Nguyễn Du - tác giả Đoạn trường Tân thanh sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765), mất năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820), là con thứ của Hoàng Giáp Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, tỉnh Hà Tĩnh. Đoạn trường Tân thanh ra đời cách đây khoảng 200 năm có dư. Theo các nhà nghiên cứu cổ uy tín thì đây là tác phẩm đầu tiên trong văn học trung đại Việt Nam đặt ra vấn đề vận mệnh con người trong cái xã hội mà mọi giá trị đạo đức, văn hoá, nghệ thuật pháp quyền đều bị thế lực đồng tiền và thần quyền chi phối. Trong bài viết này, tôi xin trình bày một khía cạnh trong cuộc đời đầy sóng gió của nhân vật chính. Ấy là Thúy Kiều với quê hương.

Thúy Kiều là người con gái nhan sắc, tài hoa lại đang sống trong tình yêu mộng mơ.

Rồi tai bay, vạ gió ập đến, gia đình Kiều bị bọn sai nha đến lục soát, chúng: “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham". Không những thế, bọn chúng còn: "Già giang một lão một trai / Một dây vô tại buộc hai thâm tình” - trói cha và em trai Kiều lại để khảo tiền. Trước tình thế này, không còn cách nào, Kiều quyết định "Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha" Ngày Thuý Kiều rời xa cha mẹ, họ hàng và các em theo Mã Giám Sinh về "trú phường” được Nguyễn Du mô tả tình cảnh thật não lòng: “Trời hôm mây kéo tối rầm / Dầu dầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương". cảm xúc đau lòng ấy không từ bên ngoài đến mà từ tâm cảnh tác giả phát ra, thông cảm sâu sác với nhân vật của mình:

Rước nàng về đến trú phường

Bốn bề xuân khoá, một nàng ở trong

Ngập ngừng thẹn lục e hồng

Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen

Không chỉ cảm thông mà còn xót xa trước cảnh sinh li trong một gia đình vốn được xem là thuận hoà đầm ấm. Nói một cách cụ thể hơn, Nguyễn Du đã xây dựng thành công một cảnh đời với nỗi đau chia cắt điển hình và đã giữ được cảm xúc này đi hết “đoạn trường tân thanh"

Đoạn trường thay cảnh phân kì

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh

Thương xót và quyến luyến, Nguyễn Du để tới hơn ba mươi dòng thơ lục bát (869-899) tạo thành một dấu lặng sâu trong lòng người đọc, lúc đó nhà thơ mới ngậm ngùi chịu để cho nhân vật của mình:

Từ đây góc bể chân trời

Nắng mưa thui thủi, quê hương một thân

Cái ngày Kiều rời khỏi trú phường (nhà trọ) để theo Mã Giám Sinh về Lâm Truy sao mà ảm đạm nặng nề, khiến người ngoài cuộc cũng “ngơ ngẩn lòng”.
 

Đùng đùng gió giục mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay.

Đi vội vàng, quáng quàng "như thể có ma đuổi", trong khi đó: “Nàng thì cõi khách xa xăm / Bạc phai cầu giá đen rầm ngàn mây". Bản thân Kiều thì bơ vợ trong giá lạnh: Canh trường “Dặm khuya ngất tạnh mù khơi / Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”, tương lai thì mờ mịt. Từ trong cái đêm trăng mờ ảo này gợi Kiều nhớ đến Kim Trọng tức là nhớ nơi "kì ngộ” - nhớ về "vườn thuý - nơi đã ghi nhận: "Một lời vâng tạc đá vàng thuỷ chung" của Kiều và tự thấy tủi hổ với chàng Kim vì đã không giữ được lời thề. Chỉ một chi tiết nhỏ này thôi cũng đủ điều kiện để ta khẳng định thi hào Nguyễn Du đồng thời cũng là nhà tâm lí lớn của tuổi trẻ và tình yêu. Sau khi để Thúy Kiều nghĩ đến Kim Trọng, nhà thơ cho Kiều chứng kiến cảnh “Rừng thu từng biếc chen hồng”, thấy sự vật đang chuyển mùa có chiều ngả úa tàn, Thúy Kiều liên tưởng đến cha mẹ nơi quê nhà đương từng ngày ngả bóng: “Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn”.

Những là lạ nước lạ non

Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi

Một tháng trời ròng rã trên đường, Mã Giám Sinh đưa Kiều về đến Lâm Truy. Tại đây, nàng bị đẩy vào làm gái thanh lâu. Không chịu được nhục, Kiều đã phản ứng bằng cách tự vẫn. May mà, Tú Bà kịp cứu được rồi lựa lời an ủi, đưa nàng ra lầu Ngưng Bích với lời hứa: “Tim nơi xứng đáng làm con cái nhà”. Ở đây cảnh gợi thức nhiều ý nghĩ đối với kẻ sa cơ. Cũng như lần trước, Kiều lại nhớ đến chàng Kim - mối tình đầu tuy đã dở dang nhưng nàng lòng yêu, khiến Kiều lúc này không thể không hình dung ra cảnh chàng Kim nhớ mình:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Nghĩ vậy, rồi lại tủi thân, thương cho phận mình:

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai.

Từ ý trên, Kiều lại hồi tưởng đến cha mẹ - những người đang mong tin, ngóng đợi và thương xót cho thân phận đứa con đang tha hương nơi đất khách; về phía Kiều thì: “Xót người tựa cửa hôm mai”. Từ đây nàng lại nghĩ: “Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ\ Quạt nồng (điển) hiểu một cách đơn giản là mùa hè ai quạt cho cha mẹ, mùa đông ai đốt lò, lót ổ, trải nệm cho cha mẹ nằm. Sở dĩ có ý nghĩ trên vì Kiều biết rất rõ các em mình: Vương Quan tuy là trai nhưng còn nhỏ tuổi, còn Thuý Vân lại là người vô tâm, ít lo nghĩ. Chả thế mà khi Kiều quyết định bán mình chuộc cha, Thúy Vân vẫn bình chân không một lờii sẻ chia; Kiều đau khổ ngồi khóc cho mối tinh dang dở trước ngày phải đi với Mã Giám Sinh; Thúy Vân vẫn ngủ ngon lành. Chỉ đến khi chợt tỉnh giấc xuân nàng mới: “Dưới đền ghé đền ăn cần hỏi han”. Với hai người em như vậy, thử hỏi làm sao Kiều có thể yên tâm không lo nghĩ? Mặt khác, như trên đã nói, Kiều bị đưa ra lầu Ngưng Bích, ở đây nàng đã bị Sở Khanh lừa vì thế Thúy Kiều phải thốt lên trước mặt Tú Bà cũng là để văng vào cái xã hội dùng tiền để chỉ huy:

Thân lươn bao quản lấm đầu

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa

Xã hội gì lại bắt một người con gái phải từ bỏ ý nghĩ giữ mình “trinh bạch”? Phải chấp nhận tiếp khách, bao tủi hổ ê chề. Nguyễn Du đã phải dành tới hơn hai mươi câu (1233-1253) để tả nỗi xót xa thương cảm của tác giả với Thúy Kiều. Những ngày ở lầu xanh buồn tủi, nàng lại nghĩ đến cha mẹ - quê hương, nhưng lần này đã theo một trình tự khác với hai lần trước:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu

Một ngày một ngả bóng dầu tà tà

Dặm nghìn nước thẳm non xa

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này

Sân hoè đôi chút thơ ngây

Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình...

Mở đầu cho đoạn thơ là lời khẳng định về một nỗi nhớ sâu nặng cao bằng trời, sâu như biển - nhớ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Từ nỗi nhớ ấy, nhà thơ để nhân vật của mình phát triển suy nghĩ về sự già nua của cha mẹ, rồi Kiều đặt vấn đề về sự vụng dại của hai em trong việc chăm lo miếng ăn, nước uống cho cha mẹ sợ không được đến nơi đến chốn. Có thể nói đây là một sự suy nghĩ như cố ý tự xác nhận trách nhiệm này lẽ ra phải thuộc về mình. Nối tiếp dòng suy nghĩ về quê hương, Thuý Kiều lại nhớ về kỉ niệm xưa:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh

Xa xôi ai có biết tình chăng ai

Khi vé hỏi liễu Chương đài

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay

Sự suy nghĩ về lời thề xưa của Thuý Kiều lúc này như ứ nghẹn, chứa đầy nước mắt chua xót, đau khổ, nàng chỉ mong Kim Trọng hiểu cho hoàn cảnh bắt nàng phải bán mình chuộc cha” mà tha thứ cho “liễu Chương đài” không những đã bị bẻ mà giờ đây còn “cho người chuyên tay". Nói đến đây Kiều đã bật khóc và từ trong dòng nước mắt đau khổ ấy, Kiều thổn thức:

Tình sâu mong trả nghĩa dày

Hoa kia đã chắp, cành này cho chưa

Lo lắng không biết Thuý Vân đã đáp ứng lời cầu thỉnh của mình trước ngày phải lìa nhà để đi với Mã Giám Sinh chưa?

Được Thúc Sinh chuộc ra khỏi lầu xanh, Thuý Kiểu lúc này không còn phải sống trong cảnh “Dập dìu lá gió cành chim / Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh", nhục nhã ê chề, nàng lại nhớ cha mẹ -nhớ quê hương, nơi có mái ấm của tình thương yêu:

Bóng dâu đã ngả ngang đầu

Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi

Biết cha già, mẹ yếu, cái bây giờ Thúy Kiều lo là những ngày trái gió, giở trời, oi nồng, giá lạnh và những bát cơm nóng, canh ngọt. Nghĩ về cha mẹ lại nghĩ về phận mình:

Sắn bìm chút phận cỏn con

Khuôn duyên biết cò vuông tròn cho chăng

Trước đấy, Nguyễn Du đã để Kiều bộc lộ suy nghĩ của mình với Thúc Sinh:

Trộm nghe kẻ lớn trong nhà

Ở vào khuôn phép,nói ra mối giường

Tuy không còn phải sống trong cảnh ê chề của lầu xanh nhưng Kiều lúc này không khỏi nơm nớp lo cái uy của “kẻ lớn trong nhà”. Nói cụ thể hơn, cuộc sống Thúy Kiều lúc này mới chỉ tạm ổn trong hiện tại, tương lai thì còn phụ thuộc ở tấn trò đời.

Nhà bị đốt, bản thân bị bắt cóc đem về làm tôi đòi trong nhà Hoạn Thư, thoát khỏi nơi đây, Thúy Kiều lại rơi vào nhà Bạc Hạnh, rồi lại vào lầu xanh lần thứ hai. Được Từ Hải chuộc ra. Sống bên Từ Hải, Kiều thấy an toàn hơn, lòng hướng về cội nguồn lúc này cũng trở nên tha thiết, mãnh liệt hơn.

Đoái thương muôn dặm tử phần

Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa.

Nhìn đám mây trôi, Kiều lại nhớ về quê hương, nhớ tới cha mẹ pha nỗi xót xa về tuổi cao, sức yếu của song thân. Nhớ tổ ấm xưa, Kiều làm sao quên được mối tình đầu mặc dù đến thời điểm này nó đã có một khoảng cách khá dài về thời gian và cũng khá xa về không gian:

Chốc đà mười mấy năm trời

Chuyện xưa nay đã là cũ, vì thế nhắc tới Kim Trọng lúc này, Kiều rất ý tứ:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngỏ ý, còn vương tơ lòng

Chút nghĩa cũ càng trong câu thơ cho ta thấy tình của Thúy Kiều đối với Kim Trọng lúc này gần như đã yên mặc dù có vương ý luyến tiếc cái thời đã xa, đã qua. Điều này phù hợp với sự phát triển lô gích tâm lí của cuộc sống, phù hợp với đạo lí truyền thống của dân tộc. Một người đã qua thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, nhất là ở thời điểm này Kiều đang sống với tư cách là vợ của đại vương Từ Hải nghĩ về người tình xưa chỉ còn vương chút tơ lòng, nghĩa cũ mà thôi. Mặt khác suốt mười mấy năm qua, Kiều luôn cầu mong Thuý Vân giúp mình trả nghĩa chàng Kim, sự này nếu đã thực hiện, chắc chắn chàng cũng đã “con bồng con mang”. Như vậy, nghĩa và tình của Thúy Kiều đối với Kim Trọng có thể được xem là đã trọn vẹn. Mười lăm năm xa cha mẹ, người thân - quê hương cũng là mười lăm năm Thuý Kiều luôn đưa tâm tưởng mình về với quê hương, tình cảm tha thiết ấy sau này gặp Từ Hải, được Từ cảm thông tới mức sâu sắc và hứa:

Xót nàng còn chút song thân

Bấy lâu kẻ Việt, người Tần cách xa

Sao cho muôn dặm một nhà

Cho người thấy mặt là ta cam lòng

Thế mới biết, quê hương luôn là người mẹ tinh thần, là bóng mát che chở cho mỗi tâm hồn xa xứ, giúp họ vượt lên mọi khó khăn để sống ở nơi đất khách quê người. Có thể nói mỗi lần nhớ về cội nguồn - hướng về quê hương, Thúy Kiều như được tiếp ứng một thứ thần dược để đủ sức vượt qua mọi trở ngại trong đời. Tha thiết với quê hương, Kiều đã vận dụng mọi cách để sớm thấy quê hương, thăm dò ý tứ, bàn với Từ lẽ thiệt hơn khi ra hàng:

Công tư vẹn cả hai bể

Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương

Cùng ngôi mệnh phụ đường đường

Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha

Nghĩ là vậy, song chế độ phong kiến không chấp nhận một kẻ làm giặc và một kẻ làm đĩ được sống. Ý nghĩ đẹp đẽ của Thuý Kiều đã bị vùi dập. Đây là bản cáo trạng đanh thép chế độ phong kiên Việt Nam hồi cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỉ XIX nói riêng và chế độ phong kiến ở các nước Châu Á  nói chung.