Sự quyết liệt của Bộ VHTT&DL thời gian qua với việc liên tục thanh, kiểm tra lễ hội đã phát huy rõ hiệu quả. Tuy nhiên, để lễ hội thực sự đi vào quy củ, bền vững thì cần có hành lang pháp lý chặt chẽ.

 

 

Công tác quản lý lễ hội tiến bộ rõ rệt

 

Báo cáo công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm của Cục Văn hóa cơ sở đánh giá công tác tổ chức lễ hội đã có nhiều tiến bộ rõ rệt so với những năm trước. Các lễ hội diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2015 hầu hết không còn xuất hiện trường hợp đổi tiền lẻ công khai, không xảy ra trường hợp cháy nổ, tình trạng nâng giá, ép giá, cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh nghiêm trọng… đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.

 

Ông Vũ Xuân Thành – Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL đánh giá, một số lễ hội có sự tham gia của doanh nghiệp đã giúp cho tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức được nâng cao, không còn sự lúng túng như những năm trước, ví dụ như lễ hội Tây Thiên, Yên Tử…

 

Một số địa phương đã tổ chức cho các hội kinh doanh ký cam kết, thực hiện các quy định của Ban tổ chức, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá bán một số mặt hàng, không tranh giành, đeo bám khách, đảm bảo vệ sinh môi trường như lễ hội Yên Tử, Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Đền Đô (Bắc Ninh); Côn Sơn (Hải Dương); Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ)… Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch dự kiến thu chi trong hoạt động tổ chức lễ hội; bố trí hòm công đức, hòm đựng tiền dầu nhang theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ.

 

Năm 2015 cũng là năm đầu tiên các địa phương thực hiện tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Nhiều địa phương như  Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Lâm Đồng, Long An, Thanh Hóa… đã thực hiện khá nghiêm túc với các biện pháp như xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành kế hoạch triển khai đến cơ sở…

 

Sớm hoàn thiện văn bản về tổ chức, quản lý lễ hội

 

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại của lễ hội trong 6 tháng đầu năm. Một số ban tổ chức lễ hội làm việc với tinh thần trách nhiệm và phối hợp chưa cao, chưa kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. Còn một số di tích chưa quy hoạch được khu vực để bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách, không gian lễ hội quá chật chội; hàng quán chưa được sắp xếp khoa học.


Việc cấp phép tổ chức lễ hội chưa có sự giám sát chặt chẽ, có nơi lễ hội không phải truyền thống của địa phương nhưng vẫn cấp phép tổ chức. Đặc biệt, đây đó vẫn còn biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé thu tiền như lễ hội chọi trâu tại một số địa phương, làm giảm giá trị của lễ hội…

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 được tổ chức sáng 2/7 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các địa phương chủ động rà soát lễ hội trên địa bàn để thực hiện quy hoạch lễ hội ở cấp địa phương. Hiện nay công tác quản lý lễ hội đã được phân cấp xuống địa phương, do vậy lãnh đạo Bộ chỉ đạo các Sở VHTT&DL cần quyết liệt hơn và chủ động tham mưu cho chính quyền về công tác tổ chức quản lý lễ hội, tránh thái độ trông chờ và buông lỏng quản lý.

 

Bộ trưởng cũng giao Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương xây dựng và hoàn thiện Thông tư về tổ chức và quản lý lễ hội để ban hành trước mùa lễ hội 2016. Yêu cầu các địa phương kiện toàn, nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý của các ban quản lý di tích địa  phương, chú trọng bồi dưỡng tập huấn công tác quản lý lễ hội cho các lực lượng chức năng đáp ứng nhu cầu được giao; phối hợp tổ chức tập huấn tổ chức các lễ hội lớn và những lễ hội có vấn đề.