Năm nay, hưởng ứng Nghị quyết 191/EX32 của UNESCO kêu gọi các quốc gia cùng vinh danh trong hai năm (2014 và 2015) 108 nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam, mà có người gọi đùa là “108 vị anh hùng UNESCO”, sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm khắp nơi.

 

 

Tại một cuộc nói chuyện tại Đại học Tô Châu, Mạc Ngôn, khi đấy đã rất nổi tiếng dù chưa nhận giải Nobel, đã nói: “Như Bồ Tùng Linh, cả đời mê đắm khoa cử, vẫn biết đằng sau chế độ khoa cử là cả một sự thối nát, song nơi sâu thẳm trái tim ông vẫn khao khát vươn tới những thứ đó. Nếu ai bảo ông hãy đốt sạch những gì mình viết ra sẽ đậu tiến sĩ, tôi nghĩ ông ấy sẽ chẳng chút đắn đo mà châm lửa ngay”.


Mạc Ngôn đang hài hước nhưng đó là sự thật. Nói chung các nhà Nho chỉ thích lập công, lập đức chứ mấy ai thích lập ngôn. Sáng tác nghệ thuật chẳng qua là để di dưỡng tinh thần chứ tuyệt nhiên kiêng kỵ lấy làm lẽ sống ở đời. Và như vậy, chúng ta có thể đặt giả thiết, nếu Nguyễn Du vẫn sống giàu sang phú quý, vẫn theo gót cha và anh làm đại quan Nhà Lê-Trịnh, có lẽ ông đã không viết “Truyện Kiều” hoặc nếu được đánh đổi, có khi ông sẽ vứt bản thảo “Đoạn trường tân thanh” vào đống củi lửa cũng nên.


Nếu được sống đời vinh hoa phú quý, có lẽ Nguyễn Du vẫn sẽ làm thơ, câu chữ vẫn giàu chất nghệ thuật, đẽo gọt tinh vi nhưng tư tưởng, tính nhân văn khó có thể đạt đến tầm nhân loại, vượt thời đại như bài tựa cho “Truyện Kiều” của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đã viết: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đã nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. 


Trong các tác phẩm của Nguyễn Du, thường thì người ta để ý tính nhân đạo, thương cảm cho những kiếp người bất hạnh trong buổi loạn ly, chiến tranh giữa Lê-Trịnh với Nhà Tây Sơn, Nhà Tây Sơn với Nhà Thanh, nhà Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Nhưng đọc kỹ các bài thơ của Nguyễn Du, ta sẽ phải chú ý với đến tâm trạng ông, thực ra Nguyễn Du là người chán đời một cách kinh khủng: “Trăm năm miễn được say hoài/ Kìa làn mây nổi việc đời khá thương”, “Chữ nghĩa ích gì cho cuộc sống/ Áo cơm buồn những chịu ơn người”, “Dặm nghìn khắc khoải gia tình/ Ngựa còm xe nhỏ, thẹn anh láng giềng”, “Đóng cửa không hay xuân sớm muộn/ Đường lê hoa đã rụng tơi bời”, “Được mất trên đời chưa dễ biết/ Cần gì lo tiếng đến về sau”... 


Không chán đời sao được khi sinh ra trong một gia tình phú quý, vinh hiển bậc nhất, bản thân thì thông minh, tài hoa nhưng thời thế đã khiến gia cảnh sa sút thảm hại, đến mức phải lánh về quê vợ. Đến khi Nguyễn Ánh lập Nhà Nguyễn mời Nguyễn Du ra làm quan, ông đã tỏ thái độ không thoải mái trong thơ. Tóm lại, bi kịch của Nguyễn Du là sinh nhầm thời, không thể đem tài năng ra để trị quốc, bình thiên hạ cho thỏa chí trai.


 Bất hạnh của Nguyễn Du lại là may mắn cho văn học Việt Nam. Người ta thường nói nhà thơ thường làm thơ hay khi số phận nhà thơ không được bình thường (hoặc tầm thường). Và thơ thường có chiều sâu là khi đi vào bản chất, ngóc ngách tâm hồn con người mới có thể trụ được với thời gian, chứ thơ dù có tinh vi về kỹ thuật mà cứ vui phơi phới, hớn ha hớn hả thì chỉ được một thời rồi chả ma nào nhớ tới. Mà quái lạ là khi nói về buồn, khổ của kiếp người thì chẳng hiểu thế nào lại nhận được sự đồng cảm lớn từ nhân quần độc giả. Như viết về tình yêu, Nguyễn Du chỉ tập trung nói về cái khổ vì tình, đó là sự chia ly, khổ vì nhớ, khổ vì yêu và tin nhầm. Đâu là đoạn nhớ nhung da diết nhất, đẹp nhất mà cũng xót xa nhất chúng ta hay nhớ, tất nhiên là đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều: “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng, bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Rồi đâu là đoạn tả sự cô đơn con người nhất, chắc là đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu/ Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh/ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.


 Cũng nói thêm rằng, thực ra chẳng cần các nhà nghiên cứu văn học chứng minh, chính người đọc cảm nhận được “Truyện Kiều” là tiểu thuyết bằng thơ với những đoạn độc thoại nội tâm rất tinh vi vượt xa các tác phẩm cùng thời, chỉ có điều họ không thể diễn đạt bằng khái niệm của khoa học văn học mà thôi. Việc cố sống cố chết chứng minh tài năng nghệ thuật Nguyễn Du vượt qua cả bạn văn khu vực Đông Á là một chiến thuật tồi để cố gắng xóa đi cái mặc cảm Nguyễn Du mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nên nhớ người thời Trung đại không có khái niệm về bản quyền, thậm chí lại quan niệm vay mượn tiền nhân mới là chuẩn chỉ nên chuyện này giống như trẻ con cãi nhau, hết sức vớ vẩn. Đã vậy, có khi nhờ có quan niệm “viết lại” (rewrite), tức là từ một cốt truyện có sẵn, “chế biến” sang một hình thức khác, thông qua một ý niệm (concept) được xây dựng công phu trở thành một tác phẩm độc lập với tác phẩm gốc; có khi mấy cây bút điên cuồng cổ vũ cho chủ nghĩa hậu hiện đại như TYPN say mê Âu hóa, lại kéo Nguyễn Du về phe mình cũng nên. Thế thì, thật tội nghiệp cho cụ quá! 


Năm nay, hưởng ứng Nghị quyết 191/EX32 của UNESCO kêu gọi các quốc gia cùng vinh danh trong hai năm (2014 và 2015) 108 nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam, mà có người gọi đùa là “108 vị anh hùng UNESCO”, sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm khắp nơi. Kể cả không có những hoạt động rầm rộ, vị trí của Nguyễn Du trong lòng dân tộc đã quá vững chắc, đấy có lẽ là điều chính Nguyễn Du cũng không ngờ tới. Có khi ông phát thẹn khi nghe hậu sinh nói những câu như: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Hoặc có khi lại đỏ mặt mà phấn khởi khi nghe câu hát trong bài hát “Tình ca”: “Một yêu câu hát Truyện Kiều, lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta...”