Chúng ta đã nói khá nhiều về Truyện Kiều. Trong các tác phẩm  văn học cũ của dân tộc ta  chưa có tác phẩm nào được nói đến nhiều như Truyện Kiều (1). Tuy vậy, cho đến nay, vấn đề Truyện Kiều vẫn còn là một vấn đề chưa hoàn toàn giải quyết. Về Truyện Kiều, chúng ta còn có thể nêu lên nhiều vấn đề để tiếp tục thảo luận. Trong những vấn đề đó thì vấn đề cấp thiết nhất là cần có một bản Kiều quốc ngữ tương đối đúng với nguyên tác.

Vì sao vậy ?

Một sự thật hiển nhiên là nhân dân ta rất yêu mến Truyện Kiều. Theo kết quả sơ bộ đều tra thì từ hòa bình lập lại đến nay Truyện Kiều chiếm số lượng phát hành lớn nhất trong các tác phẩm xuất bản. Đã có năm nhà xuất bản in lại Truyện Kiểu. Đối với một tác phẩm được nhân dân hoan nghênh như thế, cần phải có những bản in chính xác.

Đối với những người nghiên cứu, giảng dạy văn học thì việc có được những tác phẩm đúng với nguyên tác là điều hết sức quan trọng. Ngôn ngữ, hình tượng cụ thể của tác phẩm là căn cứ trọng yếu nhất của công tác nghiên cứu văn học. Có nắm được đúng nguyên tác của tác phẩm thì mới có cơ sở chắc chắn để phân tích, đánh giá tác phẩm, xác định ngôn ngữ của thời đại, bút pháp của tác giả một cách chính xác.

Đó là chưa nói đến vấn đề cần có nguyên tác đúng đắn trong việc san truyện cổ thành kịch bản cải lương, kịch bản điện ảnh, hoặc để trao đổi văn hóa với nước ngoài là những  vấn đề cụ thể hiện nay đương trở thành yêu cầu cấp thiết.

Trong các bài, sách nghiên  cứu văn học ta  thường thấy hiện tượng khi trích dẫn nguyên văn truyện cổ, người nghiên cứu không theo hẳn một bản nào cả. Câu thi dựa bản này, câu thì theo bản nọ, hoặc là tùy tiện sửa đổi theo ý riêng để trích dẫn. Có khi trong cùng một số tạp chí, đối với một câu thơ của nguyên bản, mỗi bài trích dẫn một khác.

Đối với người nước ngoài nghiên cứu văn học Việt-nam thì vấn đề lại càng khó khăn .Dựa theo bản nào để giới thiệu và phiên dịch? Khi nhà thơ Liên-xô An-ta-côn-ski hỏi một vài nhà nghiên cứu nước ta, nên dựa theo bản Kiều nào để dịch ra tiếng Nga, thì ai cũng cảm thấy thật khó trả lời. Vì trả lời bản nào thì cũng không khỏi áy náy !.

Chúng ta cần tiến tới có những bản in chính thức, bản in của Nhà nước về các tác phẩm cổ điển. Từ trước đến nay việc đó hầu như là độc quyền của các nhà xuất bản tư nhân. Có nhà xuất bản, vì động cơ kinh doanh vụ lợi, đã in ra những tác phẩm hiệu đinh, chú thích rất cẩu thả. Bản Kiều quốc ngữ của Nguyễn Can Mộng là một dẫn chứng điển hình cho việc sửa chữa văn chương cổ nhân một cách vô trách nhiệm.

Cách mạng tháng Tám thành công thì tiếp liền là kháng chiến, cho nên chúng ta chưa có điều kiện tiến hành việc hiệu đính, chú thich các tác phẩm cổ một cách chu đáo và có hệ thống. Hòa bình lập lại, do nhu cầu đòi hỏi, các nhà xuất bản Giáo dục, Văn sử Địa, văn hóa, Phổ thông... đã bắt đầu làm việc đó Một số văn bản tác phẩm cổ điển đã được tra cứu và xuất bản. Nhưng vấn đề tra cứu văn bản Truỵện Kiều cho thấu triệt vẫn chưa được đặt ra (2). Trong sự chậm trễ đó, phải chăng có cả lý do dè dặt vì thận trọng ? Việc hiệu đính Truyện Kiều  tác phẩm ưu tú và tiêu biểu nhất trong di sản văn học cổ, quả tình có phức tạp hơn và xứng đáng được thực hiện một cách chu đáo đặc biệt.

Với thái độ trân  trọng di sản văn học cổ, nay đã đến lúc chúng ta cần đặt vấn đề  tra cứu văn bản toàn bộ các truyện nôm cổ một cách thấu triệt và trước hết là văn bản Truyện Kiều.

VÌ SAO NGUYÊN TÁC TRUYỆN KIỀU BỊ SAI LẠC ?

Nguyên nhân chính và có tính cách phổ biến khiến các truyện-nôm cổ dần dần sai lạc với nguyên tác là lý do chữ Nôm. Chữ Nôm thoát thai từ chữ Hán, là một thứ chữ chưa được chế định một cách khoa học, hợp lý, nhất là chưa được phổ biến và thống nhất hoàn toàn giữa các địa phương. Giai cấp phong kiến thống trị coi trọng chữ Hán, rẽ rúng chữ Nôm — « nôm na mách qué » — là nguyên nhân khiến cho chữ Nôm không thể trở thành một văn tự hoàn chỉnh (3). Cớ nhiều chữ Nôm, mỗi nơi, mỗi người, viết một lối — gặp tiếng khó, kiếm không ra chữ, thì viết dựa dẫm, gò gẫm bằng chữ Hán. Từng người, cứ lấy ý riêng mình, thấy từa tựa chữ gì, gần nghĩa chứ gì, thì viết theo chữ đó. Cái dấu phẩy chuyển âm trong chữ Nôm lại càng rắc rối, và khộng có quy định gì thống nhất, chặt chẽ. Những người đọc chữ Nôm cứ phải vừa đọc, vừa đoán. Người ta thường nói « đoán » chữ Nôm. Người đoán chữ Nôm phải có học thức ngang với người viết, thậm chí phải đồng quê đồng quận, am hiểu tính tình, giọng văn của người viết, thì  việc đoán đó mới ít sai lạc. Nhưng đã « đoán », nhất là lấy ý riêng một người mà đoán cả một cuốn sách, thì tránh sao khỏi sai lầm ?

Thợ khắc bản in gốc trình độ văn hóa lại thường kém, nên nhiều khi «chữ tác lại đánh ra chữ tộ, chữ ngộ đánh ra chữ quá » (4). Có khi trong một bản lỡ khắc sai một vài chữ, người ta cũng ngại khắc lại (người khắc bản gỗ xưa chưa có sáng kiến in bảng đính chính chữ sai như ngày nay). Mặt khác, chữ khắc gỗ lại chóng mòn, hình chữ in mờ, nét khắc sứt mẻ, cũng có thể làm cho người đọc lầm lẫn.

Chữ Nôm đã thế, đến khi từ chữ Nôm phiên âm sang chữ quốc ngữ thì sự lầm lẫn lại càng khó tránh. Nhất là có người làm việc đó một cách cẩu thả, gặp các chữ thổ âm, cổ ngữ khó đọc, họ cho là « vô nghĩa », lại lười biếng không chịu suy nghĩ, tra cứa cho kỹ, hoặc không thận trọng đặt thành vấn đề nghi vấn để người khác tiếp tục tra cứu, mà lại thường tự tiện sửa đổi, viết bừa theo ý riêng, miễn cho hợp vần (5) xuôi nghĩa là được.

Có những chữ Nôm mượn hình chữ của chữ Hán, nhưng âm đọc và ý nghĩa mỗi chữ một khác. Ví dụ. câu " gẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay ". Chữ dành các bản Nôm cổ đều chép là chữ đình, chữ ấy dùng làm chữ Nôm thì đọc là đành, dành, đều được cả, nhưng theo nghĩa trong câu này thì phải đọc là dành.

Câu « Nào người tiếc lục tham hồng là ai». Chữ Nôm không có chữ tiếc, nên các bản Nôm viết chữ tích. Bản Kiều Quốc ngữ của Nguyễn văn Vĩnh và Bùi Kỷ viết là " Nào người tích lục tham  hồng là ai " thì câu văn không được rõ nghĩa. Tản Đà và Nguyễn Văn Tố đọc là « Nào người tiếc lục tham hồng là ai » có lẽ đúng hơn.

Trên đây là những lý do chính của nạn «tam sao thất bản » khiến  các truyện nôm cổ dần dần sai lạc với nguyên tác. Trường hợp truyện Kiều lại còn có những lý do riêng thuộc về hoàn cảnh cụ thể của nó.

Cho đến nay, mọi người đều nhận rằng : bản Kiều chữ Nôm in sớm nhất là bản của Phạm quý Thích, in ở phố Hàng Gai, Hà-nội. Người ta kể lại rằng : Khi viết xong truyện Kiều, Nguyễn Du liền đưa bản thảo của mình cho người bạn văn chương tri kỷ và đồng tâm sự là Phạm quý Thích xem (6). Rất có thể Phạm là độc giả đầu tiên của truyện Kiều. Điều chắc chắn là ông rất ham thích truyện Kiều, nên đã đem đọc cho học trò nghe, và thày  trò mở cuộc vịnh Kiều với nhau. Chính ông đã có sửa chữa lại bản thảo của Nguyễn Du  chủ yếu là chữa một số tiếng thổ âm Nghệ-Tĩnh ra tiếng Bắc, đổi tên sách «Đoạn trường tân thanh » thành « Kim Vân Kiều tân truyện" và đem khắc in. Bản Kiều đó được gọi là bản Phường. Có lẽ từ bản này mà có bản Quán văn đường, Phúc văn đường. Ông lại làm một bài thơ chữ Hán vịnh Kiều. Bài thơ đó chứng tỏ rằng đối với thân thế nàng Kiều, thân thế Nguyễn Du, ông có sự thông cảm đặc biệt sâu sắc. Tương truyền rằng bài dịch nôm « Giọt nước Tiền đường chẳng rửa oan...» cũng là do chính ông tự dịch. Trong biết bao nhiêu bài thơ vịnh Kiều, hai bài này được truyền tụng nhất. Hai bài thơ đó có thể xem như là bài Tựa bản Kiều Nôm xuất bản lần thứ I. Các bản Kiều Nôm về sau thường in bài thơ Nôm này lên đầu. Như vậy bản Kiều Nôm của Phạm quý Thích là bản gần nguyên tác nhất.         

Gia đình Nguyễn Du có kể lại rằng: năm Tự Đức tứ tuần đại khách (7) triều Nguyễn có truyền cho họ Nguyễn Tiên-điền phải nộp hai bản Kiều. Họ Nguyễn đã chép ba bản: một bản nộp tỉnh đường Nghệ-an, một bản nộp Quốc sử quán Kinh đô, một bản đưa vào cung nội. Tự Đức đã tự ý sửa chữa bản đó nhiều chỗ rồi cho in. Đó là bản Kinh.

Đình nguyên Đào nguyên Phổ có mang một bản từ Kinh ra Bắc tặng Phó bảng Kiều oánh Mậu, bản đó có chữ phê của hai danh nho đồng thời với Nguyễn Du là Liên - trì Vũ Trinh và Châu-giang Nguyễn Lượng. Kiều oánh Mậu hiệu đính lại và đem khắc bản. Đó là cuốn " Tân khắc Đoạn trường tân thanh " bằng chữ nôm, xuất bản năm Thành Thái Nhâm-dần (1902).

Như thể là nguyên bản truyện Kiều, ngay trong các bản nôm cổ nhất, cũng đã bị sửa chữa. Đó là chưa kể khi Truyện Kiều được phổ biến rộng rãi, thì nhân dân trong quá trình thưởng thức cũng đã tham gia việc sửa chữa tác phẩm ưu việt đó. Cho nên đến nay, không thể đặt vấn đề khôi phục nguyên vẹn tác phẩm Truyện Kiều, mà chỉ có thể đặt vấn đề tra cứu một bản Kiều tương đối đúng với nguyên tác. Trong công tác đó cần tìm cho được những bản Nôm cổ nhất bất kể là  bản chép tay, hay là bản in, để làm căn cứ tra cứu (8).

MẤY NHẬN XÉT CHÍNH VỀ CÁC BẢN KIỀU QUỐC NGỮ

Khi đặt vấn đề dựa vào các bản Nôm nhất để tra cứu lại từ đầu nguyên tác Truyện Kiều, chúng tôi. không cỏ ý phủ nhận các bản Kiều quốc ngữ đã có. Một số bản Kiều quốc ngữ là bản phiên âm một số bản nôm cổ này đã thất truyền. Và không ai phủ nhận tinh thần tra cứu văn bản Truyện Kiều một cách nghiêm túc — thể hiện thái độ trân trọng văn chương tiền nhân — của các nhà nghiên cứu như Trương vĩnh Ký, Bùi Khánh Diễn, Bùi Kỷ, Tản Đà, Lê văn Hòe... Nhưng một sự thật hiển nhiên là mọi người đều chưa bằng lòng về  các bản Kiều Quốc ngữ đã có.

Bản Kiều Quốc ngữ của Trương vĩnh Ký là bản Kiều bằng chữ  Quốc ngữ có sớm nhất, nhưng bản đó lại có rất nhiều lầm lỗi, thiếu sót. Sở dĩ như thế, lý do tưởng cũng dễ hiểu: vì đó là một trong những tác phẩm đầu tiên được phiên âm ra chữ Quốc ngữ (9), việc  phiên âm chưa có nhiều kinh nghiệm.

Bản của Bùi Kỷ và Trần trọng Kim là bản tương đối có giá trị nhất, và có lẽ là bản được dùng nhiều nhất trong các nhà trường. Bản Kiều này chủ yếu dựa theo một bản Nôm chép tay của ông Nghè Nguyễn Mai, cháu Nguyễn Du, và có đối chiếu với một số bản Kinh, bản Phường thông dụng khác. Hai tác giả của nó — Bùi Kỷ là người có vốn Hán học chắc chắn và Trần trọng Kim, quê Hà-Tĩnh, là người am hiểu thơ ngữ Nghệ -Tĩnh, đã cùng  phối hợp sở đắc để tra cứu nên bản Kiều có già trị đó. Nhưng đến nay đối với bản Kiều này, nhiều người đã chỉ ra nhiều sai lầm quan trọng, và chính một tác giả của nó — cụ Bùi Kỷ — cũng không còn hài lòng về nó nữa.

Trong thời kỳ Hà-nội tạm bị chiếm, ông Lê văn Hòe có xuất bản một bản Kiều có tính chất nghiên cứu. Tài liệu sưu tập được nhiều, chú giải kỹ càng; phải nhận đây là một bản Kiều có công phu. Một khuyết điểm của bản này là trong khi biện bác về khảo dị, nhiều chỗ sa vào suy luận chủ quan mà thiếu  luận cứ khoa bọc.

Nếu chúng ta đem tất cả các bản Quốc ngữ hiện nay đối chiếu với một bản Nôm xưa, ví dụ với bản Kiều oánh Mậu chẳng bạn, thì  chúng ta dễ dàng nhận thấy các bản Quốc ngữ văn từ trơn tru hơn, chải chuốt hơn, hoàn mỹ hơn. Quả tình Truyện Kiều của chúng ta đã trẻ ra nhiều quá !

Đối chiếu các bản Kiều  quốc ngữ với nhau chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm sai khác đáng suy nghĩ : « Phong tình có lục» hay " Phong tình cổ lục ", « Gia tư nghỉ cũng thương thường bậc trung » hay "Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung ", « Ngựa xe   như nước áo quần như nêm » hay «như nen », « Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa » hay « Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa », " Thì chi chút ước gọi là duyên sau » hay " Thì chi chút đỉnh,gọi là duyên sau ", « Vạch ra cây vịnh bốn câu ba vần » hay " tám câu tư vần ", « gặp tuần đố lá » hay " đỏ lá ", " Tháng tròn như gửi cung mây" bay « nằm tròn như cuội cung mây » hay "như thỏ cung mây », " Bụi hồng lẻo đẻo đi về chiêm bao" hay « Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao », « Cứ trong tướng pháp lắm thầy chê bơi » hay « có người tướng sĩ đoán ngay một lời », « Rụng rời khung  dệt tan tành gói may» hay " Toang hoang khung cửi tan tành gói maỵ" haỵ " Rụng rời giọt liễu, tan tành gối mai "

Những chỗ sai khác từng câu, từng chữ như thế giữa các bản Kiều có rất nhiều. Một số chỗ lại sai khác nhau cả một đoạn. Ví dụ  đoạn Kim Trọng nhận được tin nhà có tang có bản chép :

Mở xem thủ bút nghiêm đường
Nhắn rằng : Thúc phụ xa đường mệnh chung
Hãy còn ký táng Liêu-đông,
Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê
Rằng đưa linh thấn về quê
Thế nào con cũng phải về hộ tang

Sáu câu đó, nhiều bản khác rút lại có 4 câu :

Đem tin thúc phụ từ đường
Bơ vơ lữ thấn tha phương đề huề
Liêu-dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang

Đoạn trên lời lẽ dài dòng và thật thà hơn, nhưng xét chữ dùng, giọng văn trong cả hai đoạn thì đều có vẻ của Nguyễn Du, chính tác giả chữa lại chăng ?

Từ trước đến nay nhiều người đã  nêu lên sách báo nhiều điểm sai khác lầm lẫn như thế trong các bản Kiều (10), chúng ta cần thu thập tất cả những ý kiến đó lại, mặt khác cần tiếp tục tra cứu đối chiếu các bản để phát hiện thêm những lầm lẫn khác, để chính thức đặt tất cả các vấn đề đó dưới sự xét định của một hội đồng nghiên cứu.

Bên cạnh vấn đề tra cứu nguyên bản, tưởng cũng cần nói qua vấn đề chú thích (11). Một khuyết điểm có tinh cách phổ biến trong vấn đề này là xu hướng tầm chương trích cú, kể lẻ dài dòng các điển cố và gò tất cả các câu Kiều vào thơ cổ Trung-quốc. Có khi điển cố được trích dẫn không ăn gắn gì với câu thơ chú giải. Hoặc dẫn điển thì đúng, nhưng chưa gắn  được điển vào văn, chưa vận dụng được điển để làm sáng nghĩa câu văn, và dụng ý của tác giả khi dùng điển đó.

Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của văn học cổ điển Trung-quốc, của Đường thi, đối với các nhà thơ của ta  vận dụng điển tích Trung-quốc để diễn đạt là một đặc điểm nghệ thuật của văn học cổ điển Việt-nam. Điển  cố có thẻ làm cho câu thơ thành khúc mắc, khó hiểu, nhưng ngược lại, cũng có thể làm cho câu thơ thành hàm súc, thâm thúy. Nhưng đọc qua một số bản chú giải người ta có cảm giác rằng cái hay của Truyện Kiều, tài nghệ của Nguyễn Du không phải chỗ tiếp thu một cách đầy tinh thần sáng tạo ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung-quốc, trên cơ sở phát huy tinh hoa của văn học dân gian và văn học cổt điển của dân tộc ta, mà là ở chỗ câu nào cũng bắt chước được một chút cổ thi, cũng gài được một điển cố Trung-quốc. Thật là vô lý hết sức khi khẳng định rằng chữ tuyệt diệu trong câu « Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tính » là lấy chữ của Thái Ung đời Hậu Hán, phê vào một bài văn bia rằng " tuyệt diệu hảo từ " hoặc cho chữ « suối vàng » trong câu « Họa là người dưới suối vàng biết cho » là lấy  chữ trong một câu của Tả truyện « Bất cập hoàng tuỵển vô tương kiến giả»; hoặc nói « Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ» nên để là " hoa gãy " thì đúng với ý câu thơ Đường « nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn , bình trầm hoa chiết dĩ đa thời» hơn. Nhiều bản dẫn câu " Bách niên cảnh nhi ngã do vi nhân " trong Trang tử để giải nghĩa chữ " cõi " trong câu « Trăm năm trong cõi người ta ».

Về mặt chú thích, phải nhận rằng bản Kiều của Tản Đà chú giải ngắn  gọn và có phần đặc sắc, sáng tạo.

MẤY Ý KIẾN VỀ PHƯƠNG PHÁP TRA CỨU MỘT BẢN KIỀU QUỐC NGỮ MỚI

Để có thể tra cứu một bản Kiều quốc ngữ tương đối đúng với nguyên tác, trước hết chúng ta cần thống nhất quan niệm về một số vấn đề cụ thể :

—        Thứ nhất là cần nhận thức đúng mức tầm quan trọng của công việc tra cứu, chú thích cổ văn. Hiện nay, việc này ít được các nhà nghiên cứu quan tâm tới. Phải chăng vì nó là một công việc không, được hứng thú cho lắm, mà lại tốn nhiều thì giờ ? về mặt này, chúng ta cần học tập tinh thần nhẫn nại của nhà khảo cổ đáng kính đã hy sinh trong kháng chiến : cụ Nguyễn văn Tố.

Thứ hai, là cần xác định quan niệm có nên khôi phục nguyên tác của tác phẩm cổ không? Chúng tôi thấy rất cần. Vì chúng ta trân trọng văn chương cổ nên chúng ta phản đối việc tự tiện lấy ý riêng để sửa chữa văn chương của cổ nhân một cách bừa bãi. Chúng ta muốn tác phẩm xưa giữ đúng màu vẻ xưa của nó với những thổ âm, cổ ngữ, và đó chính là cơ sở khoa học của công tác nghiên cứu văn học của chúng ta.

Thứ ba, để tra cứu được một nguyên bản tương đối đúng, chúng ta cần phải dựa vào bản Nôm cổ nhất. Nhưng cụ thể là dựa vào bản nào? Trên nguyên tắc, chắc ai cũng đồng ý coi trọng bản nôm hơn bản quốc ngữ, trong các bản nôm coi trọng bản Phường hơn bản Kinh. Nhưng trên thực tế thì bản Phường chính thức của Phạm quý Thích hiện không còn nữa, bản Kinh Kiều oánh Mậu lại có trước hai bản Phường Quan văn đường,Phúc văn đường hiện còn lưu hành. Bản phường Quan văn đường lại có nhiều chỗ lầm lẫn hơn cả bản Kinh Kiều oánh Mậu, còn bản Phúc văn đường thì lại mới in năm 1939. Bản Kinh Kiều oánh Mậu cũng không phải hoàn toàn giống bản Kinh của Tự Đức. Viện Bảo tàng cách mạng cũng có một bản Nôm  của gia đình Nguyễn Du gửi tặng, nhưng cũng không thấy  đề rõ  năm  nào. Vì vậy, thật khó chọn một bản Nôm nào để  làm chuẩn.  Dẫu  sao, chúng ta vẫn hy vọng còn có thể phát hiện được những bản Nôm cổ nhất (12). Trong điều kiện cụ thể hiện nay, chúng tôi đề nghị dựa vào các bản Nôm sau đây:

—        Tân khắc Đoạn trường tân thanh do Kiều oánh Mậu chứ giải.

—        Bản Phường Quan văn đường

—        Bản Nôm của Viện Bảo tàng cách mạng

Trên cơ sở đối chiếu các bản Nôm đó, trong những trường hợp cần thiết sẽ đối chiếu với các bản Kiều quốc ngữ tiêu biểu như của Trương vĩnh Ký, Nguỵễn văn Vĩnh, Bùi khánh Diễn, Bùi Kỷ, Tản Đà, Lê văn Hoè... có thể đối chiếu với cả những bản Pháp văn để thấy cách hiểu ý từng câu thơ Kiều của các dịch giả. Chúng ta sẽ dựa vào hình chữ nôm và tiếng cổ, dựa vào vị trí và ý nghĩa của chữ trong câu, dựa vào tính thống nhất trong diễn biến của tình tiết và tâm trạng nhân vật để xác định nguyên nhân sai lạc của từng chữ, trên cơ sở đó mà đoán định từng chữ một. Việc đoán định đó phải hết sức thận trọng. Chỗ nào đã có đủ bằng chứng xác đáng thì đính chính lại, chỗ nào chưa đủ bằng chứng thì cứ nêu thành nghi vấn tồn tại.

Trong vấn đề tra cứu nguyên bản Truyện Kiều việc đối chiếu với bản Kim Vân Kiều truyện chữ Hán của Thanh Tâm tài nhân cũng có thề giải quyết được một số trường hợp nhất định.

Về chú thích, thì cần chú ý những chỗ khó hiểu nhất trong tác phẩm. Gặp điển cố thì cần giảng điển cố, nhưng cần chọn điển sát nhất với câu thơ. Tránh dẫn quá nhiều điển na ná giống nhau ở nhiều sách khác nhau để giảng một câu thơ. Tránh lối nhân gặp điển đề giảng gỉai dài dòng về điển. Chỉ thuật lại điển trong chừng mực vừa đủ để hiểu nghĩa câu thơ đó. Việc chú thích cần làm nổi bật phàn cống hiến sáng tạo của tảc giả. Không phải chỉ đối chiếu «thơ Kiều với thơ cổ Trung-quốc mà còn cần nêu rõ ảnh hường qua lại giữa Truyện Kiều với ca dao  tục ngữ và với các tác phẩm cổ điển khác như Phan Trần, Bích câu kỳ ngộ, Mai đình mộng ký, Hoa tiện, Chinh phụ ngâm, v.v...

Trong việc chú thích, cần nắm vững đối tượng độc giả của từng loại bản Kiều: một bản Kiều phổ thông tất nhiên yêu cầu chú thích phải khác một bản Kiều nghiên cứu. Lời chú thích cần hết sức cô đọng mà vẫn rõ ý.

Trên đây, chúng tôi đã nêu lên một số ý kiến chung quanh vấn đề tra cứu một bản Kiều quốc ngữ tương đối đúng với  nguyên tác, nhằm đáp ứng một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tất nhiên là để có thể đáp ứng yêu cầu đó một cách kịp thời, chúng ta không thể quá cầu toàn. Càng không thể nghĩ rằng chỉ một lần tra cứu là có thể có ngay được một bản Kiều chính xác, tuyệt đối hơn hẳn các bản Kiều quốc ngữ đã có. Mà còn cần phải làm đi làm lại nhiều lần. Để đảm bảo kết quả được tốt, nên có một tập thể phụ trách việc tra cứu chú thích, và sau đó cần có một hội đồng có khả năng  duyệt lại. Sau lúc  xuất bản sẽ thu thập ý kiến rộng rãi của độc giả để tiếp tục  việc tra cứu chỉnh lý.

Danh sách các bản KIỀU bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp  (xếp theo thứ tự năm xuất bản)

BẢN NÔM

1.Kim Vân Kiều tân truyện, Phạm quý Thích khắc bản,  in ở Hà-nội, phố Hàng Gai, không rõ năm xuất  bản

2.Kim Vân Kiều  tân truyện Tự Đức sửa chữa và cho  in ở Huế, không rõ năm xuất bản

3.Tân khắc Đoạn trường tân thanh, Kiều oánh Mậu hiệu đính và chú giải, in ở Hà-nội, năm Thành Thái, Nhâm-dần 1902

4.Kim Vân Kiều, Quan văn đường tàng bản

5.Kim Vân Kiều chú , Nguyễn nghi Xuân

6.Kim Vân Kiều , Bùi khánh Diễn chủ giải, in năm Thành Thái XIV 1902

7.Kim Vân Kiều tân truyện,Hà-nội, Phúc văn Đường, năm Kỷ-mão 1939, niên hiệu Bảo Đại

BẢN QUỐC NGỮ

8.Poème Kim Vân Kiều truyện, transcrit pour la lère fois en quốc ngữ avec des notes explicatives par Trương vĩnh Ký. Sài-gòn, Bản in Nhà nước, lère ẻđit 1875

9. Kim Vân Kiều (dịch ra quốc ngữ, có chú dẫn các điển tích) Nguyễn văn Vĩnh, Hà-nội, hiệu Ích Ký, bản in lần thứ 2, năm 1912

10. Kim Vân Kiều chú thích. Bùi khánh Diễn, Hà-nội, nhà in Ngô tử Hạ, 1923

11.Truyện Thủỵ Kiều, Ngô tử Công, Hà-nội, nhà in Ngô tử Hạ, in lần thứ 2, năm 1925

12.Truyện Thúy Kiều, Bùi Kỷ và Trần trọng Kim, Hà-nội, Vĩnh Hưng Long thư quán, bản in lần thứ 2, năm 1927

13.Kim Vân Kiều transcrit en quốc ngữ et publié par Nguyễn ngọc Xuân, 1927

14.Kiều truyện, dẫn giải, Hồ đắc Hàm, Huế, Imp. Đắc lập. 1929.

15.Dẫn giải truyện Kim Vân Kiều, Huyền mặc đạo nhân, Sài-gòn, Tín đức thư-xã, 1930.

16.Truyện Kiều, Nguyễn can Mộng, Hà-nội, Imp. Ideo, 1936.

17.Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Nguyễn khắc Hiếu, Hà-nội, Edit. Tân Dân, 1941

18.Kim Vân Kiều tân truyện, Vũ Đăng, Hà-nội, hiệu Quảng Thịnh, 115 Hàng Gai, in lần thứ 21, 1943.

19.Kim Vân Kiều, Đồ Nam cư sĩ hiệu đính, Ngày nay. Chưa rõ năm xuất bản.

20.Kim Vân Kiều, Paris, Imp. Paul   Dupont — Nhà xuất bản Văn học, 1951

21.Kim Vân Kiều, Hà-nội, Quảng-tế, 1952

22.Truyện Thúy Kiều, Hoàng trung Chính, Trần Ngọc, Nguyễn Huy hiệu đính và chú giải, Hà-nội, Á Châu, 1952.

23.Truyện Kiều chú giải, Lê văn Hòe, Hà - nội, Quốc học thư xã 1953

24.Kim Vân Kiều, Nguyễn việt Hoài, Hà-nội, Kuy-sơn, 1957.

25.Kim Vân Kiều, Vinh, Hòa Bình, 1957.

26.Kim Vân Kiều, Hà-nội, Bình Dân 1957.

27.Kim Vân Kiều, Hà-nội, Tân Mỹ, 1957.

28.Truyện Kiều, Bùi Kỷ, Hà-nội, Nhà xuất bản Phổ thông, 1958.

BẢN PHÁP VĂN

29.Kim Ván Kiều tân truyện, publié et traduit pour la Ièro fois par Abel des Michels, Paris, Eroest Leroux, tome I : 1884, tome II : 1885.

30.Kim Vân Kiều tân truyện, poème populaire annamite dívise eo chants et suivi d'une tabie traduite en franọais, transcrit ct publié par Edmond Nordemann, Huế, Imp. Alfred Norđemann.

31.Kim Vân Kiều, poème populaire annamite ađapté en fraDẹais, Thu giang, Paris, Chaliamei, 1915.

32.Kim Vân Kiều, le célèbre poème annamite de Nguyễn Du, trađuit en vers franọais par René Crayssac, Hà-nội, Lê văn Tân Editeur 1926.

33.Kim Vân Keon, roman traduit de l'Annamite, L. Massé, Paris, Bossard, 1926.

34.Kim Vân Kiều, J. A. Gallégo, Imp. de Qui-nhơn 1934

35.Nouvelle tradaction da truyện Thúy Kiều, Nguyễn văn Vĩnh Hà-nội, Alexanđre de Rhodes, 1942

36.Kim Vân Kiều, M. R., Hà-nội, Alexandre de Rhođes, 1944

37.Kim Vân Kiều , Hà-nội, Taupin 1944.