Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà).

 

Tiêu bản xương hàm răng và bàn chân cá thể tê giác (ảnh: Hạnh Lê)

 

Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc được các nhà nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam khai quật nhiều lần qua các năm trước đây và đã phát hiện nhiều hiện vật với nhiều loại hình khác nhau  (công cụ bằng đá sa thạch, đồ gốm, đồ trang sức, xương, răng động vật và bộ hài cốt người cổ có niên đại cách ngày nay trên 4.000 năm).

 

Khai quật lần này có diện tích 100 m2, trong các hố khai quật các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật công cụ đá, đồ gốm có  hoa văn khắc vạch, hoa văn thừng, gạch chéo và chấm tròn, xương răng động vật, hàm răng và bàn chân của cá thể con tê giác.

 

Quá trình khai quật đã phát lộ 1 tiêu bản gốm đáy nhọn, có màu sắc, hình dáng giống với gốm đáy nhọn tại di chỉ khảo cổ học Phôi Phối (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) được khai quật năm 1976.

 

Phát lộ này có ý nghĩa quan trọng mở thêm hướng nghiên cứu mới về sự tương đồng giữa hai di chỉ Thạch Lạc và Phôi Phối thuộc nền văn hóa Hậu kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay từ 4000 - 5000  năm.