Chúng ta vẫn mặc định rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du được thế giới biết đến khá nhiều. Nhưng, nếu tìm hiểu cụ thể, đã có những quốc gia nào thực sự dịch, hoặc tổ chức nghiên cứu về kiệt tác văn học Việt Nam này?

   

Đây là một trong những nội dung được đặt ra trong Hội thảo Đại thi hào Nguyễn Du & Kiệt tác Truyện Kiều, do Hội Kiều học Việt Nam tổ chức vào sáng 28.7.

 

Truyện Kiều có tới 13 bản dịch tiếng Pháp

 

Các nghiên cứu cơ bản cho thấy: tại Mỹ, Pháp và Nga – những quốc gia từng có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam trong lịch sử, Truyện Kiều được dịch và nghiên cứu khá nhiều. Đặc biệt, riêng với tiếng Pháp, Truyện Kiều có tới 13 bản dịch.

 

Sự xem trọng của người Pháp với Truyện Kiều được minh chứng bằng việc tác phẩm này và tác giả Nguyễn Du được đưa vào bộ từ điển nổi tiếng Các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở.

 

Tiếp đó, trong phiên bản "tân từ điển" của công trình này, tiểu sử Nguyễn Du và những nhận định về Truyện Kiều được giới thiệu trang trọng trong dung lượng chiếm gần 2 trang.

 

Đáng chú ý, bên cạnh các bản dịch Truyện Kiều của học giả Việt Nam hoặc Việt kiều như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện, Lê Cao Phan...., một số bản dịch Truyện Kiều còn được dịch sang tiếng Pháp bởi các nhà thơ của quốc gia này.

 

              Việc trích 2 câu Kiều "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden            ngày 7/7 vừa qua là một ví dụ về sức lan tỏa quốc tế của Truyện Kiều. Ảnh: TTXVN

 

Ngay đầu thế kỷ 20, khi tiến hành chuyển ngữ, nhà thơ Rene Crayssac đã xúc động làm một bài thơ có tên Kim và Kiều. Ông nhận định ngắn gọn: "Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác có thể so sánh với những kiệt tác của bất cứ quốc gia và thời đại nào".

 

Tại Mỹ, việc dịch và nghiên cứu Truyện Kiều đã diễn ra từ trước những lần "lảy Kiều" khi nói về quan hệ Việt – Mỹ của nguyên tổng thống Bill Clinton (năm 2000) và Phó Tổng thống Joe Biden (7/2015).

 

Cụ thể, năm 1973, GS Việt kiều Huỳnh Sang Thông, giảng viên Đại học Yale, đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh và được giới nghiên cứu công nhận là dịch rất đúng, rất sát.

Ngoài bản dịch này còn có 3 bản dịch khác của Lê Xuân Thủy, Lê Cao Phan, Michael Counsell. Riêng tại Đại học California, GS Mỹ Mariam cũng đã có nhiều bài nghiên cứu sâu và chuyên biệt về Truyện Kiều.

Tại Nga, Truyện Kiều được giới thiệu và nghiên cứu khá công phu bởi hàng loạt cái tên như Niculin, Tcachiov, Steinberg...

 

Trong tham luận của mình, PGS Lê Thu Yến (Đại học Quốc gia TP HCM) đã dẫn ra những câu thơ về sự xúc động của nhà thơ Đỗ Lưu khi chứng kiến Truyện Kiều được bày trang trọng trong các thư viện của nước Nga: "Tôi chợt gặp Nguyễn Du/ Trang nghiêm trong thư viện/ Nguyễn Du đến đây từ miền xa gió nắng/ Nỗi đau Kiều là của mọi lương tâm..."

 

Truyền Kiều qua trăm năm hội nhập

 

Với hơn 200 năm tồn tại của Truyện Kiều, cũng như cả trăm năm hội nhập văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta vẫn chưa có một thống kê cuối cùng về vấn đề này.

 

Trước mắt, theo khảo sát ban đầu của PGS Lê Thu Yến, hiện tại Truyện Kiều đã có khoảng 30 bản dịch tại các nước Trung, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Ý, Tiệp, Hungari, Rumani, Nhật, Hàn, Cuba.... Và cơ bản, hầu hết các dịch giả đều mặc nhiên thừa nhận: Truyện Kiều là tác phẩm xứng đáng nhất, tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam.

 

Bản thân việc dịch hoặc nghiên cứu về Truyện Kiều tại các quốc gia này cũng mang theo nhiều thông tin thú vị. Ở Đức, trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, vợ chồng Irene và Franz Faber đã dành trọn năm để dịch Truyện Kiều và hoàn thành vào 1963.

 

Đặc biệt, do hạn chế không thể sang Pháp để tra cứu những điển tích khó trong Truyện Kiều, 2 dịch giả này đã phải nhờ người thân tới Paris, vào Viện Hàn Lâm Pháp để tra cứu giúp.

 

Tại Nhật, trong chiến tranh thế giới thứ 2, Truyện Kiều đã được dịch giả Komatsu Kiyoshi dịch từ tiếng Pháp. Dịch giả so sánh tác phẩm này với Genji Monogatari – một kiệt tác của văn học Nhật Bản, và nhận xét: "đây là một tác phẩm thơ trữ tình trường thiên chứa đựng rất nhiều tinh thần và văn hóa của người An Nam".

 

Thậm chí, tại Hàn Quốc, theo PGS Lê Thu Yến, Truyện Kiều được độc giả tại đây xem trọng tới mức họ gọi tác phẩm Xuân Hương truyện của mình bằng cụm từ "Truyện Kiều của Hàn Quốc”. (Xuân Hương truyện cũng nói về một phụ nữ tài sắc, dù rơi xuống địa vị xã hội thấp kém nhưng vẫn giữ vẹn nhân cách).

 

Tại Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Truyện Kiều bằng cụm từ "Việt Nam đệ nhất văn nghệ kỳ thư". Thậm chí, 2 nhà nghiên cứu Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương còn công nhận rằng Truyện Kiều của Việt Nam nổi tiếng và được lưu truyền rộng rãi hơn so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân ở Trung Quốc...

 

Hội thảo Đại thi hào Nguyễn Du & Kiệt tác Truyện Kiều là một trong các hoạt động kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (1765 – 2015).

 

Ngoài hội thảo này, nhiều sự kiện quan trọng cũng sẽ lần lượt được tổ chức như Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì diễn ra ngày 07/8/2015; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Bộ VH,TT&DL cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì diễn ra vào cuối tháng 11/2015; các cuộc thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du...