Gần hai trăm năm đã qua kể từ ngày Tố Như tạ thế. Trong số các tác giả văn chương Việt, chắc chắn rằng ông là người được “bầu chọn” nhiều nhất để làm tác giả hàng đầu. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu người đời đã viết về ông nhiều nhất trong số các tác gia Việt. Dường như, không một phương diện nào trong tiểu sử và sáng tác của ông còn là mảnh đất “ít người đào bới xới xáo”. Càng lùi về sau, những nghi lễ kỷ niệm, những hội thảo hội nghị để tôn vinh ông càng trở nên dày đặc hơn nhưng cũng dễ có nguy cơ trở nên nhàm chán hơn, bởi cứ gần đến những dịp như vậy, các bậc “trách nhiệm” lại nghiêng ngó tự hỏi/hỏi nhau: “Viết gì, nói gì bây giờ, viết gì, nói gì nữa đây”. Ngót hai trăm năm qua, người ta đã cắm được rất nhiều những cột mốc, bởi thế giờ đây việc nghiên cứu về ông trở thành nơi thách thức đối với những bậc “đại bút”.

Từ góc nhìn lịch sử văn hóa, bài viết này cố gắng làm mới lại đôi vấn đề đã cũ, trong đó có những chuyện đã được các nhà nghiên cứu lão thành thuộc các thế hệ tiền bối đề cập. Cụ thể, bài viết sẽ nêu ra để thảo luận lại ba vấn đề sau:

Thứ nhất, vấn đề lập trường chính trị của Nguyễn Du

Thứ hai, thái độ thực của Nguyễn Du đối với quan trường bấy giờ và hoạn lộ của chính mình.

Thứ ba, ứng xử của Nguyễn Du với các tôn giáo – tín ngưỡng đương thời.

Trên cả ba góc độ ấy, theo quan sát của chúng tôi, cho tới nay vẫn còn những ý kiến, những kiến giải khác nhau, vẫn còn những sự khác biệt “có tính nguyên tắc” cần thảo luận để đạt tới sự thống nhất tối thiểu, trước hết là trong giới học thuật, sau đó là trong những diễn ngôn đại chúng hóa, phổ thông hóa (sách giáo khoa, báo chí, sự phẩm bình… ).

1.Tìm hiểu sâu hơn thái độ và cách thế ứng xử của Nguyễn Du đối với các thế lực chính trị đương thời – câu chuyện “tâm trạng hàng thần lơ láo”

Chỉ với 56 năm tại thế, Nguyễn Du tận mắt chứng kiến không chỉ “một phen”, mà là “mấy phen” “thay đổi sơn hà”.

Đối với Nguyễn Du, biến cố chính trị lớn lao đầu tiên mà ông chứng kiến và lập tức ảnh hưởng đến số phận ông, hẳn chưa phải là sự sụp đổ của vương triều nhà Lê, mà là sự tiêu tan của cơ nghiệp nhà Chúa (Trịnh). Cần nói rõ hơn rằng, với họ Nguyễn Tiên Điền, phủ Chúa chứ không phải “triều đình” họ Lê, mới là địa chỉ gắn bó sâu nặng. Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), thân phụ Nguyễn Du, là người mở đầu cho truyền thống khoa giáp của dòng họ này, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) vào năm 24 tuổi (1731). Dõi theo hoạn lộ của Nguyễn Nghiễm, sẽ không khó nhận ra rằng trong khoảng 15 năm đầu, ông là một “triều quan” theo đúng nghĩa. Nhưng tới năm 1746, vừa được thăng hàm Hữu Tham tri bộ Công, tước Xuân Lĩnh hầu, ông “lọt mắt xanh” của nhà Chúa, được đặc cách thăng chức Bồi tụng. Những người nghiên cứu lịch sử lưỡng đầu chế thời Lê Trịnh đều biết, trong khoảng gần hai trăm năm tồn tại của ngôi Chúa, cấu trúc quyền lực của triều đình chia ra hai nhánh khác biệt nhau rõ rệt: phủ liêu và triều đình.Tuy về đại thể và trên thực tế, phủ Chúa mới là nơi nắm quyền hành thực sự, mới là nơi “ra quyết định” điều hành đất nước, nhưng cũng cần biết thêm rằng, trong hàng hai trăm năm đó, giữa phủ liêu của Chúa Trịnh với triều đình của họ Lê, thường xuyên và âm ỉ, dai dẳng mà bền bỉ tồn tại những mâu thuẫn, những xung đột quyền lực, chứ không đơn giản triều đình chỉ là nơi “chịu lép một bề”, chỉ biết làm mỗi một công việc là “ký tên đóng dấu” cho các quyết định được ban ra từ bên phủ Chúa. Lục phiên (hay lục khoa) lấn quyền lục bộ, nhưng về phương diện điển chế, lục phiên vẫn không phải là tiếng nói cuối cùng. Về mặt quan hàm, đứng đầu lục phiên bên phủ Chúa đều là những người có quan tước và phẩm trật chính thức kém hơn những người đứng đầu lục bộ bên phía triều đình, nhưng dễ hiểu rằng họ là những người được coi là có năng lực điều hành chính phủ đích thực, và một khi được sử dụng, họ có quyền lực thực tế hơn nhiều so với nhiều ông triều quan “mũ cao hơn, áo dài hơn” nhưng trọng lượng lời nói nhẹ hơn! Chính với thực tế đó mà rất nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay coi chức quan đứng đầu bên phía phủ liêu (Tham tụng) là tương đương chức Tể tướng. Trên thực tế, có nhiều người là Tham tụng bên phủ chúa khi “quy đổi” sang phía triều đình chỉ là tương đương Thượng thư, thậm chí có lúc thấp hơn, chỉ là Tham tri, tức Bộ trưởng hay Thứ trưởng thường trực. Bồi tụng, chức phó của Tham tụng, đương nhiên thấp hơn ít nhất một bậc nữa. Chức quan trước khi Nguyễn Nghiễm cáo lão về trí sĩ là Thượng thư bộ Hộ, Đại Tư đồ, Tham tụng, tặng Tiệp dinh tả tướng, tước Xuân Quận công.

Trong khoảng gần 30 năm, Nguyễn Nghiễm đã là “người nhà”, là người tâm phúc thân tín bên phía phủ Chúa. Mối “thâm tình” ấy lại được củng cố thêm bởi tình bạn “thanh mai trúc mã” giữa Trịnh Sâm với Nguyễn Khản, con trai cả của Nguyễn Nghiễm, anh cả Nguyễn Du. Nguyễn Khản là bạn chúa Trịnh Sâm (tình bạn này để lại những giai thoại đẹp!), thầy học của thế tử Trịnh Khải (Tức Trịnh Tông), trong thập kỷ 70 của thế kỷ XVIII có những thời điểm cùng cha giữ những vị trí trọng yếu bậc nhất của phủ liêu chúa Trịnh. Chính nhờ mối quan hệ “bền chặt” đó với phủ Chúa mà tuy là một trong những người chủ mưu của vụ án đảo chính năm Canh Tý (1780), trong khi những người đồng mưu khác đều bị khép án chết, Nguyễn Khản lại được Trịnh Sâm gần như tha bổng, chỉ giáng chức qua loa, để đến khi kiêu binh nổi loạn giết quận Huy, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Khải lên ngôi chúa thì Nguyễn Khản lại thăng tiến, vào năm 1783 làm đến Tham tụng. Vào thời kỳ này, loạn kiêu binh đã thực sự làm tan nát cơ đồ của họ Trịnh chứ không phải quân Tây Sơn. Do mất khả năng kiểm soát đám này, tư dinh của Nguyễn Khản cũng bị kiêu binh phá trụi.

Nguyễn Huệ, anh trai Nguyễn Nghiễm, bác ruột của Nguyễn Khản, Nguyễn Du, đỗ Tiến sĩ sau em vài năm, chưa kịp làm quan thì ốm chết. Chắc chắn là nhờ vào “uy tín” của em và cháu, mà về sau ông này được triều đình phong làm phúc thần. Ba người vợ của Nguyễn Nghiễm sinh hạ hơn mười người con trai, trong đó có người hết mức trung thành với phủ chúa, có người tận trung với phía triều đình vua Lê, nhưng cũng có người đã sớm theo Tây Sơn từ thời Nguyễn Hữu Chỉnh rồi Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc, không phải đợi đến khi Nguyễn Huệ làm cuộc đại chinh phạt đối với quân Thanh xâm lược và chính thức xóa sổ triều đình của ông vua cuối cùng của nhà Lê – Lê Chiêu Thống – người mà trong mắt quốc dân lúc bấy giờ đã chính thức trở thành kẻ bán nước, rước voi về dày mả tổ! Người anh cùng bố cùng mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Nễ chỉ trong có dăm năm đã trở thành Đông các Đại học sĩ của triều Tây Sơn, quan lộc hàng tam phẩm. Cũng nên nói thêm, chính ông này về sau lại “nhanh chân” theo Gia Long, cũng đã được Gia Long ưu ái tin dùng, nhưng lại bị những người bề tôi cố cựu của ông vua này nghi ngờ, phản đối, vì vậy mà có kết cục không đẹp, gần như bị bức tử khi về quê ở Nghi Xuân.

Lược điểm lại mối quan hệ của những người trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền với các thế lực chính trị quan trọng nhất đương thời, dễ nhận thấy rằng từ góc nhìn của văn hóa dòng họ mà xét, không có bất cứ lý do gì buộc Nguyễn Du phải kiên trì tín niệm trung thành với vương triều nhà Lê. Nếu truy nguyên xa hơn nữa, từ gốc dòng họ này ở Canh Hoạch, thì có thể dễ dàng nhận thấy rằng họ Nguyễn ở Canh Hoạch cũng từng không lựa chọn cách thức chỉ thờ và trung thành với một chủ, một dòng họ cầm quyền, dù đó là dòng họ đang ngự trên đỉnh cao quyền lực. Cá nhân Nguyễn Du không có ràng buộc gì sâu đậm với các thế lực – dòng họ lớn nắm vận mệnh quốc gia, không có lý do hiển nhiên nào để phải trung thành tuyệt đối với nhà Lê hay cả với họ Trịnh.

Quan sát diễn trình của các dòng họ được thừa nhận trong ý thức người đương thời là các đại tộc, các “thế gia vọng tộc” khác, cũng dễ thấy tình hình tương tự. Dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, họ Phan Huy ở Thiên Lộc sau chuyển cư ra Sơn Tây dường như là những dòng họ có nhiều nét tương đồng với họ Nguyễn Tiên Điền trong lối hành xử với thời cục như vậy.

Không nghi ngờ gì rằng “trung” là đức hạnh quan trọng, là phẩm chất cao nhất mà Nho giáo – cùng với Pháp gia – đã từ hàng ngàn năm kiên trì đòi hỏi và áp đặt cho mọi thế hệ tín đồ của nó. Được suy ra từ “hiếu”, qua cách hình dung “nước” là sự mở rộng nhưng không khác biệt về chất của “nhà”, đến cả “thiên hạ” cũng là một sự phóng chiếu đồng dạng, công thức tu dưỡng, hành đạo đi từ “hiếu” đến “trung” được khẳng định “cận nhi sự phụ, viễn nhi sự quân” (gần thờ cha, xa thờ vua), đó chính là tinh thần “nhất dĩ quán chi” của nhà nho, theo đó có thể “bất xuất môn nhi tri thiên hạ sự” (không cần ra khỏi cửa mà nắm được việc của thiên hạ). Nhưng cũng đã hàng mấy ngàn năm thực tiễn đời sống chính trị – xã hội trong mô hình chế độ chuyên chế liên tục “đặt ra những vấn đề” -  mang tính nan đề – khi các cá nhân xử sự với những tình huống thực tế. Nhìn một cách tổng quát, đức trung tín của nhà nho chỉ được “quán triệt” và “truyền đời” – trở thành sự trung thành của các đại tôn, cự tộc, danh gia vọng tộc đối với các dòng họ cầm quyền trong những thời kỳ của các triều đại lớn, các đế chế hùng mạnh ở vào thịnh thời của chúng. Và để duy trì, củng cố phẩm hạnh này, các vị hoàng đế sáng suốt của các đế chế thịnh trị buộc phải “rộng ban ân điển”, chia sẻ lợi ích từ ngân khố quốc gia với các dòng họ quý hiển. “Hiển tộc”, vì thế, trở thành bộ phận “không thể thiếu được” làm nên hào quang của các chế độ chuyên chế toàn thịnh. Chẳng thế mà Lê Thánh Tông, trong bài thơ Minh lương nổi tiếng của mình, đã trưng ra cái thành tố “không thể thiếu” ấy:

“Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh”.
(Mười anh em nhà họ Trịnh cùng được quý hiển
Hai cha con họ Thân đều được chất chồng ân sủng vinh quang).

Nhưng lịch sử của các xã hội chuyên chế lại thường xuyên diễn ra cái vòng xoáy dường như tuần hoàn “thịnh suy, trị loạn đắp đổi”. Cảm thức dân gian ở Việt Nam, vì thế đã ghi nhận và chứng thực tình cảnh “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”! Ngay các dòng họ lớn nhất, “đương chức đương quyền”, kể cả đang nắm giữ ngai vàng, cũng thường xuyên “ngoái lại sau lưng” để tìm kiếm một chỗ lùi! Qua một chu kỳ loạn ly, rút cuộc, lại chỉ có thể có một người trở thành Hoàng đế sáng nghiệp, một dòng họ “có được thiên hạ”, các thế lực khác buộc phải chấp nhận địa vị thần thuộc. Dòng họ từng cai trị trong trường hợp may mắn nhất chỉ còn giữ được lăng miếu của tổ tiên mình.

Từ sau cái chết của Lê Hiến Tông (1504) có thể nói xã hội Việt Nam đã khởi lên những vòng xoáy đầu tiên của chu trình “loạn thế”. Từ góc nhìn dòng họ, người quan sát sử Việt đã nhận ra những đường nét phức tạp hóa dần của những mối quan hệ giữa các dòng họ lớn, giữa các chi phái khác nhau trong nội bộ của dòng họ cầm quyền. Đã có thể hình dung về một bức tranh của hàng loạt những “liên minh lâm thời” giữa các nhánh quyền lực. Rất tiếc rằng từ trước tới nay các sử gia rất ít hé lộ cho chúng ta về tình trạng phức tạp này của mối quan hệ giữa các dòng họ lớn: Mấy ai ngờ, vị “quân sư” quan trọng hàng đầu suốt gần nửa thế kỷ của Nguyễn Hoàng ở vùng đất “phía nam vĩ tuyến 16” lại là Mạc Cảnh Huống, một người thuộc hàng “tôn thất chính hiệu” của họ Mạc, dòng họ đang làm vua ở phía Bắc và trên danh nghĩa là đang làm vua cả nước! Ông này về sau sẽ được con cháu các chúa Nguyễn và cả các vua Nguyễn đưa “tòng tự ở thế miếu”. Trong thời nội chiến Nam Bắc triều giữa nhà Mạc và tập đoàn Lê – Trịnh, một số dòng họ lớn thường xuyên thay đổi địa chỉ quy thuận: chỉ cần nhắc tới các tên tuổi như Lê Bá Dao, Lê Bá Ly, như hậu duệ của trạng nguyên Nguyễn Thiến mà nhân vật điển hình là Nguyễn Quyện. “Sự dao động”, “sự bất trung”, nếu có thể nói như thế, không chỉ ở tầm các “danh gia vọng tộc”, nó còn thể hiện ngay trên thượng đỉnh quyền lực: cả một thời kỳ dài, sau khi tranh chấp binh quyền với em trai không thành, Trịnh Cối, con trai lớn của Trịnh Kiểm, mang theo cả mẹ và gia quyến, chạy về theo nhà Mạc. Nhánh này của họ Trịnh có không ít người nhận quan chức nhà Mạc thậm chí có cả người “tử tiết” cho họ Mạc. Cuộc “trao trả thân nhân”, trao trả cả thi hài giữa một bên là nhà Mạc cùng chi Trịnh Cối với phía bên kia là tập đoàn Lê – Trịnh mà người đại diện là Trịnh Tùng đã diễn ra một cách khá êm thắm, thậm chí ít nhiều cảm động, gây xúc động nữa, là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt nói với chúng ta về thực chất mối quan hệ giữa các thế lực quyền lực, các vọng tộc trong thực tế lịch sử.

Vào thời loạn, với các dòng họ lớn, người quan sát dễ dàng nhận ra sự hiện diện của đại diện các dòng họ như thế trong thành phần của bất cứ tập đoàn hay nhóm quyền lực “có triển vọng” nào. Thực trạng ấy kéo dài xuyên suốt lịch sử cho tới tận thời hiện đại. Nhìn lịch sử theo những lập trường chính trị cứng nhắc, chắc chắn sẽ không thể giải thích nổi những “ẩn tình”, những dích dắc quanh co của thực tế.

Dòng họ Nguyễn Tiên Điền dường như coi Nguyễn Du có địa vị như một vị “hậu tổ”, giữ nguyên nơi thờ tự riêng cho ông. Thái độ ấy đã bộc lộ, ít nhất trong ý thức của một người cháu nhưng về tuổi tác chỉ kém ông dăm ba tuổi, là Nguyễn Hành. Lý do của một sự trân trọng đối với Nguyễn Du như vậy ở các thành viên họ tộc cũng đã được chính Nguyễn Hành giải thích: “Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn”! (Phúc dày của họ ta, chú là người khéo trả về). Chưa nói tới địa vị một tác giả văn chương, chưa bàn tới thân phận “Nguyễn Du trong lịch sử văn học dân tộc”, Nguyễn Du quả thực là người đã “hoàn trả” lại địa vị “danh gia vọng tộc” cho họ Nguyễn Tiên Điền khi lịch sử bước sang một trang mới, “tân triều” áp dụng chính sách dùng người mới. Nơi thờ Nguyễn Du, cho tới nay, còn nguyên vẹn đôi câu đối khảm sứ, tương truyền là do chính vua Minh Mạng viếng:

“Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc tử do vinh”.

Vào thời Nguyễn Du, không khó khăn gì việc tìm thấy những gia tộc mà các thành viên thuộc về các phe nhóm chính trị khác nhau, “ai thờ chủ nấy”. Dường như điều đó không ngăn cản họ, với tư cách thành viên gia tộc, vẫn gắn bó rất mật thiết với nhau, tôn trọng và yêu quý nhau. Thời loạn thường thế, phải thế. Hẳn đó là ý nghĩa sâu xa, là “cái lý” mà Ngô Thời Nhậm đã mang ra trả lời Đặng Trần Thường ở Văn Miếu: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!”.

2. Nguyễn Du có phải miễn cưỡng làm quan, và cả đời chỉ giữ những cương vị khiêm tốn? Có hay không việc Nguyễn Du “hậm hực” với thân phận mình trong chốn quan trường?

Khi cắt nghĩa những biểu hiện có chiều ủ dột, u ám trong sáng tác của Nguyễn Du, cái nhìn đượm màu bi quan trong nhân sinh quan của ông, không hiếm nhà nghiên cứu từng “truy nguyên” tới chỗ Nguyễn Du bị o ép, đố kỵ trên hoạn lộ. Hãy nhìn lại một lượt con đường công danh của ông – mà theo cách nghĩ người xưa, gồm cả khoa danh và hoạn lộ – thử xem Nguyễn Du thực có lâm vào tình trạng đó hay không?

Trong hành trình của tầng lớp trí thức nho học truyền thống ở Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ thời Lê trung hưng, đã có sự phân biệt, đề cao những bảng giá trị khác nhau của thân phận kẻ sĩ. Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất là có sự tôn vinh khác nhau giữa người có khoa danh với người được coi là danh sĩ. Ai cũng biết, người có khoa danh, tức người đỗ đạt qua các kỳ thi do nhà nước tổ chức, từ cấp thi hương trở lên. Người đỗ ở các kỳ thi do chính triều đình tổ chức gọi là đỗ đại khoa, người đỗ vớt ở các kỳ hương thí được gọi là sinh đồ (sang thời nhà Nguyễn là Tú tài), đỗ chính thức gọi là Hương cống (nhà Nguyễn đổi gọi là Cử nhân). Do tình trạng chiến tranh liên miên, chính thể liên tục biến động, từ năm 1786 cho tới tận Minh Mạng đệ tứ niên (1823) ở Việt Nam không có kỳ thi đại khoa nào được tổ chức. Theo một vài tài liệu cho biết, Nguyễn Du chỉ tham gia có một kỳ hương thí ở trường thi Sơn Nam hạ và qua được tam trường, tương đương nhưng không có danh phận sinh đồ (tức Tú tài sau này). Tôi có ý ngờ vực tư liệu này, vì mấy lý do:

a) Thí sinh dự thi ở cấp này, thường phải đăng ký hồ sơ theo nguyên quán hay sinh quán. Nguyễn Du vào thời điểm đó ở nhờ nhà Đoàn Nguyễn Thục (sau thành bố vợ), đúng hơn là nhờ Đoàn Nguyễn Tuấn “nuôi cho ăn học”. Để dự thi ở trường này, Nguyễn Du ít ra phải có “hộ tịch” ở Sơn Nam hạ.

b) Theo học chế thời bấy giờ, con quan trọng thần, đại thần (từ tam phẩm trở lên), có thể tự xét học lực mà quyết định có tham gia thi hương hay không. Dĩ nhiên nếu không dự thi hương thì cũng không thể có khoa danh của hương thí! Không có tài liệu chính thức nào ghi rằng Nguyễn Du từng được (hay bị?) gọi là sinh đồ (hay Tú tài) cả! Nhưng vì là công tử con đại thần ông từng được gọi là cậu chiêu (Chiêu Bảy). Có thể kết luận mà không mấy xa sự thật, rằng Nguyễn Du không có khoa danh.

Nhưng vào tuổi ngoài hai mươi, Nguyễn Du đã nổi tiếng là một danh sĩ. Một số tài liệu khẳng định, ông nổi tiếng văn chương đến mức được dư luận kẻ sĩ đương thời xếp vào hàng An Nam ngũ tuyệt (một trong năm người văn chương tuyệt vời nhất nước Nam). Danh sĩ không phải là một định danh, không có sự “chuẩn y của chính quyền, nghĩa là một danh xưng “theo lời đồn”, không chính thống, dĩ nhiên không đi kèm một chế độ đãi ngộ nào chính thức từ phía triều đình hay chính quyền các cấp. Tuy nhiên, chắc chắn là sự tôn vinh này của dư luận có “hiệu lực thực tế” nếu không hơn thì cũng không kém khoa danh của triều đình! Mấy chục năm sau vào lúc nhận hung tin chú mất, điều mà Nguyễn Hành “hồi cố” đầu tiên về chú chính là niềm vinh quang này:

“Thập cửu niên tiền Tố Như tử
Nhất đại tài hoa, kim dĩ hĩ!”.
(Mười chín năm trước, Tố Như tử
Tài hoa nhất đời, nay thế là hết!)(1)

Trong suốt thời Lê mạt, Nguyễn Du chỉ “xuất chính” một thời gian rất ngắn, tập ấm theo địa vị của người bố nuôi họ Hà, giữ một chức võ quan nhỏ là Chánh thủ hiệu (người giữ cờ?) hiệu quân Hùng hậu ở Thái Nguyên vào năm 1783, rồi không thấy có đảm đương chức trách gì khác. Trong mắt Tân triều, vị trí ấy không đủ để coi Nguyễn Du từng là quan chức của cựu triều! Dù sử sách nhà Nguyễn ghi rằng ông bị Gia Long triệu vời, bất đắc dĩ phải ra, hay gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi rằng ông tự nguyện “đón giá” nên được bổ nhiệm làm quan tri huyện rồi tri phủ, theo chúng tôi, lý do Gia Long và các cố vấn của ông ở Bắc Thành chuẩn thuận cho việc gọi Nguyễn Du ra làm quan vào lứa tuổi ba mươi sáu, ba mươi bảy ấy chính là sự nổi tiếng của ông với tư cách là một danh sĩ vậy!

Nguyễn Du khởi đầu hoạn lộ của Tân triều bằng chức Tri huyện (huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam). Với một người không có khoa danh, lại không phải là “người cố cựu” chưa từng có thành tích gì, không có một vị công thần nào của triều Nguyễn đứng ra bảo lãnh, chức vụ ấy không tồi, không bé. Cần lưu ý rằng Tri huyện là trưởng quan, hàm lục phẩm (theo thông lệ), là vị trí “xuất chính” thời kỳ đầu của các vị tân khoa Tiến sĩ! Chỉ mấy tháng sau, khi ghế Tri huyện còn “chưa nóng chỗ”, Nguyễn Du đã được thăng lên làm Tri phủ (phủ Thường Tín). Vài năm sau đó, dường như ông nhanh chóng được tin dùng, được cử lên Nam quan đón tiếp sứ thần Trung Quốc sang sắc phong cho nhà vua, rồi về nhậm chức ở Kinh, với hàm học sĩ. Một “sự cố” nào đó đã khiến Nguyễn Du xin từ quan về nghỉ ở quê gần 8 tháng, nhưng rồi sau đó ông được gọi trở lại, thăng lên chức Cai bạ dinh Quảng Bình (Cai bạ là hàm tứ phẩm, Phó tỉnh trưởng). Từ đây trở đi, hoạn lộ của Nguyễn Du “chỉ có tiến, không có lui”, khác với hoạn lộ của đại đa số các quan lại khác, thậm chí thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều so với các huân thần, cựu thần của Gia Long từng phụng sự nhà vua từ thời còn là “tiềm để”!

Bước ngoặt trong hoạn lộ của Nguyễn Du chắc chắn được đánh dấu bởi cuộc “đối thoại – đối đầu” với đích thân nhà vua và sự kiện được ghi vào trong chính sử.

“Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì. Vua từng dụ rằng: “Nhà nước dùng người, duy có tài là dùng, vốn không có coi Nam Bắc khác nhau. Khanh cùng Ngô Vị đã được tri ngộ làm quan đến chức Á khanh, nên điều gì biết thì nói ra hết, dâng điều hay sửa điều dở, để hết sức mình. Sao cứ rụt rè sợ hãi, chỉ biết vâng dạ!”. Đại Nam chính biên liệt truyện trong phần chép về Nguyễn Du cũng từ dưới ngòi bút của sử gia làm phát lộ ra những thông tin khác: “Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ta kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến sợ hãi như không nói được”. Liệt truyện cũng cho biết, thời kỳ đầu khi mới làm quan với nhà Nguyễn, “khi bị lệnh triệu không thể từ được mới ra làm quan, thường chịu khuất với cấp trên, lấy làm uất ức bất đắc chí”.

Nguyễn Đề (Nễ) người anh cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Du, vào cái năm Nguyễn Du đang lưu lạc ở đất Sơn Nam thì ông này đỗ đầu kỳ hương thí ở kinh đô, nhập hoạn sớm và liên tục hơn em mình, vào những ngày tháng cuối thập niên 90 của thế kỷ XVIII, đã là Đông các Đại học sĩ của triều Tây Sơn khi Nguyễn Du đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, từng cũng hé lộ ra những thông tin hiếm hoi về cá tính, hoài bão và tư chất của Nguyễn Du qua những vần thơ thương cảm:

“Tố Như hà xứ trú
Lưu lạc tối kham ai
Tằng hữu lăng vân chí
Hoàn vô thiệp thế tài”.

Nguyễn Du từng có chí “lăng vân”? Chắc đây không phải là lời tán dương trìu mến nhưng thiên vị của một người anh trai đối với em mình? Hẳn là Nguyễn Nễ từng nhận thấy ở người em trai những phẩm chất nào đó phi phàm, khác người, hơn người, nên mới dùng đến từ ngữ “lăng vân” (gần đồng nghĩa với “xung thiên” nhưng mang màu sắc “văn nhã” hơn), nhưng trong bối cảnh cực loạn ly của thế sự cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Nễ dường tỏ ra vừa tiếc rẻ, vừa thất vọng về người em trai ấy, nên đã sớm buông ra câu kết luận khẳng định: “Hóa ra em không thiệp thế”, nên mới chưa/không đắc dụng, chưa/không tìm được “chốn nương thân”. Thế nào là không thiệp thế? Là trải biến nhiều mà chưa rút ra được cho mình những “bài học xương máu”, chưa “khôn ra”, “thiệp thế” là người từng trải và lịch duyệt, là người thành công “bảo thân” và “thành đạt” sau những trải nghiệm và những biến cố to lớn. Nguyễn Nễ từng tỏ ra thành đạt hơn em mình, vì dường như thức thời hơn em mình, mà theo cách thức lượng giá quen thuộc của những bậc túc nho xưa “Duy hữu thức thời vi tuấn kiệt”! Nhưng kết cuộc, Nguyễn Nễ lại bị bức hại, và sau nhiều lần “trở cờ” trót lọt, từng làm phao cứu sinh cho gia tộc qua thời Tây Sơn, lại bị một tay quan chức địa phương ở quê hãm hại, trù úm dẫn đến cái chết tức tưởi. Nhìn vào cung cách hành xử và kết quả chung cuộc trong hoạn lộ Nguyễn Du, chắc chắn rằng Nguyễn Du “thiệp thế” hơn người anh trai ấy của mình.

Quan trường thời nào cũng nhiều cạm bẫy, thời loạn, chính sự không ổn định, càng lắm hiểm họa hơn. Làm quan, trong tuyệt đại đa số trường hợp, nói như lời Nguyễn Trãi, là “phủ ngưỡng tùy nhân”, mà nói như Phan Châu Trinh về sau, là “tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu” (Tùy tình huống mà làm con rối, con lật đật mua cười cho người ta). Chả thế mà rất nhiều những “danh sĩ” đã nhanh chóng lựa chọn phương thức ẩn dật, tỵ thế để nói cho hoa mỹ, sang trọng là lánh xa “khóa lợi giàm danh”, “giấu hương sắc lánh chơi ngoài cõi tục” mà nói cho thành thực, chính xác hơn là để toàn mạng, là thái độ “minh triết bảo thân”. Đào Tiềm muốn “vì ba đấu gạo mà uốn gãy lưng” nên mới vứt quách chức huyện lệnh, treo áo mũ từ quan, về vườn, tự “cày lấy mà ăn, đào lấy mà uống”. Một người từ thời còn rất trẻ đã ôm ấp một khát vọng kinh bang tế thế, và gần suốt cuộc đời luôn luôn hành xử theo tôn chỉ làm một Nam phương thánh nhân như Nguyễn Trãi, mà cũng nhiều lần cay đắng thốt lên “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/ Lòng người quanh nữa nước non quanh”; “Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay”, cũng đã nhiều phen nếm cảnh “quần ngôn dèm pha”, “Lãm huy nghĩ học minh dương phượng/ Viễn hại chung vi tỵ dặc hồng” rồi rốt cuộc, nhận về mình bi kịch khủng khiếp nhất sau một hoạn lộ đầy thăng trầm và khúc khuỷu. Lịch sử quan trường dưới chế độ chuyên chế chứng kiến vô số những sự sa sểnh, “lỡ chân” của không ít những bậc “đại cao thủ”, nên mới có lời than thở “một bước sểnh chân hận nghìn đời” (Nhất thất túc thành thiên cổ hận). Với những đấng quân vương đầy nghi kỵ và “cơ trí cùng mình” như Gia Long, như Minh Mạng, mà có hoạn lộ “thẳng đứng một chiều” như Nguyễn Du, tưởng cũng nên nghiêng mình thán phục! Cho hay, cái sự “ngậm miệng ăn tiền” không chỉ đơn giản là sự khôn khéo của người đời, không phải chỉ là “minh triết dân gian”. Nơi áp dụng tốt nhất thứ triết lý ấy là chốn quan trường vậy!

Mà chức quan của Nguyễn Du đâu có bé? Ngay từ năm 1813, khi được cử làm Chánh sứ lần thứ nhất, Nguyễn Du đã được trao cho quan hàm Cần chánh điện Học sĩ. Sau khi hoàn thành sứ mệnh được thực thụ quan hàm này, cho tới tận khi mất. Như đã biết, triều Nguyễn không lập chức Tể tướng, bốn vị đại thần đứng đầu triều đình là bốn vị Đại học sĩ (Tứ trụ) đứng đầu bốn điện: Cần chánh điện, Văn minh điện, Võ hiển điện, Đông các điện, đều có hàm chánh nhất phẩm, trong đó điện Cần chánh là quan trọng nhất, vì đó là nơi vua làm việc hàng ngày. Làm việc ở điện Cần chánh, nghĩa là làm việc hàng ngày với vua, giúp vua điều hành việc nước trên thực tế. Nguyễn Du còn một chức vụ khác, cũng đảm nhiệm từ sau khi đi sứ trở về, là Hữu Tham tri bộ Lễ. Tham tri là chức dưới Thượng thư, quan hàm là tòng nhị phẩm, trên chức Tả hữu thị lang chánh tam phẩm. Chức vụ này của Nguyễn Du thường được biết đến nhiều nhất, kể cả chính sử khi ông mất cũng dùng chức quan này để chép. Về phương diện hành pháp, lục bộ Thượng thư là những chức vụ to nhất (chánh nhị phẩm). Mỗi bộ chỉ có hai vị tham tri, vậy là chí ít, Nguyễn Du cũng nằm trong số 18 vị quan quyền to nhất trong triều. Gia dĩ, địa vị các bộ cũng có phân biệt, mà bộ Lễ thời nào trong chế độ chuyên chế cũng được coi là đứng đầu các bộ. Nguyễn Du thực đã khéo làm quan, để rốt cuộc, khi ông mất, được vua đích thân phúng viếng, ban cho đồ tang lễ và tiền tuất trọng hậu, và tên ông cũng được chép vào trong Đại Nam chính biên liệt truyện, nơi theo phép làm sử xưa, chỉ dành cho các bậc huân thần có công cao nghiệp cả! Có thể nói, hoàn toàn không có dữ kiện để theo đuổi một định kiến dường như kết quả của một sự suy diễn: Nguyễn Du không bị ai trù úm cụ thể trong cả 18 năm làm quan dưới triều Nguyễn, và cái chữ mà Nguyễn Hành cháu ông đã dùng, “xảo hoàn”, thật đắc địa, thật xác đáng với ông!

3. Nguyễn Du với những xác tín tâm linh và tôn giáo

Là một nhà Nho, Nguyễn Du có xác tín tôn giáo hay tâm linh không? Thiết tưởng câu hỏi nêu lên không vô lý và trả lời thấu đáo cho câu hỏi đó cũng không phải là việc dễ dàng, song lại quan hệ rất lớn đến việc đọc hiểu và cắt nghĩa nhiều sáng tác của ông.

Nho giáo không phải là học thuyết vô thần, ngược lại, nó có phương diện tôn giáo tương đối rõ nét. Cả Khổng Tử, Mạnh Tử lẫn các bậc thánh hiền Nho giáo khác tin có Trời, có Mệnh, có sự chi phối của các thế lực siêu nhiên bí ẩn (thần linh). Nội dung chủ yếu của Nho giáo trước hết là một học thuyết đạo đức, hình dung về những nguyên lý, quy luật chi phối thế giới cũng mang màu sắc đạo đức. “Hoàng thiên” trong diễn ngôn của các bậc thánh hiền Nho giáo là một ông Trời đạo lý, “chí công, chí chính, chí thiện, chí minh”, “chỉ phù trợ cho người có Đức”. Nhưng trong trật tự của các quá trình “ra quyết định tối hậu”, Nho giáo cũng dành một phần nhất định cho “nhân lực”, cho sự phấn đấu và tu dưỡng của con người. Con người trong thế giới quan Nho giáo là một trong Tam tài, có khả năng “tham phối với trời đất”, nghĩa là một lực lượng, một thông số “không thể bỏ qua”, có khả năng tham gia vào việc “hóa dục” của thiên địa. Nhưng đã từ rất sớm, phần “hình nhi thượng” trong học thuyết Nho giáo được các kinh điển cơ bản của học thuyết trình bày một cách tù mù, bởi chính Khổng Tử chủ trương “Bất năng sự nhân, an năng sự quỷ”, “bất tri sinh, an tri tử?”, không muốn bàn về các loại hiện tượng “quái, lực, loạn, thần” nên khi giao thoa, tiếp xúc với các học thuyết và hệ thống triết học khác, mà ở đó hàm chứa nhiều những khái niệm, những phạm trù, những tư tưởng triết học, như học thuyết Lão Trang, Phật giáo, hay về sau, như các thứ chủ nghĩa từ phương Tây, nhà Nho nhất là các nhà Nho có tư duy triết học, thường bị hấp dẫn và chịu ảnh hưởng. Phương diện triết học và cả tôn giáo nữa, của Nho gia trên thực tế là một hỗn hợp của những khái niệm, quan niệm, luận điểm đa phần được vay mượn và “chế tạo lại” từ các học thuyết khác.

Nhà Nho Việt Nam rất hiếm người có thể gọi là triết Nho. Bù lại, đông đảo nhà Nho là những “nhà đạo đức học bẩm sinh”, là “những pho đạo đức học biết đi”.

Đối với các nhà Nho nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ lớn, việc tìm hiểu sự chi phối đến đâu của các xác tín tâm linh, xác tín tôn giáo là một công việc cực quan trọng nhưng cũng là một công việc rất khó.

_____

(1) Nhân thể, có lẽ cần nêu một thắc mắc: Trong công trình Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm; Nxb Giáo dục Việt Nam, in nhiều lần, ở phần Niên biểu, các soạn giả có đưa vào tiểu sử Nguyễn Du một chi tiết, rằng vào năm Đinh Mão 1807, Nguyễn Du được cử làm Giám khảo kỳ thi hương ở Hải Dương. Theo lẽ thường, người không có khoa danh không thể làm giám khảo một kỳ thi được. Cần lưu ý rằng cùng thời Lê mạt – Nguyễn sơ, ở Bắc Hà có một Nguyễn Du khác ( ) sinh năm 1754, đỗ Tiến sĩ, quê ở xã Viên Ngoại huyện Chương Đức, nay là Ứng hòa, Hà Nội, năm 1785 đỗ Hoàng giáp làm quan dưới thời Lê mạt, Tây Sơn, sau đến thời Nguyễn Sơ do Đặng Trần Thường đề cử được Gia Long lục dụng giữ chức Đốc học Bắc Thành. Có lẽ các soạn giả đã nhầm Nguyễn Du với ông này?