Người xưa thường nói: Yêu nhau "tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua". Lần giở lại lịch sử dân tộc, chúng ta thấy nhiều mối lương duyên "em ở cùng trời, anh ở cuối đất" như thế, mà một trong những mối tình thơ mộng ấy đã sản sinh ra cho dân tộc ta một người con ưu tú: Đại thi hào dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Du.

 

Cổng làng văn hóa Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh (ảnh: BK)

 

Cụ tổ 9 đời của Nguyễn Du là Trạng nguyên Nguyễn Thiến, quê ở xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây) có người cháu nội là Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm, thời Lê Trung hưng có dự mưu phục lại nhà Mạc, bị thua trận chạy về Nam, giấu hẳn tông tích, sinh cơ lập nghiệp tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hoan Châu (nay thuộc Hà Tĩnh), trở thành người khai sáng ra dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Đến đời thứ 6 thì dòng họ này đã nổi tiếng với Tiến sĩ Nguyễn Huệ (bác Nguyễn Du) và Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775; thân phụ Nguyễn Du).

Cụ Nguyễn Nghiễm làm quan thời vua Lê - chúa Trịnh lên tới chức Tể tướng, Đại tư đồ, tước Xuân quận công. Ngày xưa trai "năm thê, bẩy thiếp" là chuyện thường, quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm dù đã có bà chính thất là Đặng Thị Dương và á thất Đặng Thị Thuyết (em ruột bà chính thất - cùng quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn đem lòng yêu và cưới bà Trần Thị Tần (1740 - 1778), con gái thứ 3 của ông họ Trần làm chức câu kê (kế toán), người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Cặp "trai tài, gái sắc" này đã sinh ra 4 con trai: Nguyễn Trụ (1757 - 1775), Nguyễn Nễ (1761 - 1805) nổi tiếng với ba lần đỗ đầu ở các kỳ: Khảo khóa ở Quốc Tử Giám, kỳ hạch ở huyện Thọ Xương, kỳ thi ở phủ Phụng Thiên, được người đương thời có thơ ngợi ca "Danh ư kinh quốc liên tam tiệp, khoán tại gia đình hựu nhất tân" nghĩa là "Nổi tiếng ở kinh đô với ba lần đỗ đầu, nếp nhà nay lại một lần đổi mới", thi hương đậu Tứ trường (cử nhân), đời Tây Sơn được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, hai lần được vua Càn Long và Gia Khánh khen thưởng về văn tài. Người con thứ ba chính là Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820), người con trai út là Nguyễn Ức (1767 - 1823) lấy vợ ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du xứ Kinh Bắc (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông có tài về xây dựng, được bổ làm Thiêm sự bộ Công, tước Sóc nhạc hầu, giữ chức Giám đốc coi việc ở Nội tạo phủ, phàm các miếu điện xây dựng ở kinh thành Huế đều do tay ông sáng chế vẽ kiểu và trông nom xây cất. Hiện ở làng Phù Đổng còn lưu giữ đôi câu đối do ông cung tiến treo ở hậu cung đền Thánh Gióng có nội dung như sau:

Thiên giáng thánh nhân bình Bắc địa
Địa lưu thần tích trấn Nam bang
Nghĩa là: Trời cử Thánh nhân trừ giặc Bắc
Đất lưu thần tích giữ nhà Nam

Đáng lưu ý là dòng lạc khoản cho biết chính Nguyễn Du là người soạn nội dung câu đối và người viết chữ là Nguyễn Thảng (con Nguyễn Khản; gọi Nguyễn Du - Nguyễn Ức là chú ruột).

Trái tim kiên nghị của quan Tể tướng xứ Hồng Lĩnh - sông Lam chắc đã say đắm vẻ hiền dịu, tài đảm, lại cảm phục nét tinh tế sắc sảo của phụ nữ xứ Bắc nên lại "hoa thơm bứng cả cụm" cưới thêm các bà Nguyễn Thị Xuyên người xã Hoàng Mai, Yên Dũng, Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) và bà Nguyễn Thị Xuân, người xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong, Kinh Bắc (nay thuộc Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) và có lẽ để thêm tình giao kết với xứ Đông, quan Tể tướng lại cưới bà vợ thứ 6 là bà Phạm Thị Lộ, người xã Hải Lộ, Nam Chân xứ Sơn Nam (nay thuộc Nam Định). Có lẽ do quý mến vẻ mộc mạc chân chất, khỏe mạnh của con gái xứ Đông nên sau này quan Tể tướng lại chọn vợ cho cậu Chiêu Bẩy (Nguyễn Du) là con gái của người bạn đồng liêu là Hoàng Giáp Đoàn Nguyễn Thục - người xã Hải An, Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình ngày nay).

Một điều khá lý thú nữa là anh ruột cùng cha khác mẹ với thi hào Nguyễn Du là Nguyễn Điều (1740 - 1786), con bà á thất Đặng Thị Thuyết, tài kiêm văn võ, được phong tước Điều nhạc hầu, Trấn thủ Hưng Hóa cũng lại là con rể của xứ Bắc. Bà vợ hai của Điều nhạc hầu là Nguyễn Thị Nguyện, con gái thứ 4 của Đạt Võ hầu Nguyễn Gia Ngô người xã Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại xứ Bắc (nay là xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Bà Nguyễn Thị Nguyện lại chính là em gái danh nhân Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798), tác giả "Cung oán ngâm khúc". Đôi uyên ương này đã sinh ra Nguyễn Hành (1771 - 1824) - cùng với chú ruột Nguyễn Du là hai người trong An Nam ngũ tuyệt của thi đàn thời bấy giờ.

Như vậy dòng họ Nguyễn danh tiếng xứ Tiên Điền - Hà Tĩnh đã thông gia với dòng họ quý tộc Nguyễn Gia xứ Thuận Thành - Bắc Ninh và chắc rằng nhà thơ Nguyễn Gia Thiều cũng đã có lúc được nghe đến tài thơ trẻ của Nguyễn Du - người em ruột của chú em rể mình là Nguyễn Điều. Tiếc rằng văn tịch cổ không ghi chép được chút gì về quan hệ "Hàn mặc tình" giữa hai nhà thơ lớn - đôi bạn vong niên thời đó. Nhưng điều có thể tin chắc rằng những câu thơ chứa chan tình cảm trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều nhất định đã được Nguyễn Du đọc và có ảnh hưởng đến việc sáng tạo từ ngữ khi thi hào viết Truyện Kiều.

Nhưng chả lẽ dòng họ Nguyễn Tiên Điền lại chỉ ưu tiên nhập "nữ tú" của đồng bằng sông Hồng về làm dâu trong phủ quan Tể tướng ở Kinh thành Thăng Long thôi sao? Ca dao có câu: "Chim khôn đậu nóc nhà quan, trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng". Quan Tể tướng cũng rất tinh đời khi lại làm cả việc "tìm chồng" cho các cô con gái rượu của mình. Người con gái cưng của Nguyễn Nghiễm với bà ba Trần Thị Tần là Nguyễn Thị Diên (chị ruột thi hào Nguyễn Du) được gửi gắm cho Vũ Trinh (1759 - 1828), một trai tài thuộc danh gia vọng tộc họ Vũ ở Xuân Lan, huyện Lương Tài trấn Kinh Bắc (nay là huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Chàng rể này cũng là một thi nhân nổi tiếng với tập thơ Nôm "Cung oán thi" tròn 100 bài và tập truyện "Lan Trì kiến văn lục". Năm 1809 được cử đi sứ sang nhà Thanh, về nước được thăng Hình bộ Tả tham tri, Lai Sơn hầu và được cùng Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành soạn "Hoàng Việt luật lệ" - thường gọi là luật Gia Long. Cũng chính vì mến mộ văn tài của ông anh rể này nên thi hào Nguyễn Du đã đưa cho ông đọc Truyện Kiều đầu tiên. Đến nay chúng ta còn được biết đến khá nhiều lời phẩm bình của Lan Trì ngư giả Vũ Trinh về Truyện Kiều.

Bà vợ thứ 6 của quan Tể tướng cũng sinh được 3 tiểu thư khuê các và đều gửi thân vào nơi lầu son gác tía cả. Chị cả là Nguyễn Thị Chính lấy chồng là Lê Quý Tá đậu Giải nguyên, người Diên Hà xứ Sơn Nam (nay là Thái Bình). Chị hai là Nguyễn Thị Tuyết làm cung nhân trong phủ Đoan Vương và  cô út là Nguyễn Thị Ninh lại tìm về xứ Bắc, lấy chồng là Vũ Trạch người xã Xuân Lâm, huyện Lương Tài.

Như vậy trong dinh thự quan Xuân quận công ở Kinh thành Thăng Long có tới 4 bà phu nhân, 3 nàng dâu, 4 chàng rể là người ở đồng bằng sông Hồng. Trong đó 3 bà phu nhân, 2 nàng dâu, 2 chàng rể là người ở xứ Kinh Bắc. Các ông bà chủ này cùng với hàng trăm gia nô, a hoàn, đầy tớ trong nhà và các bạn học ở Kinh thành Thăng Long đã là môi trường sinh động tạo thành kho ngữ liệu phong phú mang đậm nét tình tứ trau chuốt của các làn điệu quan họ Kinh Bắc, sự đằm thắm lung linh của chèo và dân ca sông Hồng, nét hào hoa thanh lịch của Kinh thành Thăng Long và kế thừa chất thâm trầm sâu sắc, đa nghĩa của ngôn từ xứ Nghệ tạo thành nền tảng vững chắc để thi hào Nguyễn Du chắt lọc và sáng tạo nên Truyện Kiều bất hủ.

Do vậy có lẽ cùng với câu ngợi ca "nam tài, nữ giỏi" quen thuộc: "Trai Cầu Vồng - Yên Thế, gái Nội Duệ - Cầu Lim", ngày nay chúng ta biết được rằng từ trước đó rất lâu ở nước ta đã xuất hiện nhiều mối duyên tình "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" giữa:

Trai Tiên Điền - Hồng Lĩnh
Gái Kinh Bắc - Từ Sơn.

Và nhờ vậy đã sản sinh cho dân tộc rất nhiều người con ưu tú làm rạng danh non sông đất nước