Năm Quý Hợi (1804), khi còn làm tri phủ Thường Tín, Nguyễn Du đã được cử lên ải Nam Quan đón tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong sắc cho vua   

 

Biết tài của ông như vậy nên năm Quý Dậu (1813) vua Gia Long đã thăng cho ông làm Cần chánh điện học sĩ và cử ông làm Chánh sứ sang tiến cống bên Trung Quốc. Ông đã ra đi qua cửa Nam Quan ngày 6/5/1813 và về qua cửa Nam Quan ngày 18/5/1814.

 

Trên đường đi và về của sứ bộ, ông có làm các tờ tấu trình lên nhà vua nhưng trong hồ sơ lại thiếu mất tờ tấu trình của Tuần phủ tỉnh An Huy nên chúng ta không có tài liệu để biết khi đi tới An Huy ông có qua thăm Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang không?

 

Nay đọc lại quyển Bắc hành thi tập thì ta thấy có những bài thơ như Nhạc Vũ Mục mộ, Tần Cối tượng, Vương thị tương và Độc Tiểu Thanh ký thì có thể coi đó là những chứng cớ cho việc ông có qua thăm Hàng Châu, nơi có thắng cảnh Tây Hồ nổi danh ở Trung Quốc.

 

Chúng ta hãy tìm hiểu bài thơ Nhạc Vũ Mục mộ ấy(1):

 

Phiên âm:   

                    

Nhạc Vũ Mục mộ

Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng,

Trượng bát thần thương lục thạch cung.

Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục(2),

Quân môn do tích thập niên công.

Giang hồ xứ xứ không Nam quốc,

Tùng bách tranh tranh ngạo bắc phong.

Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu,

Thê hà sơn tại mộ yên trung.

Dịch nghĩa:

 

Mộ Nhạc Vũ Mục  

 

Anh hùng xuất hiện trong trăm trận đánh ở Trung nguyên,      

Chiếc giáo thần dài trượng tám, và chiếc cung sức giương nặng sáu thạch.

Ở tướng phủ đã khép tội “ngục ba chữ”,

Nơi cửa quân còn tiếc công của ông trong mười năm trời.

Sông hồ nơi nơi còn đó, triều đình Nam Tống còn đâu,

Cây tùng cây bách vẫn hiên ngang ngạo trước gió bắc.

Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An,

Chỉ thấy núi Thê Hà lẩn trong khói chiều.

 

Qua ba câu cuối của bài thơ ấy ta thấy Nguyễn Du đã trực tiếp tả cảnh bên mộ Nhạc Vũ Mục(3) với hàng tùng bách hiên ngang ngạo cùng gió bấc. Ông cũng cho biết nỗi lòng buồn bã của mình khi vọng trông về lăng miếu cũ ở Lâm An (kinh đô của những vua đời Nam Tống) mà trước mắt chỉ thấy có núi Thê Hà (ở Hàng Châu nơi có mộ Nhạc Phi ở dưới chân núi) trong làn khói buổi chiều. Nếu không đến thăm mộ Nhạc Vũ Mục và không trông thấy tận mắt cảnh ấy thì không thể nào tả như vậy được.

 

Mộ của Tống Nhạc Phi (Vũ Mục)

 

Ở phía đối diện với khu mộ Nhạc Phi, bên chân tường miếu, có đặt tuợng của vợ chồng Tần Cối quỳ gối dưới đất chịu tội cho mọi người phỉ nhổ.

Nguyễn Du đã viết hai bài thơ về Tần Cối tượng và hai bài thơ về Vương thị tượng.

Khi trông thấy tượng Tần Cối, ông đã tự hỏi:

殿      

      

Điện cối hà niên chủy tác tân,

Khước lai y bạng Nhạc vương phần?

(Cây cối xưa ở bên cạnh cung điện, nay đã bị bổ ra làm củi,

Sao tên Cối còn đến dựa dẫm bên mộ Nhạc vương?)

Câu tự hỏi ấy đã cho chúng ta thấy là Nguyễn Du đã được nhìn tận mắt pho tượng Tần Cối và đã tả như sau:

      

      .


Như thử tranh tranh chân thiết hán,

Nại hà mị mị sự Kim nhân.

(Trông có vẻ cứng cáp như thế kia, rõ là thằng người thép,

Mà sao lại khúm núm đi thờ lũ quân Kim?)

và ông cũng đã tả tượng Vương thị qua hai câu:                                                     

            

      

Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt,

Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân.

(Sinh ra là đã có ba tấc lưỡi bất hủ,

Lại có được cái thân bằng gang thép muôn năm bền vững)

 

Vì được trông thấy tận mắt nên Nguyễn Du đã tả hai pho tượng vợ chồng Tần Cối bằng sắt thép nhưng cũng có người chưa được trông thấy đã bảo là bằng đá.

 

Nguyễn Du, một khi đã tới Hàng Châu như vậy thì thế nào cũng đến thăm Tây Hồ, một thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc và đã viết bài Độc Tiểu Thanh ký ở đó. Cụ Đào Duy Anh cũng đã có nhận xét rằng: “Do hai câu phá và thừa thấy hình như Nguyễn Du viết bài này khi được đọc Tiểu Thanh ký chính ở Tây Hồ, nơi có mộ Tiểu Thanh khi ông đi qua Hàng Châu”(4).

 

Nguyễn Du chắc đã xem biết chuyện Tiểu Thanh trong quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân(5) mà ông đã mua được ở Bắc Kinh hoặc ở một tỉnh nào trên đường đi sứ. Ở hồi thứ nhất của cuốn truyện ấy, trong lời bình dài cả một trang giấy(nhất chỉ thư), Thánh Thán có ghi lại cuộc đời Tiểu Thanh với cả tấm lòng thương xót cho một người thiếu nữ tài hoa bạc mệnh.

 

Tượng Tần Côi ở Hàng Châu

 

Chúng tôi chỉ xin trích dịch một đoạn  ấy như sau:

 

“…Như Tiểu Thanh ở Dương Châu, kể về tài sắc, tính tình điểm nào cũng đứng vào bậc nhất, thế mà lại bị ghép ngay cho một anh chồng khờ khạo, khác gì đã bị đọa đày, lại gặp thêm một tay ác phụ bức hiếp đến nỗi nàng phải chết một cách đau khổ, há chẳng phải đáng thương không? Nhưng chính cái đau thương thống khổ đó đã làm cho các văn nhân mặc khách phải xúc động, than thở rồi sinh ra thương xót, vì thương xót nên mới viết ra những tập văn truyền kỳ lưu thành bất hủ”

Đúng là như vậy. Nguyễn Du khi đọc đến bài  đó cũng xúc động sinh lòng thương xót mà viết nên bài Độc Tiểu Thanh ký như sau:

Phiên âm:                  

Độc Tiểu Thanh ký

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư).

Chi phấn hữu thần lân tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

 Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như(6)?

Bài dịch:           

Đọc bài ký Tiểu Thanh

Tây Hồ vườn cảnh thảy hoang vu,

Riêng viếng bên song sách một tờ.

Nhan sắc có thần thương lúc mất,

Văn chương vô mệnh tội phần dư.

Cổ kim mối hận trời khôn hỏi,

Phong vận niềm oan khách khó trừ.

Ba trăm năm lẻ sau này nhỉ,

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

(Nguyễn Quảng Tuân dịch)

 

Như hai câu đầu của bài thơ trên mà Nguyễn Du đã tả thì cảnh vật ở Cô Sơn(7) mà ông trông thấy khi tới nơi đã trở nên hoang vu. Điều nhận xét ấy chứng tỏ ông đã tới hòn đảo này và ta có thể tin rằng ông đã viết bài Độc Tiểu Thanh ký khi ở Hàng Châu bên Trung Quốc.

 

Qua các phần trình bày ở trên, chúng tôi đã căn cứ vào mấy bài thơ của Nguyễn Du đã viết về Nhạc Vũ Mục, Tần Cối tượng, Vương thị tượng và Độc Tiểu Thanh ký để chứng minh rằng Nguyễn Du khi đi sứ, trên đường về, có qua thăm Hàng Châu, một nơi danh thắng của Trung Quốc.

__________

 

(1) Nguyên văn chữ Hán, xin xem Thơ chữ Hán Nguyễn Du - Nguyễn Du toàn tập, tập I.

 

(2) Tam tự ngục: Tần Cối bắt giam Nhạc Phi hai tháng nhưng không thể kết án được vào tội gì. Hàn Thế Trung hỏi gì thì Tần Cối trả lời “Mạc tu hữu” (Không cần có tội). Về sau người ta gọi cái án ấy là “án ba chữ”.

 

(3) Chúng tôi cũng đã có dịp tới thăm khu lăng mộ Nhạc Vũ Mục nên thấy cảnh Nguyễn Du tả đúng là như thực.

 

(4) Thơ chữ Hán Nguyễn Du. NXB Văn Học,1988, tr.439.

 

(5) Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Nhân. Bản Sơn Thủy Lân in vào thời Minh mạt Thanh sơ.

 

(6) Hai câu kết này trước đây vẫn được truyền tụng là hai câu khẩu chiếm của Nguyễn Du trước khi mất (năm 1820). Nay đặt vào làm hai câu kết của bài thơ Độc Tiểu Thanh ký thì lại thất niêm vì vận (chữ thứ 2 câu 6 thuộc thanh trắc) không niêm được với tri(chữ thứ 2 câu 7 thuộc thanh bằng). Hơn nữa nếu xét về thời gian từ khi Tiểu Thanh mất năm Vạn lịch thứ 40 (1672) đến năm Nguyễn Du đi sứ (1813) hoặc năm Nguyễn Du mất (1820) thì cũng chỉ mới có 141 năm hoặc 148 năm chứ không phải trên 300 năm như câu thơ viết “Tam bách dư niên hậu”.

 

(7) Cô Sơn: tên một cái đồi nhỏ cao độ 50m ở trên một hòn đảo lớn trong Tây Hồ chứ không phải là tên một ngọn núi bên cạnhTây Hồ. Các soạn giả sách giáo khoa đã chú thích sai:

 

Quyển Văn học lớp 10 do Nguyễn Đình Chú chủ biên đã chú thích: “Tiểu Thanh bị vợ cả ghen, bắt ở một ngôi nhà bên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ”.

 

Quyển Ngữ văn lớp 10 do Phạm Trọng Luận chủ biên và quyển Ngữ văn Nâng cao lớp 10 do Trần Đình Sử (Tổng chủ biên) và Hồng Dân - Nguyễn Đăng Mạnh - Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên) cũng đã chú thích:“Vợ cả ghen, bắt ở riêng biệt trên một ngọn núi thuộc địa phận Hàng Châu, tên là Cô Sơn”.