến, đó là bông hoa sen trong bài thơ năm đoạn tứ tuyệt ngũ ngôn Mộng đắc thái liên (Chiêm bao thấy  hái  sen).

Nguyễn Du yêu hoa sen nhưng yêu cả cuống sen nữa:


Cộng chi liên liên hoa,

Thùy giả liên liên cán.

Ký trung hữu chân ty,

Khiên liên bất khả đoạn.


(Ai cũng biết thích hoa sen,

Nhưng  mấy ai thích cuống hoa sen.

Trong cuống hoa sen có những sợi tơ bền

vẫn vương không dứt được).


Lòng của Nguyễn Du gắn bó với con người như những sợi tơ bền trong cuống hoa sen:

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Gắn bó với người xưa, người đồng thời và người mai sau, những con người thuộc những tầng lớp bị áp bức bóc lột, vì Nguyễn Du, về tư tưởng và tình cảm, trước sau vẫn thuộc về nhân dân, về những lớp người đau khổ. Chính điều đó đã cho Nguyễn Du cái lập trường, cái quan điểm đúng, cái nhận thức về bạn thù cũng như lòng yêu ghét khá là rành mạch — cái mà Nguyễn Du gọi là cái "thông minh" hay cái « con mắt tỉnh » trươcs cuộc đời. Trong văn học Pháp, ta cũng thấy một trường hợp tiêu biểu tương tự, đó là trường hợp của nhà văn hào Ban-dắc, một nhà văn theo chính kiến bảo hoàng nhưng lại nói lên được một chân lý của thời đại mình: " Chỉ còn lòng yêu nước ở dưới những chiếc sơ mi bẩn " (ý nói những người nghèo).

Với một tư tưởng cao quý, một trí tuệ thông minh, một tâm hồn chan chứa yêu thương, Nguyễn Du đã nói lên và đã nói được nỗi đau xót, tiếc thương, uất ức của tất cả những con người tài sắc, đạo đức đã bị vùi dập từ xưa, hơn nữa đã nói được cho mình và cho tất cả những người cùng chung số phận với mình lòng căm thù và khinh bỉ đối với những con ngươi  tàn bạo xấu xa trong xã hội phong kiến từ xưa cho đến thời đại của Nguyễn Du, và bất cứ ở đâu còn bọn người áp bức bóc lột. Đặc biệt đối với phụ nữ, tầng lớp bị xã hội phong kiến vùi dập nhiều nhất, Nguyễn Du vừa nói lên lời than thở muôn đời:

Đau đớn thay phận đàn bà

vừa nói lên lòng căm phẫn của chính Nguyễn Du và của tất cả giới phụ nữ đối với chế độ phong kiến và lễ giáo phong kiến :

Độc giao nhi nữ thiên di luân
(Vọng phu thạch)
(Riêng để phụ nữ giữ đạo luân thường)


Công lớn của Nguyễn Du và giá trị lớn của Nguyễn Du là ở chỗ ấy. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn trong bài diễn văn đọc ở buổi lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh của Nguyễn Du ở Hà-nội, đã viết: « Chúng ta kỷ niệm một nhân vật mà tâm hồn và những ý nghĩ đã chan hòa với tâm hồn và những ý nghĩ của biết bao con người trên trái đất từ khi xã hội loài người có áp bức và bóc lột. Nhân vật ấy đã mượn lời thơ để nói lên lòng đau xót của mình đối với số phận con người bị chà đạp ".

Tôi đã cố gắng qua văn thơ chữ Hán của Nguyễn Du tìm hiểu thêm tâm hồn của Nguyễn Du, một tâm hồn lạc loài trong xã hội phong kiến nhưng lại rất gắn bó với số phận đau khổ của con người bị chà đạp. Tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm tâm hồn của Nguyễn Du, một tâm hồn vĩ đại, một con người tuy chưa vùng lên được để chống lại và đạp đổ cái xã hội phong kiến thối nát tàn bạo, nhưng ở nhiều mặt đã tố cáo cho ta thấy sự thối nát tàn bạo ấy và nhất là đã truyền vào tâm hồn của chúng ta cái niềm xót thương vô hạn đối với những con người bị chà đạp và cả lòng căm thù sâu sắc đối với bọn người tàn bạo trong xã hội phong kiến, đối với giai cấp thống trị bóc lột nói chung, lòng thương xót và lòng căm thù mà nếu không có thì cũng không thể nào có cách mạng được. Nhưng trước hết tôi muốn góp một phần nhỏ — và có thể còn nhiều chủ quan — vào việc tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du, một con người cao quý nhưng đầy đau khổ. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của mỗi chúng ta, không phải chỉ là nhiệm vụ nghiên cứu văn học thuần túy để tìm hiểu chân lý mà còn là nhiệm vụ báo đáp công ơn một nhà văn vĩ đại của dân tộc, đã nói lên tiếng nói của loài người xưa kia bị giầy xéo và đi tìm sự giải thoát. Nhất sinh u tứ vị tằng khai, cái đau xót không gỡ ra được đó của Nguyễn Du, Nguyễn Du đã mong được người sau hiểu:
 

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Độc Tiểu Thanh kỷ)
 

(Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

Cũng giống như tâm sự một nhà thơ Pháp giữa thế kỷ XIX, cũng chán chường cái xã hội tư sản tàn bạo, cũng đau xót vì con người đau khổ, đã viết:


Hãy đọc ta để biết yêu ta,
Hỡi những tâm hồn thèm biết và xót xa,
Đang đi tìm một thiên đường chưa thấy,
 Hãy thương ta. .....

Làm thế nào để hiểu nỗi đau xót của Nguyễn Du khi còn sống và nỗi đau xót sau khi đã chết ? Ta đã hiểu Nguyễn Du chưa, hay còn chưa hiểu, hay lại hiểu sai câu hỏi làm cho lòng chúng ta băn khoăn và đau xót ! Một trăm năm mươi năm đã qua từ khi Nguyễn Du qua đời, chúng la đã cố hiểu tâm hồn của Nguyễn Du, nhưng còn bao nhiêu sự hạn chế chủ quan và khách quan làm cho chúng ta còn xa cách với cái tâm hồn cao quý đó. Ta hãy cố gắng mỗi ngày một gỡ dần những «uẩn khúc»mà đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đã nói, tìm lại những " sợi tơ bền " trong cái cuống sen gắn bó lòng Nguyễn Du với lòng của mỗi con người.