Họa sĩ Nguyễn Đức Đàn dùng ngôn ngữ hội họa diễn tả những cảm xúc với "Truyện Kiều". Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm "Đàn - Xê dịch".

 

 

Tác phẩm "Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư".

 

Nguyễn Đức Đàn sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật đã theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp. Anh dành tình yêu lớn cho sơn mài - chất liệu truyền thống của dân tộc, nhưng lại thể hiện bằng bút pháp hiện đại.

 

Tại triển lãm cá nhân đầu tiên, Nguyễn Đức Đàn trưng bày 55 tác phẩm sơn mài. Trong đó, anh gây ấn tượng với loạt tranh lấy cảm xúc từ Truyện Kiều. Nguyễn Đức Đàn nói, anh đọc nhiều sách văn học, và yêu thích tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du bởi vẻ đẹp ngôn ngữ, nhạc cảm, hình ảnh, và những giá trị nhân văn. Bằng ngôn ngữ hội họa, họa sĩ thể hiện cảm xúc với những đoạn thơ đẹp của Nguyễn Du. Các bức tranh của Đức Đàn không phải là minh họa cho tác phẩm văn học, mà là những cảm xúc từ tác phẩm thi ca trác tuyệt của dân tộc. Khi Nguyễn Du thể hiện tiếng đàn của Thúy Kiều với nhiều cung bậc, cảm xúc thì trong tranh Đức Đàn, hình ảnh Thúy Kiều cũng được họa với sự đa dạng của phong cách, bút pháp.

 

Bức tranh Kiều đánh đàn cho Kim Trọng, với sự tối giản chi tiết, họa sĩ tập trung vào hình ảnh nàng Kiều mặt hoa e lệ với cây đàn. Hai khối màu họa hình dáng hai người trong bố cục đăng đối thể hiện sự giao hòa cảm xúc. Gam nền bàng bạc gợi lời thơ Nguyễn Du tả: "Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa". Trong Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư với những mảng màu đen, xám, xanh ngọc, Đức Đàn đều gợi lên dáng vẻ cam chịu qua nét vẽ nhân vật. Với Kiều đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến, thoạt nhìn chỉ thấy một khối đen lớn mà nhìn kỹ mới có thể cảm nhận được đó là hình bóng Từ Hải.

 

Bên cạnh loạt tranh vẽ Kiều đánh đàn, Đức Đàn cũng vẽ những tác phẩm có cảm xúc từ Truyện Kiều như Chị em Kiều, Chơi xuân, Trôi nổi, Lưu lạc, Chạy trốn, Kiều gặp Đạm Tiên... Các tác phẩm này không chỉ diễn tả cảm thức từ một tác phẩm văn học, mà còn gợi lên nhiều ý nghĩa và nhân sinh.

 

Trong triển lãm "Đàn - Xê dịch", Nguyễn Đức Đàn giới thiệu các tác phẩm sơn mài với nhiều chủ đề sáng tác. Những bức tranh phong cảnh của Đàn phần lớn mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên, trong đó, con người chỉ là một chi tiết nhỏ bé của toàn bộ quang cảnh. Các bức tranh tự họa thể hiện đa dạng cảm xúc, khi thì giằng xé nội tâm, lúc lại ưu tư...

 

Các tác phẩm sơn mài của Đức Đàn có những bức theo phong cách biểu hiện, có bức là hiện thực. Tác giả cho biết, anh không tự giới hạn mình vào một phong cách, trường phái nghệ thuật. Ngược lại, anh muốn thử thách mình khi mở rộng biên độ tạo hình, ngôn ngữ nghệ thuật.

 

Triển lãm "Đàn - xê dịch" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 1 tới 5/2 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.